(CMO) Trải dài mảnh đất Cà Mau anh hùng, mỗi tên đất, tên người đều mang đậm dấu ấn lịch sử quê hương. Có chiến công lẫy lừng và cũng không ít đau thương, mất mát, cùng dân tộc làm nên chiến thắng hào hùng ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tri ân, tự hào quá khứ, những người con của vùng đất cực Nam nguyện viết tiếp những trang vàng trong hành trình phát triển, vươn xa.
Sinh ra và trưởng thành trong bom đạn, ông Nguyễn Thanh Bình sớm nghe cha chú kể về cái nôi cách mạng. Lung Lá - Nhà Thể, thuộc ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, là nơi thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Bạc Liêu (bao gồm Cà Mau và Bạc Liêu ngày nay). Những năm 1938-1940 được chọn là cơ quan thường trực của Tỉnh uỷ, lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðồng chí Trần Văn Thời đã sử dụng ngôi nhà và khu vườn của mình để làm nơi hội họp và tổ chức kết nạp nhiều đảng viên; nhiều đồng chí ở Xứ uỷ Nam Kỳ, Liên tỉnh uỷ Hậu Giang đã đến đây hoạt động và chỉ đạo các phong trào cách mạng tại địa phương.
Suốt buổi trò chuyện, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ niềm tự hào, mặc dù cận kề nanh vuốt của kẻ thù, nhưng dân xứ này dốc sức che chở, đùm bọc, bảo vệ an toàn, bí mật cho cơ quan đầu não của Tỉnh uỷ, bảo vệ chiến sĩ cách mạng trong suốt thời gian hoạt động. Tiếp nối truyền thống, 16 tuổi, ông Bình đã tham gia công tác binh vận, thông tin rồi trở thành cán bộ Thị đội Cà Mau cho đến ngày giải phóng. Trên mặt trận kinh tế, ông Bình cùng vợ cần mẫn, chắt chiu, tạo cơ ngơi khá giả. Ở tuổi 70 mà ông Bình vẫn không thôi tính toán, làm trang trại chăn nuôi, mở rộng diện tích rau màu, cây ăn trái, tiên phong trong các phong trào cách mạng ở địa phương. Người lính già giọng chắc nịch: “Tuổi nào cũng phải lao động để làm gương cho con cháu và góp sức dựng xây quê hương”.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình luôn tiên phong trong các phong trào ở địa phương, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. |
Những vùng quê cách mạng đang từng ngày đổi mới từ công sức dựng xây của bao thế hệ. Trưởng ấp Trần Ðộ Trương Minh Luân phấn khởi: “Chuyện làm ăn ở xứ này thì khỏi bàn, ngoài nuôi tôm, lúa - tôm, bà con còn kết hợp chăn nuôi, trồng rau màu. Mưa thêm vài đám nữa bà con sẽ trồng màu”. Lộ bê-tông gần như được phủ kín, nhà kiên cố hơn 90%, hơn 500 hộ dân trong ấp đến nay chỉ còn 2 hộ nghèo. Các phong trào thi đua đều dẫn đầu.
Mỗi địa danh lịch sử đều mang câu chuyện với ý nghĩa cao đẹp. Trong hành trình tìm về những vùng quê cách mạng, chúng tôi trở lại Dớn Hàng Gòn (Ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh), được nghe ông Bảy Kịch (Trịnh Văn Kịch) kể lại một thời tang tóc. Ðó là ngày 11/9/1969, cả một tuyến kênh Dớn Hàng Gòn hơn 3 cây số bị B52 san bằng. 65 người chết, hàng trăm người bị thương, nhiều gia đình trúng bom chết hết cả nhà. Tại nơi xây Bia tưởng niệm Dớn Hàng Gòn, chủ đất là ông Trịnh Văn Ðẹp bị bom dội trúng mất xác.
Sau biến cố, người dân đất Dớn càng sôi sục ý chí căm hờn, nhiều lứa thanh niên lên đường tòng quân theo cách mạng. Người dân quay lại bám đất gầy dựng cuộc sống mới, để hôm nay dọc hai bên bờ kênh Dớn, trên những vết thương bom đạn là những ngôi nhà tường khang trang, ruộng lúa xanh tốt, cây trái sum suê… “Con đường bê-tông theo chuẩn nông thôn mới ở tuyến Dớn Hàng Gòn vừa hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Vụ lúa đông xuân rồi, dân xứ này trúng mùa, trúng giá, có hộ 1 công được 1 tấn lúa chứ chẳng chơi”, ông Bảy Kịch khoe.
Nghe, hiểu bao chuyện anh hùng của quê hương, mỗi người dân càng thấy mình may mắn khi sinh ra trong thời bình, dặn lòng sống tử tế để đền đáp với đất quê. Chị Phan Hồng Nhiên, người dân Ấp 3, xã Khánh Lâm, bộc bạch: “Vợ chồng bảo ban nhau ráng lo làm ăn, cho các con học hành đàng hoàng. Ngoài 2 vụ lúa, tôi trồng khoảng 700 gốc táo hồng, rồi rau màu quanh nhà, thu nhập ổn định, có điều kiện góp sức cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội”.
Ði qua những con đường hoa rực rỡ, xóm làng bình yên, nhìn các em học sinh vui bước đến trường, chúng tôi cảm nhận nguồn sức mạnh của những dấu son lịch sử ngày nào vẫn đang cổ vũ thế hệ hôm nay thêm động lực, vững niềm tin trên chặng đường đổi mới quê hương./.
Mộng Thường