(CMO) Duyên tình cờ, trong một lần trò chuyện, tôi được chú Sáu Sơn (Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp) kể chuyện về một ông cụ tuổi gần 90 mà cuộc đời hấp dẫn như nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa”. Tò mò, một sớm mưa dầm, tôi đi về đầu cầu Cái Rắn (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước) để hỏi thăm nhà ông Tư Thẩm (ông Nguyễn Trí Thẩm hay Nguyễn Phước Thẩm). Ông Tư ra đón, dáng vẻ phong độ, nhanh nhẹn.
Nghe tôi trình bày sơ qua mong muốn cuộc gặp mặt này, ông Tư trầm ngâm: “Con ngồi với ông hết buổi sáng nay nhé! Còn muốn nghe nhiều hơn, có dịp cứ ghé qua”. Mươi năm làm nghề, tôi biết ngay là gặp được một pho sử sống. Với quan niệm của tôi, dù dở, dù hay, những câu chuyện của bậc tiền nhân đều có sức cuốn hút mãnh liệt. Tôi tâm đắc nhất câu châm ngôn “Lý thuyết thì xám xịt, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Tôi còn ngợ rằng, cái họ Nguyễn Phước… biết đâu dòng dõi của vua chúa chứ chẳng chơi.
Ông Nguyễn Trí Thẩm. |
Hồi ức của ông trải đầy dòng lịch sử đau thương và hào hùng của mảnh đất Cà Mau. Đó là những ngày Nhật đảo chánh Pháp, rồi không khí Cách mạng Tháng Tám bùng lên ở thị trấn Cà Mau. Ông Tư mới hơn 10 tuổi, theo chân cha mình, cụ Nguyễn Phước Hoạch chứng kiến những ngày đình làng Tân Hưng mở hội. Khi ấy, ngày cũng như đêm, thiếu niên, nhi đồng diễn tập nhộn nhịp bài tập đội hình “Một hai một… đứng lại… một hai”. Cũng từ lúc ấy, ông Tư chân như dính chặt vào đình làng, hăm hở theo các bạn trong đội thiếu niên, nhi đồng tập dượt. Lần đầu tiên, ông nghe đến cái tên thân thương Cụ Hồ Chí Minh và biết nước mình là Việt Nam chớ không phải cách gọi của Tây là An-nam-mít. Biết lá cờ đỏ Búa Liềm treo trên đọt dừa lão của quê hương.
Pháp trở lại, Mặt trận Tân Hưng là nơi mà cha ông Tư phụ trách ban tiếp tế mặt trận. Mặt trận thất thế, ông và cha cùng nhau di tản, dẹp luôn xưởng xay lúa tại Cái Rắn đóng trên điền Tây Patesti. Ngay sau đó, ông Tư thoát ly gia đình, tham gia cách mạng năm 1946, ở đoàn tuyên truyền dân quân chánh của huyện Cà Mau. Thông minh, ham học hỏi, ông Tư được giao nhiệm vụ đại diện giới thiếu niên, nhi đồng huyện trong đội tuyên truyền lưu động. Ông Tư hồi nhớ: “Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là buổi tuyên truyền ở Cái Keo (thuộc xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi ngày nay)”.
Đôi mắt bừng sáng tinh anh, ông nói: “Khi đó, cuộc mít tinh diễn ra ban đêm. Đoàn phải dùng đèn măng-xông, đèn khí đá, bà con thì từ 4, 5 xã lân cận mặc quần cụt vẹt sậy, năn, bồn bồn băng đồng mà tới. Có cả những cụ già, những bà mẹ ẵm con trên tay”. Ông Tư trong trang phục của đội thiếu nhi cứu quốc, đồ sọt kaki vàng, đội ca lô xanh viền đỏ mở màn buổi nói chuyện. Được tập luyện kỹ càng từ trước, nhìn hàng ngàn con người vỗ tay phía dưới, “nhập thần” ông cứ thế nói. Nói xong phải đợi bà con vỗ tay cho dứt để chào lui. Vậy mà các bà, các mẹ, các chị cứ giơ cả hai cánh tay để vẫy ông lại. Có người nắm tay, có người chồm tới hôn. Phía dưới, nhiều tiếng xì xào: “Con cái nhà ai ngộ quá, nói chuyện hay quá. Cách mạng mình hay quá”.
Sau khi tham gia các lớp đào tạo về tuyên huấn, khoảng năm 1948 ông Tư về Ty Thông tin và đến 1949 thì chuyển Ban Tuyên huấn tỉnh Bạc Liêu. Sau đó, được phân công phụ trách phát hành báo chí, sách. Kể về giai đoạn này, ông Tư cho biết: “Khi ấy, có các tờ báo Cứu Quốc (Trung ương Cục miền Nam), Tiếng Súng Kháng Địch (Quân khu 9), báo Chiến (Tỉnh uỷ Bạc Liêu) và sau này là báo Nhân Dân Miền Nam và một số đầu sách của các nước xã hội chủ nghĩa”.
