(CMO) Trong cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, cùng vào sinh ra tử với những đồng chí, đồng đội, để lại một phần cơ thể nơi chiến trường; thời bình, trở về cuộc sống đời thường, những người thương binh tiếp tục viết nên những câu chuyện đẹp khi cùng giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế như lời Bác dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Từ nguồn vốn tích luỹ, khoảng năm 2007 đến nay, ông Huỳnh Quang Ðiệp, ấp Tân Phong A, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, cho nhiều hộ khó khăn, hộ nghèo mượn để làm ăn. “Trong chiến tranh, mình đi công tác được sự đùm bọc của đồng chí, đồng bào, giờ có điều kiện thì nên giúp lại. Từ các nguồn tiền khác nhau của mình, tôi muốn cho đồng chí, đồng đội, hộ dân khó khăn mượn để sản xuất, có điều kiện vươn lên”, ông Ðiệp chia sẻ.
Không tính được ông đã giúp bao nhiêu người, tuy nhiên, từ đồng vốn này đã có 7 hội viên cựu chiến binh, 5 hộ gia đình thoát nghèo. Ðến nay, công việc này vẫn duy trì, phần "lãi" ông Ðiệp thu lại là nghĩa xóm tình làng. Ông Ðiệp cho biết thêm: “Hỗ trợ, giúp đỡ được đồng chí, đồng đội, bản thân thấy rất vui, tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới”.
Cũng như ông Ðiệp, giúp đời, giúp người đã thành nếp nghĩ và hành động của nhiều thương binh. Căn nhà mới, vuông tôm hơn 4.000 m2, rồi thoát được nghèo, đó là niềm vui của gia đình chị Nguyễn Trúc Ly ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng. Người trao cho gia đình chiếc “cần câu” để vươn lên là thương binh Nguyễn Thanh Phong ở cùng ấp.
Chị Ly bày tỏ: “Trong quá trình phát triển kinh tế, trong lúc không có tiền nhờ cậu Phong cho mượn tiền không tính lãi, giúp cải tạo vuông, giúp mua giống thả. Cậu tiếp gia đình tôi nhiều lắm, tình nghĩa không bao giờ trả hết”.
Ông Phong vừa phối hợp tổ chức lễ khởi công 4 cây cầu nông thôn do ông vận động. Duy trì liên tục hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, đóng góp làm cầu, đường và nhiều phần việc với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Kinh tế ổn định từ 2,2 ha nuôi tôm công nghiệp, nguồn thu từ 1,2-1,8 tỷ đồng mỗi năm; vườn dừa, chuối thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng, thương binh Nguyễn Thanh Phong là tấm gương giúp đỡ bà con, góp sức xây dựng quê hương.
Thương binh Nguyễn Thanh Phong (bìa phải), ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, cùng người dân kiểm tra cầu do ông vận động. |
Ông Nguyễn Trung Tín, Thường vụ Hội Cựu chiến binh xã Thanh Tùng, cho biết: “Ðồng chí Nguyễn Thanh Phong là đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp rất có tinh thần trách nhiệm với quê hương”. Thương binh Nguyễn Thanh Phong tâm tình: “Bản thân đã được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng; khi vào Ðảng, mình có tuyên thệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì thế tôi tâm nguyện còn sức khoẻ thì còn tiếp tục vì Ðảng, vì dân”.
Từng tham gia chiến đấu, hy sinh một phần thân thể vì độc lập dân tộc, những người thương binh tiếp tục góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương. Về địa phương với đôi chân tật nguyền và xuất phát điểm khó khăn, thế nhưng thương binh Ðoàn Văn Dũng, ấp Tân Phú, xã Tân Dân, là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Vuông nuôi cua, tôm mang đến nguồn thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm, vườn hoa kiểng hơn 10 năm cũng cho thu nhập hơn 6 triệu đồng mỗi tháng. Ông cũng là điển hình trong phong trào làm hàng rào cây xanh, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại xã Tân Dân.
“Theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, mình phải luôn phấn đấu vươn lên. Thấy sự khởi sắc của quê hương hiện nay mình vui mừng lắm”, thương binh Ðoàn Văn Dũng bộc bạch.
Trở về cuộc sống thời bình, những người thương binh tiếp tục viết những trang mới trong cuộc đời cách mạng. Ở đó không chỉ có ký ức tuổi trẻ lên đường chiến đấu với quyết tâm “khi nào giải phóng mới về quê hương”, mà còn là những ngày vượt qua nỗi đau do thương tật để vươn lên, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, xây dựng quê hương./.
Thành Quốc