(CMO) Tuổi thơ của đám trẻ quê nghèo như tôi “khát” sách như cỏ “khát” mưa vậy. Những ngày nghỉ hè, bố mẹ thường khoá cửa nhốt tôi trong nhà để khỏi đi bêu nắng. Tôi loanh quanh hết đào bới đất cát trong vườn, theo dõi con kiến leo dọc trên dây phơi quần áo, gấp thuyền giấy thả xuống ao hay trèo lên cửa sổ ngắm mây và tưởng tượng ra đủ thứ hình thù…
Nhưng rồi cũng chán ngay, tôi đòi mẹ mua bộ sách giáo khoa của năm tới để về đọc trước. Tôi đọc hết từ sách Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Đạo đức, Khoa học… Đôi khi đọc đi đọc lại cũng chẳng hiểu nhưng những con chữ miệt mài xếp hàng chạy ngang trang giấy cứ mê hoặc tôi kỳ lạ. Cả ngày tôi ôm chồng sách, thậm chí có hôm cô bé hàng xóm còn giận dỗi vì gọi mãi mà không thấy ló mặt lên cửa sổ để chơi trò vận chuyển đồ đạc bằng dây.
Dù cuộc sống hiện đại có nhiều phương tiện giải trí, nhưng với nhiều trẻ nhỏ, sách vẫn là niềm đam mê bất tận. Ảnh: MINH TẤN |
Có lần, tôi mượn được của cô bạn hàng xóm cuốn truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” rách tơi tả, thậm chí còn mất mấy trang đầu. Mỗi ngày tôi chỉ đọc mấy trang rồi gấp cất đi để dành ngày mai đọc tiếp, vì sợ hết. Tôi đọc cả chục lần, đọc đến nỗi thuộc làu làu, nhắm mắt cũng có thể kể vanh vách. Tôi ước mình cũng được phiêu lưu giống chú Dế Mèn, được đặt chân đến những vùng đất lạ, cứu giúp những kẻ yếu như một người hùng…
Một hôm tôi ngồi bệt bên thềm, tay gãi gãi đầu chú mèo mướp. Nó tựa đầu vào chân tôi, miệng kêu gừ gừ, mắt lim dim có vẻ khoan khoái lắm. Tôi tò mò tự hỏi Dế Mèn của ông Tô Hoài có thể phiêu lưu tại sao mèo mướp nhà mình lại không? Liệu rằng nó có thể vượt qua được những hiểm nguy ngoài kia hay đơn giản là cơn đói khát?
“Tại sao mình không tự viết sách cho mình đọc nhỉ?”. Nghĩ vậy, tôi chạy ngay vào bàn học và cắm cúi viết. Tôi nắn nót từng dòng mực tím trên trang vở ô li. Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của chú mèo mướp cùng cậu bạn thân mèo mun. Hai anh chàng mèo dũng cảm đã phải chiến đấu với rắn hổ mang, chạy trốn hổ, gặp được những người bạn mới như sóc, gấu, rồi bị bắt về thành phố, cứu sống bạn mèo vàng khỏi chết đuối và cuối cùng là tìm được đường về nhà.
Ban đầu tôi giấu nhẹm cho riêng mình vì xấu hổ, thế mà không ngờ cuốn truyện này được đám bạn trong xóm truyền tay nhau đọc. Đã thế, bọn chúng còn mang “cống nạp” cho tôi cả một mũ nan đầy khế ngọt, mấy viên bi ve hay trái bóng bưởi để tôi viết tiếp truyện cho chúng đọc.
Trò chơi tuổi thơ. Ảnh: PBT |
Bây giờ tôi đánh mất bản thảo cuốn truyện đó, cũng đánh mất luôn cảm giác háo hức khi đứng trước một cuốn sách. Không còn dán mắt như muốn ngấu nghiến từng con chữ, không còn hít hà mùi giấy mới chẳng biết chán, không ôm khư khư cuốn sách cả khi đi ngủ như hồi còn bé. Tôi cứ tự biện hộ cho sự xa cách của bản thân với sách bằng những lý do như: Công việc bận rộn, lo lắng cho vợ con, có nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp…
Đám trẻ quê tôi bây giờ cũng không còn “khát” sách như thuở trước nữa. Phải chăng bây giờ chúng bị hấp dẫn bởi nhiều thứ màu sắc, sống động hơn sách như điện thoại, ti vi, mạng Internet…
Trên đường đi làm về, dừng xe chờ đèn đỏ, tôi nhìn thấy một ông cụ ngồi tựa vào chiếc ghế gỗ bên khung cửa mở he hé nheo nheo mắt đọc một cuốn sách cũ mèm, ố màu. Bất chợt thấy lòng mình nao nao nhớ, nhớ tuổi thơ “khát” sách, nhớ một thói quen, nhớ một người bạn cũ./.
Đào Mạnh Long