Riêng tờ báo Chiến của Tỉnh uỷ, đóng tại kinh Bộ Đôi, xã Tân Hoà, huyện Đầm Dơi. Trong trí nhớ của ông, tờ báo ra đời khoảng năm 1947, chủ yếu là hướng dẫn chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng. Ông Tư rất hay ghé lại cơ quan Báo Chiến. Ông Tư kể, phía trước cơ quan báo Chiến có đề “Cơ quan hội nghiên cứu chủ nghĩa Các-Mác tỉnh Bạc Liêu”. Nhà in của tỉnh khi ấy do ông Trần Ngọc Hy phụ trách. Tài sản chỉ là một cái máy in. Ông Tư vẫn nhớ biệt tài đặt thơ, ca dao, đặc biệt là bài vần tới mấy trăm chữ T.
Nói về giai đoạn này, ông Tư thổn thức: “Khi đó những người làm cách mạng quý sách hơn cả vàng bạc. Có hẳn một phong trào sách gối đầu giường. Có những cuốn sách mà mọi người truyền tay nhau đọc dần dà nát nhừ ra. Với người phụ trách phát hành như tôi thì đó là nhiệm vụ Đảng giao, ngoài ra sách còn hơn cả sinh mệnh”. Cũng trong giai đoạn này, ông Tư bắt đầu “mần ăn lớn” với vị trí Tổng đại lý phát hành báo Nhân Dân Miền Nam. Ông Tư nhớ rất rõ, khi ấy chỉ có 3 cán bộ cao cấp được tiếp cận sách, báo loại đặc biệt là ông Châu Văn Đặng, Trần Văn Sớm và Võ Văn Kiệt.
"Cơ quan" của ông Tư là chiếc ghe tam bản bự, 2 rương lớn sách, báo và đội hình xuồng ba lá. Sau khi nhận sách, báo, đóng gói, ngay lập tức các đội chia nhau ra phát hành về cơ sở. Tờ báo Nhân Dân Miền Nam thì phát hành tới tận chi bộ. Ông Tư ngẫm nghĩ, ngay ở thời kháng Pháp, công tác phát hành báo đã bài bản, hiệu quả thế kia, đúng là chuyện chẳng ai mường tượng ra được. Với điều kiện khó khăn, thiếu thốn khi ấy, thì câu chuyện phát hành bây giờ đúng là còn phải học dài dài.
Mà cũng rất lạ, phát hành sách báo khi ấy được coi là một công việc hết sức quan trọng, chớ chẳng phải như bây giờ. Ông Tư nhờ làm phát hành mà quen biết rộng, học hỏi được nhiều người, nhiều kiến thức, dấu chân in khắp Bạc Liêu, Cà Mau. Nhiều lần làm nhiệm vụ, họng súng giặc đã giơ trước mặt, ấy vậy mà bằng cách nào đó ông vẫn sống. Giặc giã, sống chết mặc kệ. Người ta gặp sách, báo khi ấy là gặp được chân lý, niềm tin, gặp được Cụ Hồ, thấy tương lai tất thắng… Bấy nhiêu đó đủ làm ông Tư thêm hăng hái làm nhiệm vụ.
Ông Tư kể, những ngày cuối cùng của Pháp, tụi nó đánh phá ác liệt. Dồn đầu não kháng chiến Nam Bộ ở Cà Mau ra tận mé biển. Ban Tuyên - Văn - Giáo cử 3 người, trong đó có ông quay lại tuyến sau nắm tình hình. Chẳng may gặp tụi giặc khoá đuôi bắn xối xả. Cả 3 người nạnh ai nấy chạy. Cả 3 đều thoát được, nhưng cứ nghĩ rằng 2 người còn lại đã hy sinh. Vậy nên, dù không ai chết nhưng tin đưa về có 6 người thiệt mạng. Ông Tư dí dỏm: “Cái anh ở giáo dục, lúc chạy thoát gặp đồng bào, cái quần buộc trên cổ, mừng quá nên cứ lao ra đại. Một bà má nhắc nhở: “Chú gấp gì thì gấp, mặc cái quần vô rồi hẳn nói”.
