Bên cạnh dạy và học, Trường THCS Tạ An Khương (huyện Ðầm Dơi) còn có thêm một số hoạt động để học sinh được trải nghiệm, phát huy tính sáng tạo. Tiêu biểu như mô hình vườn rau, ao cá trong trường, vừa giúp các em có thêm kỹ năng, kiến thức, vừa là cơ hội để các em được gần gũi với thiên nhiên, biết trân quý sức lao động.
Năm học 2022-2023, Liên đội Trường THCS Tạ An Khương xây dựng mô hình vườn rau, ao cá trong khuôn viên trường học, duy trì thực hiện đến nay.
Hai bể xi măng được xây phía sau trường, nuôi cá rô, cá lóc, cá bảy màu... Ðối với vườn rau, trường xây dựng mô hình trồng rau thuỷ canh, ngoài ra còn tận dụng chậu trồng cây, thùng xốp để trồng một số loại rau ngắn ngày như: cải, rau muống.
Học sinh hào hứng chăm sóc vườn rau thuỷ canh vào giờ chơi.
Thầy Phan Bảo Ngoan, Tổng phụ trách Ðội, cho biết: “Công đoàn trường đầu tư kinh phí. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm sóc hằng ngày đều được các em tự tay thực hiện. Tranh thủ giờ chơi, những buổi chiều, các em vào chăm sóc, dù tốn thời gian, công sức nhưng các lớp rất tích cực làm và hào hứng với thành quả mình tạo ra”.
Ðại diện lớp phụ trách chăm sóc rau hằng ngày, em Trần Hải My (lớp 9a2) hào hứng: “Mỗi lớp sẽ chia nhau một diện tích để chăm sóc, các bạn nữ phụ trách việc trồng rau, nam sẽ chăm sóc cá. Em rất thích công việc này, nó giúp em có những trải nghiệm thú vị vào giờ chơi”.
“Em rất thích chăm sóc rau màu như: tưới nước, bắt sâu, làm cỏ... qua đó em hiểu được sự vất vả của cha mẹ trong nghề làm nông. Mỗi khi thu hoạch, em thường lấy sản phẩm do chính mình làm ra mang về để khoe với gia đình ”, em Nguyễn Bích Muội, lớp 8a1, chia sẻ.
Mô hình vườn rau, ao cá thu hút nhiều học sinh tham gia, phát huy tính sáng tạo và có được trải nghiệm thú vị.
Nguồn rau thu hoạch để phục vụ trong trường, tặng học sinh, giáo viên có nhu cầu sử dụng, số còn lại để các lớp áp dụng vào các môn thực hành. Các luống rau sau khi thu hoạch sẽ tiếp tục được cải tạo để trồng vụ tiếp theo.
Em Võ Hoàng Duy, lớp 9a3, chia sẻ: “Giờ chơi, em cho cá ăn và ngắm những con cá cảnh đẹp mắt. Công việc này giúp em thư giãn”.
Tranh thủ giờ giải lao, các em học sinh cho cá ăn.
“Trên tinh thần tự nguyện, lớp em sẽ phân chia nhau việc chăm sóc vườn rau, ao cá. Vì có đam mê với cá cảnh nên em thường cho cá ăn hay vớt rong rêu trong bể. Ðến khi thu hoạch, chúng em sẽ xin cá cảnh về để trang trí trong phòng học, vì lớp chúng em có một khoảng không gian để trang trí hoa, cây xanh, nuôi cá”, em Nguyễn Bảo Trân, lớp 8a3, cho biết.
Cá đến khi thu hoạch, ngoài dùng chung cho giáo viên và học sinh trong trường, số còn lại sẽ bán để gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn.
Thầy Phan Bảo Ngoan cho biết thêm: “Mô hình vườn rau, ao cá là trải nghiệm thú vị giúp các em áp dụng những kiến thức được học vào cuộc sống. Với những hiệu quả mô hình mang lại, thời gian tới, Liên đội tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư để nâng cấp mô hình, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho học sinh”./.
Phương Thảo