Dịp Tết hàng năm, siêu mẫu - diễn viên Vũ Thu Phương lại mở hội "Du xuân" tại không gian Ann Quán để người thân, bạn bè và khán giả có thể trải nghiệm những nét văn hoá truyền thống của Tết vùng Bắc Bộ thông qua những hoạt động ý nghĩa.
Các nghệ nhận văn hoá thực hiện lễ hội khai xuân với trống chiêng vang rền.
"Du xuân" của Vũ Thu Phương được xem như một sự kiện văn hoá với mục đích gìn giữ và bảo tồn nét cổ truyền của dân tộc. Chính vì thế, cô luôn muốn chỉn chu cho ngày hội này từ ý tưởng, chủ đề đến từng chi tiết nhỏ trong cách trang trí.
Hương - thanh - vị - sắc ở Tết cổ truyền được gói gọn trong “Du xuân”. Đặc biệt hơn là các trò chơi dân gian như: nhảy sạp, bịt mắt đập niêu, đấu vật... Không chỉ người lớn, mà ngày hội còn tạo cơ hội cho các em nhỏ trải nghiệm nhiều hơn về nét đặc sắc của ngày Tết cổ truyền. Bởi các em bé ngày nay chỉ chơi máy tính hoặc các trò chơi trong các trung tâm nhưng không chơi trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, trang phục để tái hiện lại cái Tết cổ truyền cũng rất được chú trọng. Khách mời đến dự đều diện áo dài hoặc áo tứ thân. Vũ Thu Phương muốn người diện đồ phải cảm nhận được bản thân họ quay trở về những ngày xưa cũ, về không khí Tết yên bình ở những vùng quê xa xôi.
Tại “Du xuân”, mọi người còn có cơ hội tập gói bánh chưng ngay tại chỗ.
Gian hàng ngô, khoai nướng ngày Tết ở chợ quê xưa được tái hiện.
Vũ Thu Phương chia sẻ: “Dù bây giờ công việc, cuộc sống tất bật nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì hội "Du xuân". Tôi yêu Tết cổ truyền vô cùng, vì Tết là niềm tin, hy vọng, tương lai mới, khởi đầu mới. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn góp chút sức nhỏ của mình để gìn giữ giá trị văn hoá. Đầu tiên, trong tư duy của mọi người phải cảm được Tết, hiểu được Tết có giá trị tinh thần như thế nào với người Việt mình. Sâu xa hơn là tìm hiểu thêm về ẩm thực ngày Tết như mâm cỗ Tết cổ truyền có bánh chưng, có giò... Tôi khá lo lắng rằng, nếu không gìn giữ thì nó sẽ mất đi những phong vị mà chỉ có ở nước mình".
Trong kỳ hội "Du xuân" năm nay, phần lớn hoa trái trang trí đều được mang từ miền Bắc vào. Những gốc đào, cành mận lớn tươi sắc được vận chuyển, vượt qua hàng ngàn ki-lô-mét để hoà chung không khí xuân phương Nam. Với Vũ Thu Phương, mọi khâu trang trí, chuẩn bị thức ăn mâm cỗ phải đầy đủ, tỉ mỉ và cần sự yêu thương.
Cô tâm sự: "Thực ra chi phí trang trí cho "Du xuân" cũng khá lớn vì phải mang những hoa, trái từ miền Bắc xa xôi vào TP Hồ Chí Minh, tất cả phải đúng với hương - thanh - vị - sắc, mang đầy đủ giá trị đó vào. Tôi cứ vun đắp sự yêu thương của mình qua từng chi tiết của ngày hội để làm sao mang nhiều giá trị nhất đến với tất cả mọi người".
Gian hàng nặn tò he tại lễ hội “Du xuân” của Vũ Thu Phương.
"Bao nhiêu lâu rồi những người đi xa quê không được thưởng thức mùi của lá mùi già, hoặc trong đây họ bỏ luôn thói quen dùng lá mùi già để tẩy trùng, rũ hết các điều rủi và mang đến niềm may mắn; hương thơm của nhang Bắc đúng chỉ có dịp Tết mới dùng; vị ở trong bánh chưng, đồ ăn, bánh mứt cũng là những vị gợi nhớ. Tôi hay gọi những vị này là vị sum vầy. Sắc là vẻ đẹp của cảnh quan, của hoa, trăm hoa đua nở, thể hiện sự rực rỡ, tươi vui trong những ngày đầu năm. Tôi mong mình có đủ sức để duy trì nét đẹp văn hoá Tết ở Bắc Bộ trong những năm tới để ai nấy có cơ hội hoài niệm và sống đúng phong vị Tết xưa", Vũ Thu Phương chia sẻ.
Gian hàng xin chữ ông đồ.
Tính đến nay, Vũ Thu Phương đã duy trì lễ hội "Du xuân" giữa lòng Sài Gòn hoa lệ được 5 năm dài. Mỗi năm cô lại cố gắng chỉn chu và hoàn thiện hơn về cảnh trí, các trò chơi, các nét văn hoá qua ẩm thực...
Cô bảo: "Cực lắm nên cũng nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ đây là cách mà mình và mọi người mang lại giá trị văn hoá cho rất nhiều người, cho cộng đồng thì làm sao buông đây? Điều đầu tiên tôi nghĩ đến và níu kéo tôi với "Du xuân" là cái tâm của một người mẹ muốn giữ Tết cho con, muốn giữ Tết cho gia đình và muốn giữ truyền thống. Cái tâm muốn cho người Việt Nam gìn giữ giá trị, cái tâm muốn người nước ngoài thưởng thức bằng cách trải nghiệm những giá trị tuyệt vời của nét đẹp dân tộc. Chỉ cần mọi người đến và thưởng thức hương vị và đi trên con đường trong chính ngôi nhà này, thì lễ hội cũng đã mang được giá trị. Tiền quan trọng nhưng khó mua được những điều thiêng liêng và trân quý như những giá trị tinh thần, giá trị văn hoá lâu đời và có nguy cơ bị quên lãng”.
Trò chơi đi cà kheo rất thú vị, được các quan khách đua nhau trải nghiệm.
Không chỉ vui Xuân, Vũ Thu Phương còn mong muốn được chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Năm nay, cô kết hợp với Love Of Vietnam giới thiệu tới thị trường những chiếc hộp may mắn với những món quà mang hương vị Tết đặc sắc, và phần lợi nhuận được trích để cải tạo cơ sở vật chất, đặc biệt là khu nông sản, mang lại giá trị giúp đỡ bền vững cho Nhà May Mắn Đăk Nông./.
Lam Khánh