Thời điểm tập kết, cả vợ chồng ông Tư đều có danh sách đi tham gia đoàn tuyên truyền lưu động và chia tay đồng bào khắp tỉnh. Vậy nhưng đến phút cuối, tổ chức phân công ông ở lại để “giâm”, tuỳ tình hình để “điều”. Ông về lại quê vợ ở Vàm Đầm (Đầm Dơi) sinh kế và chờ nối liên lạc bằng nghề hầm than. Bè lũ Mỹ - Diệm tràn vào miền Nam. Những cán bộ thời 9 năm như ông Tư không thoát khỏi tầm truy bức. Ông bị bắt và chịu những cực hình tàn khốc của giặc, tưởng chừng không qua nổi. Bí bách quá, ông lên Sài Gòn, hành nghề y tá tư.
Mặc dù cố gắng kết nối với tổ chức, ông Tư mong từng ngày quay lại bưng biền chiến khu sát cánh với đồng đội. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, ông vẫn bám thành. Cuộc đời xô đẩy, đưa tới bước ngoặt ông đứng ra thành lập Nghiệp đoàn Y tá tư tại đất Sài Gòn. Phía dưới ông là hàng ngàn y tá, phần đông là từ trong chiến khu thời 9 năm. Nghiệp đoàn Y tá tư nức tiếng từ Mũi Cà Mau đến sông Bến Hải, ông Tư - Nguyễn Trí Thẩm với vị trí là nhà sáng lập, Tổng Thư ký. Nghiệp đoàn ăn nên làm ra, ông Tư cũng tranh thủ gởi thuốc men, máy móc, y cụ vào vùng cứ. Chưa thoả lòng, ông còn thành lập đoàn y tá tư để cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt. Tiếng thơm vang xa, ông được cả tổ chức nước ngoài mời sang Hồng Kông dự hội thảo.
Khi làm thủ tục đi, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, mà trực tiếp là Tổng Nha cảnh sát chấm vào lý lịch ông hai chữ: “đen ngòm”. Nguyễn Trí Thẩm là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là cộng sản nòi thời 9 năm. Nguyễn Trí Thẩm từng 2 lần bị tù. Nguyễn Trí Thẩm dung dưỡng cho Việt cộng nằm vùng ở nội thành. Bấy nhiêu lý do đó đủ để giặc tìm mọi cách xoá hết dấu vết của ông trên cuộc đời này. Ông rời thành, bỏ lại nghiệp đoàn. Bỏ lại vợ và các con nheo nhóc, trong lòng tin chắc rằng, ngày toàn thắng không còn xa nữa.
Hoà bình lập lại, ông về phụ trách Đài Truyền thanh Duyên Hải, rồi Ngọc Hiển. Sau đó, do yêu cầu tổ chức, ông về lại Sài Gòn hoạt động tình báo, mục tiêu là phát hiện các cơ sở, đường dây, kho tàng… mà chế độ cũ và Mỹ để lại tại Sài Gòn. Sau đó, ông về lại Đầm Dơi làm công tác thương nghiệp rồi về hưu.
Trong câu chuyện đầy biến động cuộc đời, ông Tư tiếc mấy điều: “Phải chi mình được đi tập kết. Phải chi kết nối được với tổ chức thì mình vẫn là đảng viên”.
Khi bước qua tuổi 60, ông mang nhiều chứng bệnh, tưởng vượt qua không khỏi. Rồi ông tập dưỡng sinh, kết quả thật không thể tưởng tượng được. Ông khoe 2 bức ảnh, một lom hom, yếu ớt ở tuổi 67 và một là phong độ cường tráng ở tuổi ngoài 80. Không ai nhận ra đó là cùng một con người. Ông tự nhận, mình là người may mắn khi còn sống qua 2 cuộc kháng chiến dù không ít lần đối mặt tử thần. Ông may mắn vì tuổi già nhưng khoẻ mạnh, lạc quan. Ông lấy bản thân mình làm một cuộc thử nghiệm với sự khốc liệt của quy luật tạo hoá: Sinh - lão - bệnh - tử.
Ông nói làm cả những người đang tuổi tráng niên như tôi bừng tỉnh: “Tại sao già phải đi liền với yếu? Già là để đợi cái chết?”. Ông Tư sống đúng với quan niệm của mình. Gần 90 tuổi, ông vẫn cưu mang 3 đứa con trai bị di chứng hoá học, không bình thường. Nỗi đau ấy còn kéo dài sang đứa cháu nội 17 tuổi không nhận thức phải tách biệt bằng lớp cửa khoá lạnh tanh. Rỗi rải, ông lại chạy xe gắn máy đây đó thăm bè bạn. Ông vẫn thách thức với tạo hoá, nhớ đến từng khoảnh khắc cuộc sống đã qua. Và cho dù có bao nhiêu thăng trầm, ông vẫn tự hào nói với cuộc đời rằng: “Ông không thấy thẹn với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân”./.
Phạm Quốc Rin