Sáng 5/1/2024, tôi vừa mở điện thoại qua trang Facebook của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng, tôi thấy hình ảnh chú và nội dung viết của nhạc sĩ Nguyễn Hồng “ Kể từ hôm nay, cháu không còn gặp chú sáu nữa rồi… Chú Sáu Kiên (Nhà thơ Kiên Định) đã qua đời tại nhà riêng, vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 5/1/2024, nhằm ngày 24/11 năm Quý Mão.
Chú là Nguyễn Trung Kiên, sinh ngày 20/01/1935, tại xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; thường trú tại số 155/2, đường Công Nông, Khóm 3, Phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 4/1948, đến ngày 1/5/1962, chú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà văn, Nhà thơ Nguyễn Kiên Định (Sáu Kiên)
Tôi bàng hoàng, bởi khoảng trung tuần tháng 12 vừa qua, tôi có cơ duyên là trở thành người chỉ đường đưa Nhà báo Ngô Hoàng Giang và Đạo diễn Nguyễn Việt Hùng, nguyên Giám đốc Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh đến nhà chú để đoàn làm phim trao đổi nội dung liên quan đến bộ phim đang thực hiện phục vụ kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước khi đoàn làm phim đến, tôi điện thoại cho chú Sáu: “Chú nhớ thay đồ đẹp nha, vì có quay hình ảnh chú đó”. Nhắc chú thế, bởi tính tôi hay lo xa, tôi biết những năm gần đây sức khoẻ chú yếu do tuổi già, bước đi chậm và dễ ngã, nên để chú có thời gian chuẩn bị chu đáo.
Trong câu chuyện hôm ấy là bài học lớn tôi được học hỏi từ người cán bộ, người cầm bút với nhiều kinh nghiệm mà ở lớp nghĩa sâu xa là cách đối nhân xử thế, cách làm người sao cho đúng… Mỗi câu chuyện là một tư liệu quý giá đối với những người mang nghiệp viết lách như tôi. Vẫn giọng nói sang sảng, mang khí chất hào sảng của một người con miền Tây, được sinh ra và cả cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau (trước là tỉnh Minh Hải).
Đang ghi hình nên phải hạn chế tiếng động, nhưng thỉnh thoảng Nhà báo Ngô Hoàng Giang lại nhìn và nói thật nhỏ với gợi ý tôi nên gặp chú Sáu nhiều hơn nữa, để có thêm nhiều tư liệu, đặc biệt là học ở chú cách làm nghề và nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề đủ luôn có đủ năng lượng cho cuộc sống mới. Và, tôi cũng ý thức được rằng chú là một người thầy đã từng là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch…, và là Tổng biên tập Cà Mau giải phóng… và nhiều vị trí cao hơn nữa. Thì đó là bậc tiền bối mà tôi kính trọng và cần học hỏi nhiều điều ở chú.
Nhà báo Ngô Hoàng Giang (giữa) và đạo diễn Nguyễn Việt Hùng trò chuyện với Nhà văn, Nhà thơ Nguyễn Kiên Định (Sáu Kiên).
Tôi nhớ có lần được gặp gỡ Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau. Trong câu chuyện về văn nghệ, báo chí của 2 tỉnh Bạc Liêu Cà Mau, chú Bảy Minh thường nhắc tới chú Sáu Kiên với lòng kính trọng và cả sự biết ơn. Chú Bảy Minh chia sẻ, có thể thời gian của chú Sáu Kiên gắn bó với lĩnh vực văn học - nghệ thuật và báo chí không lâu, nhưng trong từng thời điểm luôn để lại dấu ấn đặc biệt. Đó là thời điểm năm 1963, tỉnh cử trên 10 cán bộ đi học báo chí, văn học, hội hoạ…, lúc bấy giờ chính chú Sáu Kiên chạy vạy khắp nơi để lo đủ tiền cho anh em đi học ở Tây Ninh.
Năm 1966, với vai trò là Phó tiểu ban Văn nghệ, chú Sáu Kiên tham gia chỉ đạo tờ Tạp chí Văn nghệ Lúa vàng (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ của 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay). Sau đó, đồng chí Trưởng tiểu ban hy sinh, chú Sáu Kiên được điều về phụ trách Tiểu Ban Báo chí (Báo Cà Mau Giải phóng).
Khi hay tin chú Sáu Kiên mất, chú Bảy Minh, một người em luôn được chú Sáu đồng hành với vai trò biên tập, luôn nhắc nhớ rằng: “Thời gian phụ trách Tạp chí Lúa vàng của chú Sáu tuy ngắn, nhưng đóng góp của chú Sáu Kiên rất nhiều, Tạp chí Lúa vàng thời điểm ấy phát triển tốt, lĩnh vực văn học - nghệ thuật và báo chí của tỉnh rất phát triển phong phú và đa dạng. Và dù ở nhiệm vụ nào làm chức danh gì chú Sáu Kiên luôn làm tròn nhiệm vụ với Đảng, với cách mạng, với Nhân dân”.
