Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc tham gia giữ gìn, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hoá, Ban Thường vụ Huyện đoàn U Minh vừa ra mắt Ðội hình tuyên truyền, giới thiệu khu di tích lịch sử, công trình văn hoá trên địa bàn huyện.
- Sức sống xanh của tuổi trẻ
- Tuổi trẻ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- Sôi động chiến dịch tuổi trẻ
- Thể hiện cao nhất tinh thần tình nguyện tuổi trẻ
- Tuổi trẻ “nói không với ma tuý”
Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong việc tham gia giữ gìn, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hoá, Ban Thường vụ Huyện đoàn U Minh vừa ra mắt Ðội hình tuyên truyền, giới thiệu khu di tích lịch sử, công trình văn hoá trên địa bàn huyện.
Mang trong mình tình yêu nồng nàn với văn hoá, lịch sử dân tộc nói chung và văn hoá, lịch sử của quê hương U Minh nói riêng, tuổi trẻ huyện đã thành lập đội hình tuyên truyền tại các địa chỉ đỏ. Hoạt động chủ yếu của đội là giới thiệu về các di tích trên địa bàn huyện, nắm rõ các sự kiện lịch sử của địa phương.
Các trường trên địa bàn huyện thường xuyên đưa học sinh về khu di tích để tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.
Chị Quách Cẩm Tú, Bí thư Huyện đoàn, chia sẻ: “Nhiều người trẻ hiện nay ít tham gia các hoạt động của địa phương, mà chú tâm vào các trang mạng xã hội, thiếu thông tin về di tích, lịch sử của địa phương. Từ những điều đó, tôi trăn trở làm sao kết nối được các bạn với nhau, tạo nên một thể thống nhất. Từ suy nghĩ này mà Ðội hình tuyên truyền, giới thiệu khu di tích lịch sử ra đời. Quy chế hoạt động của đội hình là thường xuyên tìm hiểu kiến thức lịch sử địa phương, đồng thời kết nối để giới thiệu về địa danh lịch sử, các cột mốc quan trọng của địa phương, cũng như sự hình thành, phát triển của vùng đất U Minh”.
Di tích "Địa điểm máy bay B52 rải thảm Dớn Hàng Gòn" đã được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh và thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Thành viên Ðội hình tuyên truyền thường xuyên tìm hiểu về lịch sử và quá trình làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bác Sáu Dân) tại Cà Mau.
Theo lịch sử ghi lại, vào đêm mùng 10 rạng sáng 11/9/1969 (âm lịch), khi mọi người trên tuyến kênh Dớn Hàng Gòn đang say ngủ, bọn Mỹ - Nguỵ đã dùng máy bay B52 ném bom rải thảm suốt chiều dài hơn 3 km, làm 65 người dân vô tội chết tại chỗ và hàng trăm người khác bị thương. Có những gia đình trúng bom chết hết và cũng có người chết không tìm thấy xác.
Ðể tưởng nhớ ngày làng xóm chìm trong tang tóc, đau thương, chính quyền xã Khánh Lâm đã dựng bia căm thù tại chính nơi bọn giặc rải bom thảm sát để tố cáo tội ác Mỹ - Nguỵ. Hằng năm, cứ vào ngày 11/9 âm lịch, trong xóm lại có giỗ chung và người dân kênh Dớn Hàng Gòn cùng ra bia căm thù để thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Chị Quách Cẩm Tú chia sẻ: “Ðội hình đầu tiên chúng tôi thành lập là ở xã Khánh Lâm, trọng tâm là những đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) thuộc Ấp 3 của xã. Ðịa chỉ đỏ Bia căm thù Dớn Hàng Gòn là nơi để thế hệ ÐVTN tập họp, nghe hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp, nhân chứng sống kể lại những câu chuyện xảy ra trong thời chiến, để thế hệ trẻ ghi nhớ sự mất mát đau thương của dân tộc”.
Khu Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt được xây dựng trên phần đất của ông Ðỗ Minh Thuần, Ấp 6, xã Khánh Hoà, hoàn thành và khánh thành vào ngày 16/2/2023.
Các di tích lịch sử là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chị Danh Thị Mị, Bí thư Xã đoàn Khánh Hoà, kiêm Chủ nhiệm Ðội hình tuyên truyền của xã, cho biết: “Chúng tôi rất đỗi tự hào khi trên quê hương có công trình văn hoá, lịch sử giáo dục truyền thống yêu nước. Chúng tôi là những thanh niên của thế hệ trẻ, sẽ góp phần cùng với Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống lịch sử. Di tích này là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong những buổi sinh hoạt, các ÐVTN làm vệ sinh xung quanh công trình, làm cỏ, trồng cây xanh, gìn giữ vẻ tôn nghiêm của khu di tích”.
Huyện U Minh có trên 3.250 ÐVTN. Ban Thường vụ Huyện đoàn tổ chức cho các chi đoàn sinh hoạt theo hình thức cụm. Chị Quách Cẩm Tú thông tin: “Nếu cho mỗi chi đoàn sinh hoạt riêng thì không có sinh khí, nên Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các địa phương triển khai sinh hoạt cụm, mỗi cụm khoảng 3 chi đoàn sinh hoạt chung. Cụm sinh hoạt mỗi tháng một lần, có kịch bản sinh hoạt cho mỗi tháng, qua đó tạo được sự hăng hái cho đoàn viên”./.
Kim Cương