Một năm nữa qua đi, mỗi người dân TP Cà Mau đều cảm nhận rõ sự thay đổi mạnh mẽ nơi đô thị mình đang sống. Những con hẻm tù túng, bẩn chật trước đây như hẻm 27, 43 (thuộc khóm 2, phường 7); tuyến đường Trương Phùng Xuân (phường 8); đường Bông Văn Dĩa (phường 5); hay tuyến lộ chạy dọc dài ven sông thuộc khu vực phường 1 mang tên Lý Văn Lâm… giờ trong diện mạo rất khác, rộng rãi, khang trang, sạch đẹp hơn.
Một năm nữa qua đi, mỗi người dân TP Cà Mau đều cảm nhận rõ sự thay đổi mạnh mẽ nơi đô thị mình đang sống. Những con hẻm tù túng, bẩn chật trước đây như hẻm 27, 43 (thuộc khóm 2, phường 7); tuyến đường Trương Phùng Xuân (phường 8); đường Bông Văn Dĩa (phường 5); hay tuyến lộ chạy dọc dài ven sông thuộc khu vực phường 1 mang tên Lý Văn Lâm… giờ trong diện mạo rất khác, rộng rãi, khang trang, sạch đẹp hơn.
Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hồ Trung Việt cho biết: “Từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng đô thị, tiến đến mục tiêu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, đáp ứng ngày càng tốt việc sinh sống, làm ăn của Nhân dân. Với kinh phí khoảng 1.200 tỷ đồng, từ giữa năm 2013 đến hết năm 2014, thành phố tiến hành nâng cấp, mở rộng các lộ hẻm ẩm thấp, chật hẹp. Dự án đó (còn được gọi là các “LIA”) đã đánh trúng vào nguyện vọng của dân sống trong các lộ hẻm và tạo ra hiệu ứng tích cực cho bộ mặt đô thị”.
Khi người dân ủng hộ
Một góc TP Cà Mau về đêm. Ảnh: TẠ HOÀNG NGUYÊN |
Tuy là đô thị loại 2, TP Cà Mau vẫn mang trong mình những “khiếm khuyết” về kết cấu hạ tầng, các cấp lãnh đạo của thành phố luôn luôn trăn trở về vấn đề bức xúc này. Với 18 LIA đã và đang thực hiện quả thật rất quý, nhưng nói “đủ thì không thể”. Các cấp lãnh đạo thành phố đã trực tiếp tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, xem xét điều kiện thực tế của từng khu phố, con hẻm để có sự tính toán phù hợp. Ông Hồ Trung Việt chia sẻ: “Điều đáng trân trọng nhất là bà con rất ủng hộ chủ trương của thành phố. Cũng từ đó chúng tôi mạnh dạn vận động, tuyên truyền để mỗi người đều thấy được trách nhiệm, quyền lợi trong công việc chung”.
Trên mỗi tuyến đường mới, chủ trương của thành phố nhận được sự xông xáo, tự nguyện và tự giác của Nhân dân. Bà con hiến đất, tháo dỡ công trình, nhanh chóng trả mặt bằng sạch. Chủ tịch UBND phường 2 Trần Vĩnh Thuận thông tin: “Các hẻm nâng cấp của phường thuộc LIA 15 có 122 hộ ở 6 hẻm. Nhận được tin này bà con rất phấn khởi. Chúng tôi tiếp cận, đánh giá nghiêm túc thực trạng, đi sâu vào mong mỏi, ý kiến đóng góp của bà con để triển khai hợp tình, hợp lý, đúng tiến độ”.
Phường 2 từ trước đến nay được coi là trung tâm của thành phố, những con hẻm nhỏ hẹp (chủ yếu tập trung ở khu vực khóm 5) đã tồn tại hàng chục năm, nối vào khu chợ buôn bán sầm uất. Ông Nguyễn Văn Út, hẻm đường Vưu Văn Tỷ, chia sẻ: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, sau giải phóng con hẻm đã vậy. Khu này dân cư đông, sinh sống chủ yếu là buôn bán. Đường nhỏ quá, đi bộ còn đụng nhau nên làm ăn trầy trật lắm”. Ông Út nói, trước đây cũng từng vận động các hộ trong hẻm đóng góp, cùng nhau sửa sang lại đường hẻm nhưng “chỉ xài tạm, chẳng mấy chốc lại hư”. Nghe tin nâng cấp hẻm, nhiều lần ông Út lên gặp lãnh đạo phường, chỉ nhắc câu mà bà con cả hẻm ngày nào cũng hỏi: “Chừng nào làm? Làm sớm cho bà con ăn Tết”.
