Bị cáo Lý Bửu Lến, sinh năm 1990, cư trú Ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau trúng 4 tờ vé số giải “an ủi” trị giá mỗi tờ 50 triệu đồng, tuy nhiên vì lòng tham, chưa kịp hưởng lộc trời thì Lến đã bị tuyên án 2 năm tù vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vụ án hi hữu này có nhiều tình tiết đáng để suy ngẫm.
Phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Lý Bửu Lến ngày 21/2/2025.
Theo đó, khoảng hơn 16 giờ 30 phút ngày 20/5/2024, bị cáo Lý Bửu Lến dò kết quả xổ số bằng điện thoại thì biết 4 tờ vé số có dãy số “987839” Lến đã mua, do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau phát hành trúng giải phụ đặc biệt có giá trị tiền thưởng là 50 triệu đồng/tờ.
Lý Bửu Lến điện thoại thông báo cho bà Nguyễn Thị Cẩm Ngân, là em dâu của Lến, đồng thời chụp hình 4 tờ vé số trên gửi qua mạng xã hội Zalo cho bà Ngân xem.
Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, Lến gặp bà Trương Thị Nên, đang bán vé số dạo tại khu vực cống Kinh Mới thuộc Khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau và đến hỏi mua vé số của bà Nên. Lúc này, trên tay bà Nên đang cầm 2 cọc vé số khoảng 100 tờ đưa cho Lến lựa chọn. Bà Nên cũng có 1 tờ vé số của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau loại 24-T05K3 mở thưởng ngày 20/5/2024, có dãy số là “987839”, nhưng chưa dò và không biết mình trúng thưởng. Vì vậy, trong lúc Lến đang lựa vé số thì bà Nên do cao tuổi (bà Nên sinh năm 1942) có đưa cho Lến tờ vé số này nhờ Lến xem giúp có trúng không.
Bị cáo cầm tờ vé số của bà Nên đưa, xem thì phát hiện tờ vé số của bà Nên trúng giải phụ đặc biệt có giá trị tiền thưởng là 50 triệu đồng. Lúc này, bị cáo nảy sinh lòng tham và ý định chiếm đoạt tờ vé số trên của bà Nên nên bị cáo không nói cho bà Nên biết là tờ vé số trên đã trúng giải phụ đặc biệt. Để thực hiện ý định, bị cáo lựa mua 2 tờ vé số của bà Nên, rồi lấy 2 tờ vé số trên nhập chung với tờ vé số đã trúng giải phụ đặc biệt của bà Nên bỏ vào túi áo, trả tiền mua số, rồi đưa xấp vé số còn lại cho bà Nên và bỏ đi. Bà Nên nhận lại sấp vé số và tiền bán số nhưng lại quên không kiểm tra lại việc Lến có trả lại tờ vé số có dãy số là “987839” cho bà hay không.
Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bà Nên kiểm tra lại thì không thấy tờ vé số của mình, lúc này bà Nên đã phát hiện tờ vé số đó trúng giải “an ủi” 50 triệu đồng. Khoảng 5 giờ sáng ngày 21/5/2024, bà Nên đi đến chỗ Lến làm hỏi Lến có lấy tờ vé số của bà Nên không thì Lến trả lời là không có lấy nên giữa bà Nên và Lến xảy ra cự cãi. Sau đó, bà Nên đến Công an Phường 9, TP Cà Mau trình báo sự việc.
Đối với bị cáo Lến, sau khi chiếm đoạt được tờ vé số trúng thưởng của bà Nên, Lến gọi điện thoại cho bà Ngân nói là đã trúng thưởng được tổng cộng 5 tờ vé số, không phải trúng 4 tờ và nhờ bà Ngân đi đổi thưởng dùm Lến, đồng thời dặn bà Ngân đừng nói ai biết việc Lến trúng 5 tờ vé số trên, bà Ngân đồng ý.
Sau đó, Lến gặp và đưa 5 tờ vé số trên cho bà Ngân. Khoảng 9 giờ ngày 21/5/2024, bà Ngân đem 5 tờ vé số mà Lến đưa, đi lĩnh thưởng tại Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau, tổng số tiền thưởng của 5 tờ vé số là 230 triệu đồng. Bà Ngân đem tất cả số tiền trên về cho Lến, Lến nhận lấy 30 triệu đồng, số tiền còn lại là 200 triệu đồng Lến nhờ bà Ngân cất giữ dùm.
Ngày 22/5/2024, Công an Phường 9, TP Cà Mau mời Lến về làm việc. Qua làm việc, Lến đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Cáo trạng số 201/CT-VKS ngày 28/10/2024 của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cà Mau, truy tố bị cáo Lến về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điểm c, Khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự và phiên toà xét xử sơ thẩm của Toà án Nhân dân TP Cà Mau tuyên án 2 năm tù đối với bị cáo Lến.
Bị cáo Lến cũng đã khắc phục trách nhiệm dân sự cho bà Nên với số tiền 46 triệu đồng và bà Nên cũng có đơn bãi nại cho bị cáo Lến. Tuy nhiên, bị cáo Lến kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án của Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau ngày 21/2/2025, khi chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo Lến lý do kháng cáo, bị cáo trình bày: “Do hoàn cảnh khó khăn, là lao động chính của gia đình và phải nuôi 2 con nhỏ”.
Bị cáo Lý Bửu Lến trình bày hoàn cảnh khó khăn do vợ bỏ đi, 2 con còn nhỏ, là lao động chính trong gia đình, mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp.
Trong phiên toà, khi được hỏi tại sao bị cáo trúng số mà không cho vợ biết và lãnh thưởng đem tiền về cho gia đình, bị cáo Lến nói: “Bị cáo ăn chơi, thiếu tiền nhiều nên giấu không cho vợ biết, để dành tiền trúng số đó trả nợ”. Khi được hỏi ăn chơi cụ thể là gì, bị cáo khai: “Đánh số đề”.
Cũng trong phiên xét xử, bị cáo trình bày, sau khoảng 1 tháng xảy ra sự việc bị cáo trúng số và lãnh án tù, vợ bị cáo bỏ đi mất và đến nay cũng cắt đứt liên lạc. Nói lời sau cùng, bị cáo Lến nhận mọi tội trạng, chỉ mong toà phúc thẩm xem xét hoàn cảnh và giảm nhẹ hình phạt.
Bản án toà phúc thẩm bác bỏ yêu cầu kháng cáo của bị cáo Lý Bửu Lến vì bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội và đã áp dụng toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo.
Trúng số chưa kịp hưởng thì đã rơi vào vòng lao lý, hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ không chỗ nương tựa, bị cáo Lến không chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật mà còn là bản án day dứt của toà án lương tâm. Bản án 2 năm tù của bị cáo Lến với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cũng là lời cảnh tỉnh với nhiều người, đừng vì lòng tham mù quáng mà phúc chưa hưởng thì hoạ đã tới.
Phạm Quốc Rin