ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 19:12:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tự hào Tiểu đoàn U Minh 1

Báo Cà Mau (CMO) Cách đây 55 năm (ngày 9/9/1963), Tiểu đoàn U Minh 1 (tiểu đoàn) cùng với các lực lượng chủ lực khác đã tiêu diệt 2 chi khu, Cái Nước và Đầm Dơi, gây tiếng vang lớn. Ôn lại truyền thống anh hùng của đơn vị, tạo điều kiện để những cựu chiến binh của tiểu đoàn có dịp gặp gỡ, thăm hỏi và động viên nhau tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, Ban Liên lạc tiểu đoàn đã tổ chức họp mặt lần thứ 2 tại huyện Đầm Dơi.

Tiền thân từ 2 đơn vị, Đinh Tiên Hoàng và Ngô Văn Sở, tiểu đoàn từng bước phát triển, tham chiến nhiều trận làm tiền đề cho chiến thắng Chi khu Đầm Dơi - Cái Nước và cứ điểm Chà Là. Mở đầu cho các chiến công đó là ngày 19/5/1961, ta đánh đồn Biện Nhị, diệt gọn 1 trung đội địch. Ngay hôm sau, ta tiếp tục phục kích đánh đoàn tàu 4 chiếc chở quân từ Cà Mau theo sông Cái Tàu vào chi viện. Kết quả, 2 tàu bị cháy và 2 chiếc còn lại cũng không đường thoát thân. Ta thu toàn bộ vũ khí.

Tiếp đó, tiểu đoàn đã tác chiến tiêu diệt yếu khu và gỡ nhiều đồn bót trên tuyến sông Ông Đốc, diệt 10 trong tổng số 12 tàu địch vào phản kích theo sông này. Qua đó, khẳng định trình độ chỉ huy tác chiến cấp tiểu đoàn của ta có hiệu quả cao. Tháng 2/1962, tiểu đoàn tấn công diệt đồn Khánh Lâm, bức rút đồn Nỗng Cạn, giải phóng gần 2.000 dân bị địch tập trung vào khu Dinh Điền, Khánh Lâm.

Đầu năm 1963, tiểu đoàn chiến thắng vang dội trong trận đánh tàu tại rạch Cây Me, thuộc huyện Năm Căn. Ta phá huỷ 12 tàu các loại, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, bắn rơi 1 phản lực A37, bắn hạ 4 trực thăng, bắn chìm cháy 70 tàu sắt, góp phần đập tan chiến dịch Sóng tình thương của địch.

4 giờ ngày 10/9/1963, lực lượng ta nổ súng tấn công Chi khu Đầm Dơi, sau 2 giờ chiến đấu ta loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên địch, đến 8 giờ 40 phút ngày 10/9, địch có sự hỗ trợ của không quân, đánh thẳng vào đội hình tiểu đoàn trên tuyến sông Bàu Sen. Tiểu đoàn kiên cường đánh bại 2 đợt đỗ quân, tiêu diệt hơn 100 tên, bắn rơi 1 máy bay.

Cựu chiến binh Tiểu đoàn U Minh 1 thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đầm Dơi.

Liên tục những chiến thắng giòn giã trên càng khẳng định sự tất thắng của lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong chiến dịch tổng hợp Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là lịch sử.

Ông Nguyễn Hoàng Luỹ, Ban Liên lạc tiểu đoàn, cho biết: “Nhiều trận đánh rất ác liệt, nhưng với tinh thần ngoan cường, tiểu đoàn đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu có chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là”.

Tại buổi họp mặt, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng từng tham gia chiến đấu thuộc tiểu đoàn được ôn lại truyền thống hào hùng về những chiến công oanh liệt của tiểu đoàn.

Ông Đặng Thanh Long chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi được về nơi từng chiến đấu, nơi có những kỷ niệm không thể quên. Tuy nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh nhưng tôi vẫn cùng các đồng chí, đồng đội còn lại phấn đấu lao động sản xuất, giúp đỡ lẫn nhau để giữ gìn những giá trị tốt đẹp nhất của tiểu đoàn”.

Từ năm 1957-1963, tiểu đoàn đứng vững chiến đấu, trưởng thành ở chiến trường Cà Mau và tham gia đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, san bằng hàng chục cứ điểm đồn bót của địch, tiêu diệt, bắt tù binh, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay, bắn chìm hàng trăm tàu sắt…

Với những chiến công vang dội, tiểu đoàn 3 lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 800 đồng chí, đồng đội của tiểu đoàn đã yên nghỉ trên khắp các nghĩa trang miền Tây Nam Bộ.

Cựu chiến binh tiểu đoàn hiện còn hơn 200 người, cùng trải qua cuộc chiến tranh ác liệt, cùng hy sinh một phần xương máu. Giờ trở về địa phương, các cựu chiến binh này đều cố gắng lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, nêu gương cho con cháu.

Đại tá Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau, mong mỏi: “Các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng. Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, nhất là phát huy truyền thống tốt đẹp để dạy bảo con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Buổi họp mặt là cuộc hội ngộ của những người làm nên lịch sử, cuộc hội ngộ của những nhân chứng lịch sử. Sự hy sinh vĩ đại đó, niềm tự hào cao quý đó được ghi vào lịch sử, là giá trị nhân văn cao cả cho thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi, gìn giữ và phát huy.  Tinh thần đồng đội, ngọn lửa nhiệt huyết của các cựu chiến binh tiểu đoàn hôm nay làm cho chúng ta thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn, cống hiến thiết thực hơn để đền đáp lại sự anh dũng hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ./.

Thành Quốc

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.