ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:09:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vẹn nguyên chiếc áo ngày thọ tang Bác

Báo Cà Mau (CMO) Đối với ông Đặng Tấn Ảnh (Tư Ảnh), Bác là luôn là niềm tin của mọi hành động từ ngày ông mới thoát ly gia đình đi kháng chiến cho đến hôm nay ở tuổi 84. Chiếc áo ngày thọ tang Bác mà ông mặc được thêu những dòng chữ kỷ niệm vẫn còn giữ đến hôm nay như một báu vật. Dù trải qua thời hậu chiến đói ăn thiếu mặc nhưng chiếc áo vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

Chị Nguyễn Thanh Lam, nhân viên quản lý hiện vật Bảo tàng tỉnh Cà Mau thuyết trình về 2 chiếc áo quý giá của ông Đặng Tấn Ảnh. Ảnh: Nhật Minh

Ông Tư Ảnh nói: “Có Bác, tao mới đủ sức đi qua 2 cuộc chiến: chống ngoại xâm và chống đói nghèo. Giờ tao “nghỉ hưu toàn diện” rồi, nhưng vẫn giáo dục con cháu rằng, chỉ có Người và tin vào Người mới có ấm no, hạnh phúc”.

Trong gian nhà gỗ, nền gạch tàu khá rộng tại Vàm Khâu Bè, ấp Giáp Nước A, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, ông Tư Ảnh giành 1 vị trí trang trọng đặt bàn thờ và di ảnh Bác. Ông phân trần tại sao cả xứ này gần như người ta xây nhà tường hết rồi mà mình vẫn giữ căn nhà kê, rằng: “Ở vầy cho mát, dù tao được hỗ trợ suất Nhà tình nghĩa nhưng không xây nhà mới nên chưa nhận”.

Cũng như bao chàng trai khác thời ấy, khi mới 17 tuổi, ông bắt đầu tham gia công tác địa phương với 1 quyết tâm, sẽ đem hết sức lực và cả tính mạng phục vụ non sông tới ngày toàn thắng theo lời kêu gọi của Người. 

Ông Đặng Tấn Ảnh sinh năm 1935, ở Vàm Khâu Bè, ấp Giáp Nước A, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ông là thương binh ¾, đã nhận danh hiệu 55 tuổi Đảng 3 năm trước. Trong các anh em của ông có 1 người là liệt sĩ, 1 người là Anh hùng lực lượng VTND (ông Đặng Tấn Triệu).

Ông có 1 kỷ vật quý báu trong đời - 2 chiếc áo ngày thọ tang Bác Hồ. Một chiếc quân phục và 1 chiếc áo may bằng vải lin-phăng màu xanh nước biển nhạt, trên ngực áo có tấm băng vải trắng thêu chữ màu thể hiện ngày thọ tang Bác. Hai chiếc áo này hiện Bảo tàng tỉnh Cà Mau đang lưu giữ.

Dịp kỷ niệm lần thứ 112 năm sinh nhật Bác Hồ 19/5/2002, ông được vinh dự ra Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thoả niềm thương nhớ Người...

Năm 1959, ông thoát ly và năm 1960 được đưa đi học khoá y sĩ, trở về đơn vị quân y Trung đoàn 1 cơ động Quân khu 9. Rồi ông gặp bà Phan Thị Thu Vân, nhỏ hơn ông 3 tuổi, cùng đơn vị, nên duyên vợ chồng. 

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 ở chiến trường lộ Vòng Cung - Cần Thơ, đơn vị quân y của ông được điều lên phục vụ tuyến đầu, bà trở về mảnh vườn xưa, cất chòi, đào hầm, sinh con và nuôi luôn con của người em kế mình. Bà kể: “Ba tôi ra “chỉ thị” chỉ có 1 đứa được ở lại nhà nuôi con. Lúc đó em kế tôi cũng vừa sinh con nên tôi nuôi luôn con của cả hai đứa, để em nó đi công tác, chứ cả 2 đứa ở nhà nuôi con hết thì kháng chiến biết chừng nào thành công”.

Ấy vậy là bà ở lại quê nhà, ngày không có tiếng bom rơi, đạn nổ thì lên khỏi hầm trồng rẫy, bắt tôm cá kiếm kế sinh nhai. Kể từ đó bà mất liên lạc ông, không bóng chim tăm cá nhưng vẫn bền gan nuôi ước vọng ngày trùng phùng.

Ông Đặng Tấn Ảnh - người đảng viên kiên trung.

Năm 1969, Trung đoàn 1 cơ động Quân khu 9 đã phá rã vùng kềm kẹp của giặc trên tuyến kênh xáng Phụng Hiệp ra tới Cái Răng. Vào ngày 4/9/1969, khi ra vườn hái rau, bỗng có chiếc “đầm già” - máy bay trinh sát L19 của địch, bay đến từ trên cao và loan tin bằng một câu ngắn gọn: “Hồ Chí Minh đã qua đời ngoài Bắc Việt”. (Thời kỳ đất nước tạm thời bị chia cắt và mặc dù đang chiến tranh ác liệt, nhưng kẻ thù không bao giờ xúc phạm Bác Hồ).

Tin đau buồn ấy đến thật đột ngột, không ai cầm được nước mắt. Ông Tư Ảnh cảm thấy rụng rời, bỏ hái rau, lội trở vô, cùng với trên 20 thương binh nằm quân y dã chiến nghẹn ngào xúc động, bật khóc nức nở thương tiếc Bác.

