Năm 2010, khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, phân công quản lý cho 3 ngành: Y tế, Công thương và Nông nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế, trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến an toàn thực phẩm (công đoạn sau thu hoạch) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến ATTP của Sở Công thương đang quản lý, trong quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Ông Hoàng Lý Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: “Chi cục ATVSTP là cơ quan đầu mối tham mưu cho Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP các sản phẩm thực phẩm theo Phụ lục II, IV và công đoạn sau thu hoạch tại Phụ lục III của Nghị định số 15/20185/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau tại Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 22/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sửa đổi bổ sung Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, về việc tổ chức lại Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau. Trong thời gian qua, Chi cục đã tổ chức các phương thức quản lý, giải pháp thực hiện, công tác tham mưu, chỉ đạo, công tác phối hợp, chế độ thông tin, phòng ngừa, cảnh báo, xử lý... các vấn đề liên quan đến ATTP trên địa bàn tỉnh kịp thời, xử lý chặt chẽ và có hiệu quả.
Theo Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 6/1/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc tổ chức lại Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau đã chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP nông lâm thuỷ sản công đoạn sau thu hoạch và 15 biên chế về Chi cục ATVSTP trực thuộc Sở Y tế; còn lại nhiệm vụ quản lý Nhà nước ATTP nông lâm thuỷ sản công đoạn sản xuất ban đầu để lại cho Sở NN&PTNT tiếp tục quản lý, thực hiện.
Tuy nhiên, do một số hoạt động ở công đoạn sau thu hoạch ngành Y tế không đủ điều kiện thực hiện nên Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1134/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/QĐ-UBND giao lại cho ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện công đoạn sau thu hoạch.
Song song đó, do tiếp tục thực hiện Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sắp xếp các đơn vị thuộc và trực thuộc Sở NN&PTNT, Sở NN&PTNT đã chuyển phần nhiệm vụ còn lại và 16 biên chế về các đơn vị trực thuộc sở. Do đó, thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản thuộc thẩm quyền quản lý của ngành NN&PTNT trên địa bàn tỉnh đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải xem xét tổ chức lại công tác quản lý cho phù hợp.
Theo báo cáo đánh giá từ Sở Y tế về kết quả thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 6/1/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc tổ chức lại Chi cục ATVSTP tỉnh Cà Mau thì chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành sau khi thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND. Cụ thể, do phân cấp quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản của tỉnh Cà Mau hiện nay chưa phù hợp với Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, dẫn đến chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, do cách phân công nhiệm vụ không theo chuỗi mà chia theo công đoạn (công đoạn sản xuất ban đầu, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; công đoạn sau thu hoạch) nên một số văn bản của Bộ NN&PTNT phải chia tách ra cho Sở NN&PTNT và Sở Y tế thực hiện, như việc tổng hợp số liệu báo cáo kết quả thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT không được thuận lợi, không đảm bảo mức độ tin cậy; thiếu sự đồng thuận của Bộ NN&PTNT, Bộ đã có nhiều văn bản đề nghị thực hiện đúng theo pháp luật về ATTP; bất cập trong chỉ đạo công tác quản lý chất lượng, ATTP từ Trung ương đến địa phương (triển khai chủ trương, đề án, dự án, tổng hợp báo cáo...).
Do chưa có sự phù hợp trong quản lý nên gây khó khăn rất lớn cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, do nhiệm vụ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản của tỉnh Cà Mau không có đơn vị đầu mối để tổ chức thực hiện, nhiều chức năng bị chồng chéo khiến việc tổ chức quản lý gặp nhiều khó khăn (từ khi thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 6/1/2019; Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 22/6/2020; Quyết định số 1291/QĐ-UBnD ngày 13/7/2020), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp nhận quản lý nhiệm vụ về ATTP nông lâm thuỷ sản (công đoạn sau thu hoạch), Sở NN&PTNT vẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP nông lâm thuỷ sản công đoạn sản xuất ban đầu và một số hoạt động ở công đoạn sau thu hoạch như: cơ sở thu gom gia súc, gia cầm; kho lạnh bảo quản động vật, sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế, chế biến; cơ sở kinh doanh thực phẩm gia súc, gia cầm. Chính việc phân chia đầu mối, phân khúc quản lý đã gây khó khăn rất lớn cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có liên quan theo chuỗi nông sản thực phẩm.
Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều vướng mắc trong việc phân chia đầu mối, phân khúc quản lý. (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ theo hệ thống ngành dọc gặp khó khăn; chế độ thông tin báo cáo không kịp thời. Nguyên nhân là do hằng năm Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản; tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho các bộ quản lý trong ngành, do vậy cán bộ làm công tác ATTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế không được mời tham dự; từ đó, việc cập nhật thông tin, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cán bộ không được cập nhật đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác quản lý ATTP.
Không nhận được sự hỗ trợ về các dự án, chương trình liên quan đến công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản từ các bộ, ngành Trung ương: Do thiếu sự đồng thuận của Bộ NN&PTNT trong việc phân cấp quản lý về công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản, nên trong 3 năm thực hiện Đề án thí điểm giải thể Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Sở NN&PTNT và Sở Y tế không nhận được thông báo đăng ký tham gia chương trình, dự án...
Công tác xây dựng chuỗi cung ứng và xác nhận sản phẩm ATTP bị bỏ ngõ, do để xây dựng chuỗi cung ứng và xác nhận sản phẩm ATTP theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 thì việc giám sát, xác nhận được thực hiện từ khâu sản xuất ban đầu đến kinh doanh; tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản bị phân khúc quản lý (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh, Sở NN&PTNT quản lý cơ sở sản xuất ban đầu), nên rất khó thực hiện; đồng thời, trong Quyết định số 3075/QĐ-BNN- QLCL giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản các tỉnh, thành phố hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; do đó, từ khi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản bị giải thể đến nay chưa có cơ quan nào thực hiện, số chuỗi không tăng (6 chuỗi).
Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.
Như vậy, trên cơ sở phân tích nêu trên thì nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP nông lâm thuỷ sản công đoạn sau thu hoạch từ khi thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 6/1/2020 đến nay triển khai hiệu quả chưa cao so với trước khi thực hiện Quyết định số 22/QĐ-UBND. Kết quả này cũng được Bộ NN&PTNT đánh giá, xếp hạng qua từng năm và có Thông báo kết quả trên phạm vi toàn quốc (chưa thực hiện Quyết định số 22/QĐ/UBND, năm 2019: xếp hạng 20/63 tỉnh thành; khi thực hiện Quyết định 22/QĐ-UBND xếp hạng qua các năm 2020 - 2022 là 62/63; 63/63, 49/63 tỉnh thành).
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã qua, Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương thành lập lại Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, thuộc sở nhằm giúp Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện tốt, chặt chẽ, đồng bộ nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản trong suốt quá trình từ khâu sản xuất, thu gom, sơ chế, chế biến và phát triển thị trường... kinh doanh; phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; nhận được sự thống nhất của cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản, đồng thời, nhận được sự quan tâm hỗ trợ trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo hệ thống ngành dọc; công tác phối hợp được gắn kết chặt chẽ theo chuỗi từ sản xuất ban đầu đến sau thu hoạch.
Theo đó, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét làm việc để thống nhất với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương nhằm tạo sự đồng thuận và gắn kết xuyên suốt giữa địa phương và Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo hệ thống ngành dọc; chế độ thông tin, báo cáo kịp thời; công tác phối hợp có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm công đoạn sản xuất ban đầu và công đoạn sau thu hoạch./.
Phúc Duy