Ông Trần Hữu Nghĩa, Trưởng Ban Nhân dân khóm 5, phường 2, cho biết thêm: “Bà con hô làm thì đồng lòng lắm. Công việc chung được dân ủng hộ thì phấn khởi vô cùng”. Vậy là nhà tháo hàng rào, phá nhà, đập tam cấp, sắp xếp lại công ăn việc làm của gia đình để “đón đường mới”. Ông Nguyễn Văn Sửu bộc bạch: “Tôi gốc gác ở đây, mấy chục năm rồi con hẻm này vẫn vậy. Chủ trương Nhà nước nâng cấp hẻm tôi rất ủng hộ. Đợt này nhà tôi bị ảnh hưởng cũng nhiều, nhưng có đường mới thì bấy nhiêu ăn thua gì”.
Rộn ràng niềm tin mới
Đất đô thị được ví “tấc đất, tấc vàng”, vấn đề giải phóng mặt bằng, giải quyết quyền lợi cho người dân ở các công trình mới luôn hết sức nhạy cảm và chưa bao giờ dễ dàng. Cách làm của TP Cà Mau, tấm lòng của Nhân dân thành phố vì thế càng trở nên đáng trân trọng.
Song song với con hẻm 43, hẻm 27 giờ đã trở thành niềm tự hào mới của người dân khóm 2, phường 7. Gặp lại anh Mã Quật Cường, Trưởng Ban Nhân dân khóm 2, lúc đang tất bật xây ngôi nhà mới, anh chia sẻ: “Trời ơi, mừng lắm. Riêng tôi đã hiến gần 100 m2. 35 hộ của hẻm có 33 người hiến đất, tính phỏng cũng khoảng 7-8 tỷ đồng”.
Những con hẻm chật chội đã tồn tại hàng chục năm sẽ dần chỉ còn là ký ức. Người dân TP Cà Mau háo hức đón chờ những con đường mới, với niềm vui mới. Ảnh: K. PHƯƠNG |
Mấy chục năm sống trong trung tâm thành phố, cửa ngõ ra chợ phường 7 mà mùa mưa thì nước ngập, buôn bán khó khăn, nước kinh tù đọng mất vệ sinh. Chỉ từ tháng 8 đến 11, con đường 6 m khang trang hình thành, hẻm 27 phấn khởi trong không khí đón xuân. Anh Cường khẳng định: “Chủ trương giải quyết đúng bức xúc, nguyện vọng của người dân, mở đường cho nhà nhà làm ăn phát triển lâu dài thì khỏi vận động bà con cũng đóng góp”.
Phường 5 được đánh giá là một trong những khu vực trọng điểm phát triển đô thị, có sự thay đổi vượt bậc. Chủ tịch UBND phường 5 Ngô Minh Huấn chia sẻ: “Theo nguyện vọng của người dân, chúng tôi luôn ưu tiên tập trung nâng cấp đô thị, vận dụng nhiều phương cách để xây dựng diện mạo hiện đại, văn minh, mỹ quan cho địa bàn. Điểm nhấn chính là thái độ tích cực, cầu thị và tự giác của người dân”.
Theo đó, tuyến đường Bông Văn Dĩa hoàn thành trong cuối năm 2014 đã góp phần làm đẹp thêm không chỉ cho phường mà cho cả thành phố. Cô Trần Ái Vân, Trưởng Ban Nhân dân khóm 4, bộc bạch: “Bà con còn hối làm chứ có cần vận động gì đâu, tôi đại diện bà con đề đạt nguyện vọng, được sự quan tâm của thành phố, trong 1 ngày, tuyến đường Bông Văn Dĩa đã có mặt bằng sạch”. Còn theo lời của ông Cao Xuân Thạch, đã ở khóm 4, phường 5 từ năm 1989, thì ở thành phố mà hẻm nhỏ xíu, làm ăn biết bao giờ cho khá. Ủng hộ làm đường, ông “vạc” luôn xưởng máy trước mặt nhà để “Nhà nước làm nhanh xong”, khóm có con đường mới đẹp hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng thông tin, khoảng 1 năm rưỡi, tính đến hết 2014, thành phố đã tiết kiệm được ngân sách trên dưới 300 tỷ đồng. Đây là sự đồng thuận đóng góp quý báu của Nhân dân, thành phố lại có thêm điều kiện để tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp và quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội của bà con. Bài học lớn nhất mà TP Cà Mau thu nhận được từ việc nâng cấp đô thị chính là biết “Tựa vào dân, cùng Nhân dân trao đổi, bàn tính và triển khai công việc chung”. Đây là yếu tố quyết định, là “bí mật thành công” để Cà Mau vững bước hoàn thiện đô thị loại II, tiến tới mục tiêu đô thị loại I vào năm 2020./.
Quốc Rin