(CMO) “Các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện khá tốt nội dung, các biện pháp về bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu các nguy cơ và hỗ trợ phục hồi, hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Thu Tư chia sẻ.
Từ sự đồng lòng…
390 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) nuôi dưỡng và 118 trẻ sống tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập của tỉnh. Chế độ BTXH đối với trẻ em được thực hiện đúng quy định, hiện có 2.278 trẻ được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Ðến cuối năm 2020, trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đạt 98,89%; hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt bằng nhiều hình thức khác nhau, nguồn lực chủ yếu là vận động các tổ chức và cá nhân tham gia.
Sở LÐ-TB&XH luôn duy trì thực hiện Kế hoạch số 29/KH-LÐTBXH ngày 5/4/2018 triển khai mô hình điểm “Ðịa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại Trung tâm BTXH tỉnh, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình), xã Tân Hưng Ðông (huyện Cái Nước), xã Tân Trung (huyện Ðầm Dơi) hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức trong Nhân dân.
Thời gian qua, đã tiếp nhận 4 trẻ em tại xã An Xuyên (TP Cà Mau) bị người thân ngược đãi, do cha mẹ đi làm ăn xa, gửi lại cho ông bà chăm sóc. Sau khi nắm được thông tin, Ban Giám đốc Sở LÐ-TB&XH kịp thời thăm hỏi và chỉ đạo Trung tâm BTXH tiếp nhận khẩn cấp vào địa chỉ tin cậy tại Trung tâm BTXH tỉnh.
Ðến sự bền vững
Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư, nâng cấp mở rộng hàng năm; đội ngũ giáo viên, nhân viên được bố trí và trang bị kiến thức đảm bảo việc giáo dục cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Cà Mau có 534 trường học, trong đó cấp mầm non, mẫu giáo 134 trường; tiểu học 245 trường; THCS 122 trường; THPT 32 trường và 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh.
Ngoài giờ học trên lớp, học sinh Trường Mầm non tư thục Ánh Nguyệt còn được giáo viên trang bị thêm nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khoá. (Ảnh chụp ngày 10/4/2021). |
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi được củng cố và duy trì, nâng cao chất lượng. Mặc dù kinh phí còn khó khăn, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ trong giáo dục giữa thành thị với nông thôn. Thực hiện các chính sách ưu tiên, miễn giảm học phí cho trẻ em thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đúng theo Nghị định số 86/2015.
Hàng năm, Sở LÐ-TB&XH đều có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành liên quan, tổ chức tháng Hành động vì trẻ em, “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” và các hoạt động Tết Trung thu, Tết Nguyên đán cho trẻ em. Ðồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch tuyên truyền lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của ngành và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đồng thời tổ chức nhiều loại hình hỗ trợ việc học tập, phát triển năng khiếu cho trẻ em.
Xây dựng các mô hình cộng đồng an toàn; trường học an toàn; ngôi nhà an toàn, thân thiện với trẻ em, bảo đảm cho tất cả trẻ em đều được bảo vệ an toàn và có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, nhận thức và nhân cách.
5 năm qua, vận động hơn 17 tỷ đồng gồm tiền mặt và vật chất, hỗ trợ 27.404 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, phối hợp Sở Y tế, Bệnh viện Tim Tâm Ðức TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tổ chức khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho hơn 4.000 trường hợp trẻ em ở các huyện, thành phố, chỉ định phẫu thuật cho 76 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, phẫu thuật khe hở môi - hàm ếch cho 55 trẻ em…
Một hoạt động nổi bật của Hội đồng Ðội tỉnh là các hoạt động Vì đàn em thân yêu. Hội đồng Ðội các cấp vận động xây dựng được 80 nhà Khăn quàng đỏ cho đội viên khó khăn về nhà ở, tổng trị giá trên 3 tỷ đồng. Phát động phong trào “Nâng bước em đến trường”, vận động trong các cơ sở Ðoàn hỗ trợ, giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn 200.000-500.000 đồng/tháng trong suốt năm học. Từ năm 2018 đến nay, có hơn 389 học sinh được hỗ trợ thường xuyên, với số tiền trên 350 triệu đồng.
Tới đây, tỉnh tập trung tổ chức sâu rộng các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Tuyên truyền cho cán bộ làm công tác trẻ em, giáo viên, gia đình và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, trẻ em vùng sâu, vùng xa...
Phú Hữu