ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-5-24 10:27:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xã biển giữ tiêu chí số 19

Báo Cà Mau Từ khi tuyến đê biển Tây được hình thành và đưa vào hoạt động thì tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh có chiều hướng phức tạp.

Phát sinh vụ việc gây rối trật tự

Lợi dụng địa bàn giáp ranh, nhiều nhóm thanh niên thường đến đây tụ tập, gây phức tạp tình hình ANTT. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 2 vụ thanh thiếu niên hẹn thanh toán nhau, mặc dù đã được lực lượng chức năng can thiệp kịp thời nhưng vẫn gây hoang mang trong dư luận.

Cụ thể, vụ vào ngày 23/2 và 2/4, mỗi vụ có trên 10 đối tượng, chúng hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn, tụ tập tại khu vực cống Tiểu Dừa, Ấp 11. Khi nhận được tin báo của người dân, công an xã bố trí lực lượng tuần tra tới hiện trường. Tuy nhiên, các đối tượng được người báo và tháo chạy theo nhiều hướng khác nhau. Lực lượng chức năng mời về trụ sở làm việc được vài đối tượng. Bước đầu các đối tượng thừa nhận hành vi của mình.

Thời gian gần đây nhiều quán cà phê mọc lên ở ngay Cống Tiểu Dừa thu hút được nhiều đối tượng thanh thiếu niên từ các xã khác về đây tụ tập.

Trung tá Lê Quốc Hải, Trưởng Công an xã, cho biết: “Ðối tượng trong 2 vụ việc trên đa phần trẻ tuổi, không được sự quản lý chặt của gia đình, thường lêu lổng tụ tập với các đối tượng xấu trên địa bàn và các địa bàn giáp ranh để gây rối trật tự. Các vụ tranh chấp, ẩu đả dù chưa xảy ra nhưng tính chất hết sức phức tạp vì đối tượng có thủ sẵn vũ khí tự chế có thể đả thương đối phương bất cứ lúc nào”.

Khánh Tiến có 12 ấp, trong đó có 2 tuyến trọng điểm phức tạp, là tuyến từ kênh Công Ðiền đến cống Hương Mai và tuyến đê biển Tây, tập trung nhất là đoạn cống Tiểu Dừa.

Trung tá Hải phân tích: “Tuyến từ kênh Công Ðiền ra tới cống Hương Mai là tuyến huyết mạch của xã, nên vào ban đêm, các đối tượng hay tụ tập lại với nhau để gây rối trật tự. Còn tại cống Tiểu Dừa thì thời gian gần đây có nhiều quán cà phê mới mở, vào thời gian từ khoảng 17-22 giờ có nhiều đối tượng thanh thiếu niên tụ tập về đây. Vì là địa bàn giáp ranh với các xã: Khánh Hội, Khánh Thuận và xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), nên khi có tranh chấp xảy ra thì các đối tượng dễ dàng tẩu thoát”.

Ông Châu Văn Út, Bí thư Chi bộ Ấp 11, cho hay: “Người dân ở đây hoang mang lắm, các đối tượng tuy trẻ tuổi nhưng vô cùng manh động. Như vụ việc xảy ra vào ngày 2/4 vừa qua, khi hay tin lực lượng chức năng đến thì bọn chúng tháo chạy, vứt bỏ vũ khí xuống khu vực rừng phòng hộ để thoát thân”.

Quyết tâm giảm tội phạm từ gốc

“Trước thực trạng đó, ngoài kế hoạch của Ban giám đốc Công an tỉnh về cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết, đơn vị xây dựng kế hoạch cho nhiệm vụ thường xuyên, như việc 3 lực lượng: công an, quân sự, biên phòng phối hợp tuần tra, kiểm soát các vụ việc phát sinh. Ðặc biệt là phối hợp với các địa bàn giáp ranh tạo nên gọng kìm siết chặt tội phạm. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã khoanh vùng các điểm tập trung nhiều đối tượng có khả năng phạm tội để siết chặt tuần tra, kiểm soát”, Trung tá Hải cho biết.

Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, nhưng do địa bàn rộng nên khi nhận được tin báo thì các đối tượng đã tẩu thoát theo nhiều hướng khác nhau.

