(CMO) Năm học mới lại bắt đầu, biết bao lo toan vất vả trên những bước chân con đến trường của các bậc phụ huynh.
Con đường đến nhà chị Bùi Thị Hậu (Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) còn lấm lem bùn lầy sau trận mưa. Loáng thoáng thấy có khách, chị Hậu dở tay canh mẻ than đang hầm, sau lưng chị, tụi nhỏ (con chị Hậu) đang bận chơi nhà chòi bằng lá dừa non tước sợi.
Dẫu cha mẹ nghèo cũng lo cho con đi học
Ngôi nhà tềnh toàng, không có gì đáng giá, là chỗ che nắng, che mưa hàng chục năm nay của mẹ con chị Hậu.
Chị tâm sự: “Hồi đó ít học giờ khổ quá. Tôi không muốn con khổ giống mình nên giờ cực cỡ nào cũng quyết tâm cho con ăn học, có được cái nghề ổn định với người ta. Đời con phải hơn cuộc đời cha mẹ mới được...”.
Nói là quyết tâm nhưng lo được ngày nào hay ngày ấy, nhà nghèo, cha thất học, mẹ cũng chẳng khá hơn. Cả nhà 6 miệng ăn bám víu vào nghề hầm than và chút ít tiền từ việc đi cào vỏ tràm mướn của chồng.
Chị Hậu có 2 con gái, đứa lớn đặt tên là Hiếu, đứa nhỏ tên Thảo. Hai chị em cặm cụi chơi bên góc hiên nhà. Chị lớn thắt cào cào, nhỏ em thắt đồng hồ đeo tay.
Công việc hầm than gánh hết kinh tế gia đình chị Hậu. |
Ngó con gái lớn, chị Hậu chia sẻ: “Đó là bé Hiếu, hồi nhỏ bị té, gia đình không có điều kiện chạy chữa đến nơi đến chốn nên giờ bị tật một bên tay. Sau này tôi có xin giấy của trường đi chữa trị ở Sài Gòn, bác sĩ nói chữa hết được rồi, nếu bẻ lại là liệt luôn cái tay”.
Nâng một bên tay gầy gò lổm nhổm xương, em Nguyễn Ngọc Hiếu (đang học lớp 7, Trường THCS Nguyễn Văn Tố, xã Nguyễn Phích) vẫn thoăn thoắt thắt cào cào. Trông bộ dạng em có vẻ hiền lành, ít nói. “Tay con bị vậy nên xách được có 1-2 kg à. Ở trường bạn bè hay trực nhật giùm con. Không bị các bạn chọc ghẹo, con cũng không có buồn”.
Hiếu tâm tình: “Con ước có nhiều tiền để sửa lại cái nhà, để mẹ lo cho con đi học”.
Nhà khó khăn, tiền ăn, tiền chợ, sinh hoạt, thuốc men, rồi cứ đến ngày tựu trường, chi phí đội sổ làm chị Hậu khốn đốn.
Chị Hậu tâm sự: “Lo tiền học cho con thôi chớ tiền ăn vặt, cho đi học là bữa có bữa không. Sáng thì cho tụi nó ăn ở nhà mới đến trường”.
Nhìn 2 đứa nhỏ gầy còm, không cần khám cũng biết suy dinh dưỡng; Nhất là bé Nguyễn Thanh Thảo, lớp 4 mà còn nhỏ hơn mấy em lớp 1.
Thảo ngô nghê: “Con sợ cha mẹ không có khả năng nuôi con đi học nữa. Giờ đi học thì ráng học lãnh giấy khen đem về cho cha mẹ vui”.
Từng nếm trải cái khổ vì ít chữ, không đất sản xuất, không vốn liếng, hơn ai hết, bậc làm cha làm mẹ mong muốn đời con sẽ tươi sáng hơn, cách duy nhất là cho con cái chữ trước đã.
Điều kiện đi lại trắc trở nhưng không ngăn được quyết tâm đi học của mẹ con em Phương. |
Ừ thì mẹ nuôi con học
Em Âu Kiều Phương, học sinh lớp 6, Trường THCS Hoàng Xuân Nhị, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh là tấm gương nghị lực phi thường, vượt bao trở ngại để được đến trường.
Không may mắn như các bạn nhỏ khác, Phương bị liệt đôi chân sau khi lọt lòng mẹ không lâu. Đến nay em đã tròn 13 tuổi, ngần ấy năm là khoảng thời gian em gắn bó với chiếc xe lăn. Khi rời xe thì mẹ là đôi bàn chân giúp em đi học, đi lại sinh hoạt. Vì nhà cách xa trường khá xa (4 km) nên mỗi bận đi học, mẹ đều bồng bế em, hết đường bộ thì đến chèo xuồng.
Thời gian trôi, Phương càng lớn thì việc bồng bế của mẹ em càng vất vả. Chị Nguyễn Cà Phê (mẹ em Phương, Ấp 2, xã Nguyễn Phích) bộc bạch: “Con đi học thì mẹ cũng đi theo. Ông xã làm xa, 1 tháng mới về được 1-2 ngày, trong ngoài một tay tôi lo liệu. Lúc trước con trong lớp thì mẹ ngồi ngoài sân đợi, nắng mưa gì cũng đi vì con nó ham học lắm. Mấy tháng nay nội nó bệnh nằm một chỗ nên không tiện ở với con nữa, để con đi học vậy chớ lo lắm”.
Dù tật nguyền, nhưng mọi sinh hoạt như vệ sinh cá nhân, thay quần áo, tắm rửa, giặt đồ, Phương đều có thể tự làm tươm tất. Thi thoảng em còn giúp mẹ quét nhà, còn lại bao nhiêu thời gian Phương đều dành cho việc học.
Từ lá dừa, em Hiếu, Thảo tạo ra nhiều món đồ chơi yêu thích. |
Chị Cà Phê buồn bã: “Mới hồi đầu năm, tôi ngỏ ý cho con nghỉ học thì nó khóc dữ lắm, năn nỉ cho được đi học. Đến khi tôi hứa dẫn đi mua tập, sách thì nó mới vui trở lại”.
Trăn trở với ý định cho con nghỉ học khiến chị Cà Phê nhiều đêm mất ngủ. Bản thân là người mẹ chị cũng muốn con được đến trường như chúng bạn, nhưng rồi chợt nghĩ đến cảnh học xong con làm gì với đôi chân tật nguyền, lòng mẹ như thắt lại. Tương lai chưa rõ ra sao, nhưng vì con muốn học, ừ thì mẹ nuôi con học.
Chiều nay, như mọi ngày, mẹ lại bồng Phương xuống xuồng đi học. Chiếc xuồng chông chênh vì đường đi lại trắc trở nhưng không ngăn được quyết tâm đến trường của 2 mẹ con. Xuồng cứ rẽ sóng lướt đi, mỗi ngày trôi qua Phương lại biết thêm nhiều điều mới lạ.
Phương thỏ thẻ: “Con cảm ơn mẹ đã nuôi con, cho con đi học, lớn lên con muốn làm cô giáo dạy học cho các em nhỏ”. Chỉ lí nhí thế thôi vì Phương hay mắc cỡ lắm.
Ước mơ bình dị, nhỏ nhoi của các bé Hiếu, Thảo, Phương vẫn từng ngày được thắp lên, hành trình nhặt chữ chưa bao giờ dễ dàng đối với những mầm non khiếm khuyết. Không buông xuôi, mặc kệ số phận, các em vẫn sống, vẫn mang những ước vọng về tương lai tương tươi sáng. Nó đơn giản như chính cuộc đời của các em vậy..../.
Yến Nhi