Dọc các hành lang, cầu thang và lớp học tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Cà Mau) đều có những tranh vẽ sinh động với nhiều chủ đề, giúp các em vui vẻ hơn và có tinh thần học tập hơn.
- Phủ xanh học đường
- Làm mới nếp sinh hoạt học đường
- Vườn rau, ao cá học đường
- “Gieo hạt mầm” bảo tồn di sản
Nội dung các bức tranh về những câu chuyện cuộc sống, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, tết Nguyên đán... Tuỳ theo thời điểm, nhà trường sẽ chọn chủ đề phù hợp để thay đổi tranh vẽ sao cho sinh động và hấp dẫn học sinh nhất.
Hoạt động vẽ tranh được các em xem là hình thức vừa học vừa giải trí.
Ngoài việc làm đẹp cảnh quan, các bức tranh vẽ phong cảnh thiên nhiên, các trò chơi dân gian trong các dịp lễ, Tết... cũng là cách tốt nhất để truyền tải nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống đến học sinh một cách hiệu quả. Ðiều thú vị là, các tranh vẽ này có sự chung tay thực hiện của học sinh theo hướng dẫn của các hoạ sĩ kèm cặp.
Ðây được xem là phương pháp giáo dục bằng hình ảnh trực quan sinh động, giúp học sinh tại trường được thả mình vào không gian đầy màu sắc, kích thích trí tưởng tượng. Vì thế, các em đặc biệt yêu thích và hứng thú với các bức tranh tường.
Tranh vẽ không chỉ thu hút các bạn nữ mà các bạn nam cũng thích thú và chung tay làm đẹp các bức tranh tường của trường mình.
Em Nguyễn Tường Vy, lớp 5A, chia sẻ: “Mỗi lần đi qua hành lang hay cầu thang, em và các bạn đều dừng lại ngắm những bức tranh. Chúng em cũng có góp sức vẽ dù rất nhỏ, bản thân em cảm thấy rất vui. Tranh trên tường có nhiều chủ đề, chúng em càng ngắm càng thấy hứng thú tìm hiểu về chủ đề mà mình thích. Ví dụ như nhìn tranh vẽ tết Trung thu có mâm cỗ, có rước đèn... em sẽ lên mạng tìm hiểu mâm cỗ trung thu ngày xưa là như thế nào, lễ rước đèn ngày xưa khác bây giờ ra sao...”.
“Lúc trước, tường phòng học rất bẩn, từ khi có tranh vẽ em thấy môi trường học của mình sạch đẹp hơn. Các bạn vui đùa cũng có ý thức hơn, để không làm hỏng bức tranh của trường, của lớp mình. Mỗi khi thấy tranh hơi phai màu, chúng em báo ngay với thầy, cô và cùng tô sửa lại để tranh luôn đẹp”, em Nguyễn Bảo An, lớp 5A, bày tỏ.
Có thể nói, những thay đổi nhỏ về thói quen như thế dần dần sẽ giúp các em có ý thức tốt hơn về việc bảo vệ cảnh quan trường, lớp của mình.
Nhóm học sinh đứng ngắm lại bức tranh mình vừa làm mới và tranh luận về chủ đề của bức tranh.
Với việc làm này, các thầy, cô mong muốn tạo ra không gian an toàn, thân thiện, hấp dẫn với học sinh. Thầy Lâm Văn Tính, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chúng tôi thấy ở TP Hồ Chí Minh, các trường có mô hình vẽ tranh trên tường mang tính chất tuyên truyền rất tốt. Trong khi đó, tại trường này, học sinh đông, một số em ý thức bảo vệ trường lớp chưa tốt; ở các cầu thang, các hành lang có dấu tay, vết mực, làm cho vẻ mỹ quan trong trường không được đẹp... Xuất phát từ ý tưởng đó, lãnh đạo trường vận động và được phụ huynh học sinh đồng tình, đóng góp để nhà trường thực hiện vẽ tranh. Tranh có nhiều chủ đề, như: biết ơn thầy cô giáo, an toàn giao thông, bảo vệ cảnh quan, công viên, giới thiệu về Mũi Cà Mau, cảnh đẹp của đất nước... Bên cạnh trang trí đẹp còn mang tính giáo dục, lại tạo được sự sinh động trong học đường, truyền tải sự sáng tạo cho các em”.
Tranh vẽ tại trường rất sinh động và dễ hiểu.
Chị Lâm Thu Phương, một phụ huynh, chia sẻ: “Môi trường học đường phải cho học sinh nhiều hứng khởi để các cháu thích thú khi đi học, hào hứng tham gia các hoạt động tại trường. Phụ huynh sẽ không ngại đóng góp để tạo không gian học vui, cởi mở cho con".
Tranh tường đã thực sự tạo nên sự tươi mới, thân thiện, hấp dẫn cho không gian trường lớp và được học sinh, phụ huynh đón nhận nồng nhiệt. Nhiều phụ huynh còn mong muốn cho con em mình lên ý tưởng về chủ đề để tăng sự sáng tạo nhiều hơn và tạo sự phấn khởi, năng động trong chính môi trường học đường, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui./.
Lam Khánh