(CMO) Kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ sống còn của Ðảng, của chế độ. Ðây không chỉ là vấn đề nhận thức, tư tưởng mà còn là tinh thần quyết tâm hành động - Hành động để bảo vệ sự nghiệp của Ðảng.
Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, đội ngũ nhà giáo giảng dạy môn Lý luận chính trị, Giáo dục chính trị tại các trường đại học, cao đẳng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tranh: Lý Kiều Loan |
Vai trò, trách nhiệm giảng viên
Nhà giáo giảng dạy lý luận chính trị, giáo dục chính trị tại các trường đại học, cao đẳng không chỉ là người có nhiệm vụ truyền tải kiến thức lý luận cho sinh viên, hoàn thành việc dạy - kiểm tra - thi kết thúc môn học theo quy chế đào tạo, mà điều quan trọng và cần thiết được xem như mục tiêu chính là từ lý luận, giảng viên phải có trách nhiệm giúp sinh viên vận dụng vào hoạt động thực tiễn, tức là lý luận phải thâm nhập vào cuộc sống. Nếu không làm được điều đó, lý luận mà sinh viên được tiếp cận sẽ trở thành “lý luận suông”, thậm chí sinh viên sẽ bị mơ hồ về nhận thức, dẫn đến hoang mang về tư tưởng, mù quáng trong hành động.
Ðây không phải là lỗi của nội dung, chương trình môn học, càng không phải là lỗi của sinh viên do không đam mê, hứng thú, tích cực với môn học vốn được cho là khô khan, trừu tượng, khó hiểu, mà mọi việc bắt nguồn từ phía người dạy, từ giảng viên.
Chính vì vậy, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, yêu cầu trước tiên đối với nhà giáo giảng dạy lý luận chính trị, giáo dục chính trị trong các trường đại học, cao đẳng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh, gương mẫu, có kiến thức và năng lực chuyên môn sâu, có vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Muốn thế, nhà giáo phải luôn không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, nghiên cứu, bám sát thực tiễn đời sống xã hội từng ngày, từng giờ, nắm bắt hơi thở của cuộc sống để không bị lạc hậu trước cuộc sống, điều này càng đòi hỏi sự không ngừng tự học, tự đào tạo để có khả năng nắm bắt, chắt lọc thông tin, tổng hợp, xử lý thông tin, truyền đạt thông tin chính xác và khoa học đến sinh viên, góp phần định hướng nhận thức, tư tưởng.
Ðiều này cũng đòi hỏi mỗi nhà giáo phải không ngừng rèn luyện kỹ năng và phương pháp giảng dạy tích cực và hiện đại, lấy người học làm trung tâm theo phương châm tận tâm, tận tình, tận tụy phục vụ người học; phát huy năng lực chuyên môn, có tư duy phản biện nhuần nhuyễn và sắc sảo về những vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, những vấn đề mà sinh viên cần được giải đáp, cần được làm rõ, từ đó giúp sinh viên chủ động, tự tin và sáng tạo trong học tập. Ðặc biệt, qua đó giúp sinh viên nhận diện rõ mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch , có tinh thần và thái độ kiên quyết đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Lồng ghép nội dung cốt lõi vào bài giảng
Ðể thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng thông qua việc lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW trong công tác giảng dạy môn học Lý luận chính trị, đòi hỏi đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng cần làm sáng tỏ cho sinh viên nắm vững một số nội dung cốt yếu sau đây:
Thứ nhất, làm rõ bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, bác bỏ luận điệu của kẻ thù cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, là phá sản, đã đến hồi cáo chung cùng với sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội; còn tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua chỉ là “bản sao” của chủ nghĩa Mác - Lênin… Ðây là luận điệu nham hiểm và thâm độc nhất trong các chiêu bài chống phá về tư tưởng, lý luận mà kẻ thù đã và đang gieo rắc, hòng tạo ra sự mơ hồ về nhận thức lý luận, dẫn đến hoang mang, dao động về tư tưởng, làm cho nhiều người mất phương hướng, nhạt phai lý tưởng, tạo sự hoài nghi, làm suy giảm niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Bản lĩnh của nhà giáo giảng dạy lý luận chính trị là phải chỉ rõ, vạch trần và phê phán, lên án mạnh mẽ trên cơ sở những luận cứ khoa học và thực tiễn cách mạng, vừa trang bị kiến thức lý luận chính trị cho sinh viên, vừa tạo dựng niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng đối với thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ hai, làm rõ vai trò, bản chất và sứ mệnh lịch sử của Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Một đảng chỉ phấn đấu, hy sinh tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc chứ không có lợi ích nào khác.
Thứ ba, phải làm sáng tỏ lý luận chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lý luận về đổi mới, hội nhập, phát triển, hiện đại hóa Việt Nam trong thế kỷ XXI. Từ đó, củng cố niềm tin khoa học trong Ðảng, trong Nhân dân về tính tất yếu lịch sử, bản chất ưu việt, triển vọng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Giúp cho sinh viên nhận thức đúng đắn con đường, đặc trưng, bản chất của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã và đang xây dựng. Từ đó, chủ động đấu tranh, bác bỏ mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù muốn Ðảng ta, Nhân dân ta từ bỏ lý tưởng, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gắn nội dung bài giảng này với tác phẩm lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” để góp phần vào việc cung cấp những luận cứ quan trọng, giúp sinh viên có nhận thức đúng đắn và chuẩn xác hơn về mục tiêu, con đường cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, trong nội dung giảng dạy về xây dựng con người, phát triển văn hoá dân tộc, giảng viên cần kiên quyết vạch trần và bác bỏ mọi sự nguỵ tạo, giả dối mà kẻ thù rêu rao hiện nay, muốn phủ nhận các giá trị văn hoá tinh thần, truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam, cho rằng, trong thời đại chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, cách mạng công nghiệp 4.0 thì công nghệ, thông tin là tất cả, tối ưu, không cần hệ tư tưởng, giá trị văn hoá nào cả, thế giới là thế giới phẳng, trở thành ngôi nhà chung. Vì vậy, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải giáo dục cho các thế hệ trẻ biết tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc, khẳng định các giá trị tinh thần dân tộc, biết coi trọng đạo đức và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc./.
Phan Minh Trung