Thỉnh thoảng chú đến toà soạn nơi tôi đang làm việc, lúc gửi cộng tác bài thơ, lúc viết truyện ngắn, có lúc chú xin địa chỉ của một số tạp chí để gửi bài cộng tác… Ngược lại thi thoảng, tôi cũng sắp xếp đến thăm chú mang tặng chú vài quyển Tạp chí, Những lúc như thế, chú mang ra cả một tập thơ viết tay ra và ngồi đọc cho tôi nghe. Tôi thầm thán phục và cũng có một ước mơ hơi tham lam một chút, là khi tôi ở độ tuổi của chú, tôi cũng sống lạc quan và giữ đủ đam mê với nghề, sống trọn vẹn với nghề như chú.
Chú rất kỹ tính và sợ làm phiền người khác, mỗi lần đến gửi bài cộng tác chú đều gửi bảng đánh máy chỉn chu. Tôi hỏi ai đánh máy, chú nói: “chú đi thuê con à”. Từ khi biết chuyện, tôi và các bạn trong toà soạn thay nhau nạp liệu những bài thơ của chú. Bọn tôi cũng mới làm cho chú được từng ấy,… thật thiếu sót.
Bây giờ tôi lại nuối tiếc, tại sao mình không tổ chức một buổi nói chuyện nho nhỏ, rồi mời chú kể chuyện viết ngày xưa, chuyện viết bây giờ và cả cách giữ lửa cho người viết…
Tất cả đều muộn. Tôi chỉ biết nói lời tạm biệt chú trong nuối tiếc, bởi còn nhiều điều hay trong nghề viết mà chú chưa truyền lại cho thế hệ trẻ. Không những thế, có lần chú mang hai tuyển tập thơ của Nhà thơ Lê Chí (Cần Thơ) gửi toà soạn, hai quyển ấy có chữ kí của Nhà thơ Lê Chí tặng chú. Tôi điện thoại hỏi: “Chú ơi chú gửi con hai quyển này cho con đọc phải không? Chú nói: “Nếu thuận tiện thì tụi bây giới thiệu trên Tạp chí cho bạn đọc gần xa thưởng thức nhé!”
Không lâu sau đó, mục chân dung nghệ sĩ, Tạp chí Văn hoá - Văn nghệ Bạc Liêu có bài: “Nhà thơ Lê Chí: Vị của thơ - muối và những câu thơ còn mất”. Chúng tôi vui vì mình đã chung tay cùng hai người bạn thơ sống trọn nghĩa trọn tình đồng chí, đồng nghiệp. Một bài học để chúng tôi nâng niu những đưa con tinh thần của nhau. Đó cũng là động lực của những người làm nghề viết.
Và còn thật nhiều câu chuyện ân tình mà Nhà thơ Nguyễn Kiên Định đã để lại cho đời… Trân quý ông xiết bao!
Khi hay tin chú Sáu mất, Nhà báo Ngô Hoàng Giang (trước đây cũng công tác tại Đài Truyền hình Cần Thơ), qua điện thoại, kể cho tôi nghe về tài năng của người viết thuyết minh phim (bây giờ gọi là viết kịch bản lời bình) của phim phóng sự “Một trận đánh tàu”. Rồi, cô gửi hình ảnh của quyển kỷ yếu Nhiếp Điện ảnh miền Tây Nam bộ (1963-1975) cho tôi.
Phim phóng sự “Một trận đánh tàu” sản xuất năm 1970 do Nhà văn Nguyễn Kiên Định viết thuyết minh cùng quay phim Trần Phong. Bộ phim mãn nhãn khán giả với hình ảnh những chiếc tàu chiến của Mỹ ngang dọc trên sông như “chỗ không người”, bỗng bốc khói vì trúng những bệ pháo tự chế trong những lùm cây đước phóng đi. Đầu những năm 1970, chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ gây không ít khó khăn cho bộ đội, nên bộ phim ra đời gây sinh khí phấn khởi, hăng say chiến đấu cho quân giải phóng và du kích bên bờ sông Tam Giang, Cà Mau.
Trong thời gian công tác, do có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chú đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều Bằng khen, Giấy khen.
88 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, chú đã ra đi, chú mãi là gương sáng trong nghề để thế hệ trẻ noi theo.
Cao Xuân Thu Ngọc