(CMO) Qua rà soát và báo cáo của hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP Cà Mau, hiện nay các trường có nguy cơ tụt chuẩn, rất cần sự hỗ trợ.
Phó trưởng phòng GD&ÐT TP Cà Mau Lê Minh Hải cho biết: “Nhiều năm qua, toàn thành phố nỗ lực xây dựng được 50/85 trường đạt chuẩn quốc gia (ÐCQG). Qua đối chiếu lại các thông tư của Bộ GD&ÐT về việc ban hành quy chế công nhận trường ÐCQG ở các cấp học; nhìn chung đa số các trường giữ vững các tiêu chuẩn về công tác tổ chức; đội ngũ giáo viên và nhân viên, hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục và công tác xã hội hoá giáo dục nâng lên. Nhưng qua nhiều năm, khi thực hiện các thông tư mới năm 2018, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 (học sinh tiểu học 100% phải học 2 buổi/ngày) và do áp lực số lượng học sinh tăng ở một số trường sau khi ÐCQG; một số trường nội ô thành phố không còn quỹ đất để mở rộng hoặc nâng tầng, dẫn một thực tế là số trường có khả năng tụt chuẩn chiếm 30%/tổng số trường đạt chuẩn”.
Ðiển hình như Trường Tiểu học Hùng Vương (Phường 5, TP Cà Mau). Tính đến nay, trường được xây dựng trên 20 năm, đạt chuẩn quốc gia năm 2001. Hiện trường có 1.092 học sinh/28 lớp; bình quân 39 học sinh/lớp (theo quy định mới là 35 học sinh/lớp); đồng thời cơ sở vật chất nhà trường hiện nay xuống cấp, thiếu phòng học. Cách nay 3 năm, nhà trường phải tận dụng hội trường chia thành 2 phòng học. Tuy nhiên, so với số lượng học sinh thực tế, nhà trường cần đầu tư xây thêm 10 phòng học, kinh phí khoảng 6 tỷ đồng mới có thể đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới 2 buổi/ngày và sĩ số mỗi lớp đảm bảo 35 em.
Cô Lê Thị Vũ Khúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện tại, trường còn diện tích để xây thêm phòng học nhưng thiếu kinh phí xây dựng. Nhà trường mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nhà trường thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như những quy định trong các chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia...”.
Thầy Nguyễn Minh Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, Phường 8, TP Cà Mau, cho biết: "Những năm qua, được sự quan tâm của ngành giáo dục tỉnh nhà, trường được đầu tư khá khang trang, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, do địa bàn Phường 8 khá rộng, đông dân cư, lượng công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn khá nhiều... dẫn đến nhu cầu học tập của học sinh khá lớn, từ đó nhà trường còn vướng tiêu chí sĩ số/lớp. Hiện tại, nhà trường có 1.600 học sinh/40 lớp; bình quân mỗi lớp khoảng 40 em”.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, Phường 8, TP Cà Mau, bình quân có 40 em/lớp học. (Ảnh chụp ngày 5/5/2021). |
Từ thực tế khó khăn trên, hàng năm, Phòng GD&ÐT đã tham mưu UBND thành phố, Sở GD&ÐT đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị nhưng do kinh phí cần đầu tư quá lớn mà ngân sách thành phố có hạn nên việc đầu tư cơ sở vật chất đôi lúc gặp khó khăn.
Phó trưởng Phòng GD&ÐT TP Cà Mau Lê Minh Hải cho biết thêm: “Giải pháp hiện nay là, đơn vị tham mưu UBND thành phố từng bước tìm quỹ đất để xây dựng thêm trường học mới, lân cận các trường quá tải học sinh để từng bước giãn cách học sinh nhằm làm giảm sĩ số ở các trường quá tải; mở rộng quỹ đất tại các trường này, xây dựng bổ sung phòng học. Tiếp tục phối hợp tốt trong mọi hoạt động ở nhà trường và địa phương. Trong các năm tới, từng bước thực hiện giảm sĩ số học sinh/lớp đúng quy định.
Hàng năm, các nhà trường tiếp tục bổ sung hồ sơ để duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Vận động các mạnh thường quân thực hiện tốt công tác xã hội hoá. Tăng cường đầu tư công tác giáo dục để nâng cao chất lượng, đạt chỉ tiêu hàng năm. Ðề cao công tác tư tưởng, vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”.
Loan Phương