Suốt tuần đầu tháng 9/1969, trời đổ mưa tầm tã, tại một địa điểm trên đoạn kênh xáng Phụng Hiệp (Cần Thơ), ông có mặt trong đơn vị tổ chức trọng thể lễ truy điệu Hồ Chủ tịch. Toàn đơn vị đồng thanh “xin thề”, hạ quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. 

Để tỏ lòng thương tiếc vị lãnh tụ kính yêu, ông và nhiều thương binh nhờ chị em trong đơn vị, cũng nước mắt lưng tròng, ngồi thêu những dòng chữ lên ngực áo, ghi nhớ mãi ngày đau thương ấy.

Chiếc áo từ ngày thọ tang Bác Hồ trở thành kỷ vật quý báu, được ông xếp kỹ trong ba lô, mang theo suốt cuộc hành quân, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Với tính khẳng khái của người Nam Bộ, ông nói: “Thắng giặc xong, tao xin phục viên. Nhưng dần dà cũng tới năm 1976 mới tạm giải quyết xong việc sau kháng chiến, mới được về. Đó là ngày 26/6/1976”.

Ông giải thích cho cái việc vừa giải phóng xin phục viên, rằng: “Tao thề dốc hết sức mình cho kháng chiến, nên giải phóng rồi tao cũng… gần hết sức. Với lại, thắng giặc nhưng chưa thắng đói nghèo nên tao về lo chuyện áo cơm”.

Trở về đời thường với cấp hàm thiếu uý quân y sĩ, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Mảnh đất gần 7ha, mùa sa mưa, ông phát trước, bà cấy sau, quyết không bỏ khoảnh đất trống nào. 5 đứa con nữa lần lượt ra đời, phải gánh 2 vai việc nhà – việc địa phương nhưng ông bà vẫn không hề nao núng.

Vừa làm ruộng nuôi vợ con, ông vừa làm Trưởng Ban nhân dân, rồi kiêm luôn Bí thư Chi bộ ấp Giáp Nước, làm hội viên Hội Cựu chiến binh, vai nào ông cũng làm tròn. Chi bộ từ khi chỉ có 3 người, “tất cả đều nghèo”, đến khi ông bàn giao lại cho thế hệ sau thì chi bộ có gần 20 người và không ai là đảng viên nghèo nữa. Trong ấp chỉ còn vài hộ không phương kế sinh nhai, bệnh tật mới còn “mang danh” hộ nghèo.

Trong gian nhà đơn sơ của vợ chồng ông Tư Ảnh, bàn thờ và di ảnh Bác được đặt ở nơi trang trọng nhất.

Nói về hành trình gần 40 năm xây dựng lực lượng chiến thắng đói nghèo, ông nói đơn giản: “Chi bộ mỗi tháng họp 2 lần, xem những vấn đề nào còn tồn tại thì đưa ra cách phải xử lý ngay chớ không nói lý thuyết suông kiểu giáo điều. Tao học theo gương Bác là nói và suy nghĩ mọi thứ sao cho đơn giản để cùng hành động”. 

Các con ông giờ đã có nơi chốn ổn định, nhà cửa khang trang. Mỗi tháng lãnh lương và phụ cấp thương binh, ông bà đều đặn mua gạo tặng ông Tám Phúc “nghèo nhứt xóm này”. Đó không chỉ là nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” mà còn với tinh thần “đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”, dù ông đã được miễn sinh hoạt Đảng.

Nói về “tự chuyển biến, tự chuyển hoá”, ông Tư Ảnh trầm tư: “Thời nào cũng vậy, nếu không tu dưỡng sẽ sa ngã. Lớn thuyền lớn sóng, phải nương theo đó mà tu dưỡng bản thân mình. Thời chiến, gian khổ quá cũng có người bỏ ngũ hoặc theo địch; thời bình, cũng có người ham danh, ham lợi lộc mà phản bội lời thề trước Đảng kỳ. Còn riêng tao, khi nghe tới Bác là tay chân rụng rời hết rồi, nên đâu có thể làm gì sai lệch được”.

Cái tinh thần ấy phải chăng là “xây dựng đức tin” mà từ ngữ của người nông dân chất phát như ông không thể diễn tả được?

Đối với ông Tư Ảnh, việc ấy không thể giải thích được nhưng ông tâm niệm là sống giản dị như tinh thần của Bác. Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ tại Vàm Khâu Bè ấy luôn chứa đựng một tinh thần khẳng khái và sống vì cái chung, vì lý tưởng mà Bác đã truyền dạy.

Ông Dương Minh Vĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau cho biết, 2 chiếc áo ngày thọ tang Bác Hồ của ông Đặng Tấn Ảnh hiện đơn vị này đang lưu giữ cẩn thận. Đó là 1 kỷ vật độc đáo, “có 1 không 2”, thể hiện sự bền gan vẹn chí vì sự nghiệp cách mạng của người dân vùng cuối trời Tổ quốc. Kỷ vật vô giá ấy là bằng chứng sống động, có giá trị rất lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Những dịp lễ quan trọng, Bảo tàng luôn trưng bày để khách đến tham quan vun đắp niềm tin, ý chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vĩnh Phúc

 

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.