Phấn đấu 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được số hoá thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết theo quy định; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC; 70% doanh nghiệp SMEs tiếp cận nền tảng chuyển đổi số (CÐS). Ðó là một số chỉ tiêu được đề ra trong kế hoạch phát động phong trào thi đua về CÐS trên địa bàn tỉnh năm 2025, vừa được UBND tỉnh ban hành.
- Tích cực tích hợp Sổ sức khoẻ điện tử
- Tuổi trẻ tiên phong, xung kích trong chuyển đổi số
- Hiệu quả sau 3 tháng vận hành IOC
Tỉnh Cà Mau đã và đang quyết liệt để thực hiện thắng lợi đề án CÐS của tỉnh nói riêng và góp phần vào CÐS quốc gia nói chung. Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Ðây là năm thứ 3 Cà Mau thực hiện chương trình CÐS quốc gia và cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và CÐS quốc gia. Xác định tầm quan trọng của công cuộc CÐS cũng như đột phá phát triển khoa học - công nghệ, cả hệ thống chính trị tỉnh đã đồng quyết tâm thi đua CÐS, triển khai sâu rộng, đồng bộ, toàn dân, toàn diện”.
Một trong những nội dung thi đua được phát động chính là ưu tiên CÐS trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số. Trọng tâm là phát triển hạ tầng số, nền tảng số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và ký số văn bản điện tử; từng bước nâng cao chỉ số xếp hạng của tỉnh về CÐS.
Ðồng thời, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, khuyến khích các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình CÐS của tỉnh. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số; tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng và nền tảng thương mại điện tử; hướng dẫn, triển khai việc sử dụng chữ ký số cá nhân trong các giao dịch công, giao dịch điện tử nhằm nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử, thúc đẩy các hoạt động thanh toán điện tử.
Công chức Bộ phận Một cửa thị trấn Cái Nước tích cực giải quyết TTHC cho người dân.
Nâng cao tỷ lệ người dân có tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng, người ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; cải thiện mạng lưới viễn thông để hỗ trợ tốt hơn cho các thiết bị 3G/4G/5G và cung cấp kết nối Internet ổn định cho các dịch vụ trực tuyến; tăng cường ứng dụng dịch vụ thông tin di động, khuyến khích và hỗ trợ thiết bị cho người dân nhằm nâng cao tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh.
Một vấn đề quan trọng nữa chính là tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao 14 chỉ tiêu thi đua cụ thể. Trong đó, 7 chỉ tiêu phải đạt 100%, gồm: Hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin; Hệ thống thông tin triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn theo cấp độ được phê duyệt; Cơ quan Nhà nước cấp tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Hồ sơ tiếp nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được số hoá thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết theo quy định...
Ông Nguyễn Phương Đông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát chuyển đổi số tại huyện Cái Nước.
5 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên, gồm: 95% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC. Phấn đấu 90% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh nhằm tăng cường ứng dụng dịch vụ thông tin di động; 85% tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã...
Ngoài ra, yêu cầu 50% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước; và trên 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân.
Ðiều đáng chú ý, kế hoạch lần này được xây dựng cụ thể từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng cấp, từ tỉnh đến xã, đồng thời có thang điểm thi đua rõ ràng cho từng cấp. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 11 nội dung thi đua, 2 cấp huyện và xã thực hiện 12 nội dung với thang điểm chuẩn chung là 100 điểm.
Với chủ đề năm 2025 “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân yêu cầu: “Hơn ai hết, từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp, từng người dân cần thay đổi nhận thức, tư duy, quyết tâm chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia vào quá trình CÐS, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân”./.
Hồng Nhung