Những năm qua, du lịch Cà Mau đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt trong việc khai thác thế mạnh du lịch sinh thái và cộng đồng. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với những khó khăn, hạn chế, cần giải pháp tháo gỡ để có những bước đột phá mạnh mẽ hơn. Phóng viên Báo Cà Mau có cuộc trao đổi với ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, xoay quanh vấn đề này.
- Quảng bá du lịch qua gameshow
- Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Cà Mau
- Du lịch trải nghiệm rừng đước
- Thưa ông, năm 2024, ngành du lịch Cà Mau đã đạt được những thành tựu nổi bật nào?
Ông Tiêu Minh Tiên: Trong năm 2024, ngành du lịch Cà Mau tập trung thực hiện và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, đây là tiền đề để triển khai lập quy hoạch chung xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch như: Quy hoạch chi tiết xây dựng Ðiểm Du lịch Di tích bác Ba Phi; Quy hoạch chung Khu Du lịch sinh thái đầm Thị Tường; Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Ðồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch Năm Căn...
Ngoài ra, ngành du lịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện: Ðề án Làng Văn hoá Du lịch Ðất Mũi; Ðề án phát triển kinh tế đêm tỉnh Cà Mau; Ðề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ; Ðề án “Thí điểm hoạt động phương tiện xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn TP Cà Mau”. Hiện nay, đang hoàn thiện Ðề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2024, tổng lượt khách đến Cà Mau là 2.150.000 lượt, tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2023; tổng thu ước đạt 3.080 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, tổng lượt khách đến Cà Mau là 2.150.000 lượt, tăng 3,5%; tổng thu ước đạt 3.080 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023.
- Xin ông cho biết những khó khăn, hạn chế mà ngành đang đối mặt?
Ông Tiêu Minh Tiên: Việc hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển du lịch còn chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Hầu hết các khu vực tài nguyên du lịch sinh thái đều có liên quan đến đất rừng nên gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, cũng như hạn chế trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Nguồn lực tài chính trong cộng đồng dân cư hạn chế, do đó cũng ảnh hưởng đến công tác xã hội hoá phát triển du lịch.
Kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; đường bộ chỉ cơ bản đáp ứng yêu cầu cho phát triển du lịch, một số tuyến đường kết nối điểm du lịch còn giới hạn tải trọng, chưa đảm bảo cho phương tiện vận chuyển của các công ty lữ hành tiếp cận; giao thông đường hàng không, đường biển kết nối các địa phương dừng hoạt động làm ảnh hưởng đến việc kết nối sản phẩm du lịch với du khách.
Sản phẩm du lịch đặc trưng ít, chưa tạo dấu ấn để thu hút khách lưu lại; các sản vật địa phương mới chỉ chế biến theo phương pháp truyền thống, chưa có nhiều sáng tạo, cải tiến; các sản phẩm OCOP của tỉnh kết nối đưa vào các điểm đến chưa đạt yêu cầu; mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng còn mang tính tự phát nên chất lượng chưa cao và chưa có yếu tố mới, sáng tạo. Kinh nghiệm trong việc quản trị, tiếp cận thị trường du lịch của doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch còn hạn chế.
Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn thiếu sự chủ động, ít tham gia xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch, điểm đến tại các hoạt động thường niên do các địa phương tổ chức; ít tương tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên trang Thông tin du lịch của tỉnh...
Trong 9 ngày Tết Ất Tỵ 2025 có 158.487 lượt khách đến với Cà Mau, trong đó khách quốc tế 325 lượt.
- Trong năm 2025, ngành du lịch tỉnh Cà Mau sẽ có những chính sách hoặc giải pháp gì để nâng cao sức hút, thưa ông?
Ông Tiêu Minh Tiên: Ðể thu hút khách đến với Cà Mau, đặc biệt để Cà Mau thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới, ngành du lịch Cà Mau tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Ramsa thế giới; nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời, tập trung xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, nông nghiệp, dịch vụ phục vụ du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn các di sản thiên nhiên, môi trường tự nhiên, tạo môi trường văn hoá du lịch trong lành để thúc đẩy sự phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, chú trọng sắc thái bản địa, đưa sắc thái văn hoá địa phương vào phát triển thành sản phẩm du lịch, cụ thể như phát triển các đội văn nghệ, tổ chức thường niên các hoạt động lễ hội truyền thống hay nghiên cứu tạo những sự kiện có tính đặc thù gắn với các lễ hội, nhằm hướng tới khôi phục, bảo tồn nét văn hoá vùng đất và con người Cà Mau.
Năm 2025, Cà Mau dự kiến tổ chức các hoạt động trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2025”, như kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và Quốc tế Lao động 1/5; kỷ niệm 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc. Bên cạnh đó là các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025); Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II; khánh thành Vườn tượng điêu khắc mở cõi phương Nam; tổng kết Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột; Giải Marathon - Cà Mau 2025.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Vũ thực hiện