Với sự chỉ đạo kỳ quyết của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các đơn vị, địa phương, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh năm qua chuyển biến tích cực. Kết quả thể hiện qua Chỉ số CCHC của tỉnh tăng 16 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh tăng 18 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tăng 4 bậc. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành đúng và trước hạn 34/34 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC đã đề ra.
“Ðiểm nổi bật nhất trong công tác CCHC năm qua được ghi nhận chính là sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của các cấp lãnh đạo, địa phương; sự đồng lòng, hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân. Theo đó, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường; chú trọng nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh”, ông Tôn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng CCHC, Văn phòng UBND tỉnh, cho biết.
Ðóng góp vào những kết quả trên phải kể đến Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, giai đoạn 1 và 2. Ðây là một trong những sáng kiến đem lại hiệu quả trong công tác CCHC trên địa bàn. “Chiến dịch đã thật sự mang lại nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ ở những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phấn khởi cho biết.
Cụ thể, kết quả ghi nhận sau chiến dịch với nhiều chỉ tiêu đạt, vượt so với kế hoạch, như tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt 82,81%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 75,42%; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của cấp tỉnh đạt 78,07%, cấp huyện đạt 76,84%, cấp xã đạt 69,29%.
Công chức Phạm Thanh Tuấn, Bộ phận Một cửa thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ: “Từ khi thực hiện chiến dịch dịch vụ công trực tuyến đến nay, hệ thống từng bước hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Công dân thực hiện hồ sơ dần tiếp cận và hiểu biết về các quy trình thực hiện nộp trực tuyến. Ðảng uỷ, UBND thị trấn rất quan tâm, thường xuyên tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn, có những tháng cao điểm trực tiếp xuống tận nhà dân, hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công và nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà”.
Công chức Phạm Thanh Tuấn hướng dẫn các TTHC cho người dân.
“Kết thúc chiến dịch, Cà Mau đứng đầu cả nước về vị trí xếp hạng theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (năm 2022 xếp hạng 21/63 tỉnh, thành). Ðiều đáng nói, kết quả này đang được duy trì trong nhiều tháng liên tục”, ông Hồ Chí Linh cho biết thêm.
Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án đơn giản hoá TTHC năm 2023. Theo đó, có 20 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết; 12 thủ tục đề nghị bộ, ngành, Trung uơng sửa đổi, bổ sung. Ðồng thời, tỉnh đã công bố, phê duyệt quy trình thực hiện đối với 44 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, trong đó, có 24 thủ tục được cắt giảm thời gian giải quyết. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.320/1.977 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định.
Năm qua, 70.515 hồ sơ cấp tỉnh giải quyết đúng và trước hạn, đạt 99,99%, 1 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,01%; 102.471 hồ sơ cấp huyện giải quyết đúng và trước hạn, đạt 99,89%; 118 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,11%; 133.502 hồ sơ cấp xã giải quyết đúng và trước hạn, đạt 99,94%, 82 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,06% (không tính hồ sơ ngành dọc).
Quét mã QR kiểm tra các TTHC theo từng lĩnh vực tại Bộ phận Một cửa thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Với kết quả giải quyết TTHC trên, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận đạt trên 92,05%.
Ngoài ra, công tác xây dựng, thực hiện và rà soát văn bản quy phạm pháp luật từng bước được đổi mới và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành dần được hoàn thiện và có tính khả thi; điều chỉnh mối quan hệ trong xã hội ngày càng toàn diện hơn.
Năm 2024, ngoài đổi mới phương pháp xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc huỷ bỏ những văn bản chồng chéo, không phù hợp, tỉnh sẽ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Ðặc biệt, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến, không cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của công chức làm việc tại bộ phận một cửa.
Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC, nhất là công tác kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC./.
Hồng Nhung