Ngoài phối hợp với các địa bàn trong quản lý và trấn áp tội phạm, lực lượng công an chuyên trách của xã còn củng cố, xây dựng vững chắc địa bàn phụ trách. Trung tá Hải cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 147 tổ Nhân dân tự quản, đang được củng cố, phát huy tốt vai trò. Ðồng thời, nhân rộng thêm mô hình dân vận khéo, đó là vận động người dân lắp đặt camera an ninh tại nhà để bảo quản tài sản cá nhân, hộ gia đình. Ðặc biệt là mô hình vận động, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương không tái phạm”.

Xã có 58 đối tượng chấp hành xong án tù trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, hiện có mặt tại địa phương 34 đối tượng.

Ông Võ Minh Tuyền, Trưởng ấp 3, cho biết: “Ấp có nhiều đối tượng chấp hành xong án tù trở về địa phương. Ðể giúp các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng, chúng tôi đến thăm từng người, nắm tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ. Qua đó, rà soát, xem xét hỗ trợ họ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất thấp. Từ đồng vốn vay để làm ăn, có hộ buôn bán tạp hoá nhỏ lẻ, hộ có đất thì mua con giống thả nuôi... Nhìn chung, các đối tượng sau khi về địa phương chí thú làm ăn. Ngoài ra, trong các cuộc họp dân, họp các tổ hội đều tuyên truyền đến người dân không được phân biệt đối xử hay có hành vi kỳ thị đối với người có tiền án tiền sự để họ không mặc cảm khi hoà nhập cộng đồng”.

Trung tá Hải chia sẻ: “Muốn địa bàn được ổn định thì phải quản lý đối tượng từ gốc. Những năm gần đây nổi lên tình trạng thanh thiếu niên sử dụng chất ma tuý. Với những đối tượng này, nếu không có sự quản lý, có biện pháp giáo dục, răn đe thì nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, nên lực lượng lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, nếu đối tượng không chấp hành thì đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc”.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, trong năm qua, Công an xã đã triệt xoá 23 vụ tệ nạn xã hội, liên quan đến 55 đối tượng và triệt xoá 15 vụ/34 đối tượng liên quan đến ma tuý. Ðơn vị đang từng bước làm sạch địa bàn, góp phần cho địa phương giữ vững tiêu chí số 19 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

 

Kim Cương

 

Chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả

Nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho các thành viên trong Tổ Liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), vừa qua, UBND huyện Thới Bình tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Tổ Liên gia an toàn PCCC năm 2024.

Thiệt hại do hạn hán vẫn còn tiếp diễn

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, theo dự báo, thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa trong nửa đầu tháng 5, mùa mưa có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 5. Do vậy, thời gian tới, tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn thiếu nước ngọt phục vụ đời sống của người dân, khả năng còn tiếp tục xuất hiện thêm các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường lộ giao thông trong vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời và U Minh, làm hư hỏng kết cấu, mặt đường lộ giao thông, gây khó khăn cho giao thương hàng hoá và đi lại của người dân.

Bảo vệ rừng cụm đảo Hòn Khoai

Hạt Kiểm lâm cụm đảo Hòn Khoai làm nhiệm vụ quan lý, bảo vệ rừng trên 2 cụm đảo, Hòn Khoai và Hòn Chuối. Những năm qua, mặc dù điều kiện để đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp giữa các đơn vị đứng chân trên đảo luôn được thực hiện hiệu quả, vì thế rừng được bảo vệ tốt, nhiều năm liền không để xảy ra cháy.

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Dịp lễ 30/4 và 1/5, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ liên tục 5 ngày theo quy định. Do đặc thù công việc, những cán bộ, chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, vẫn duy trì chế độ trực, sẵn sàng cho mọi tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Ðề phòng thời tiết dị thường

Mùa khô năm nay đã được dự báo từ trước, theo đó, công tác chuẩn bị ứng phó đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai từ sớm, nên những thiệt hại do thiên tai đã giảm đến mức thấp nhất.

Cần xử lý dứt điểm chợ tự phát

Việc lấn chiếm hành lang lộ giới làm nơi họp chợ trái phép vẫn tái diễn, dù lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở và đã xử phạt nhưng tình trạng này vẫn diễn ra chưa có hồi kết.

Xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật

Theo đánh giá chung của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong quý I/2024, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, Cà Mau là một trong những địa phương có số vụ tai nạn giao thông (TNGT) thấp nhất, tương đương so với cùng kỳ năm 2023.

Đã có đèn tín hiệu giao thông tại điểm giao tuyến tránh TP Cà Mau

Sau phản ánh của phóng viên Báo Cà Mau qua bài viết “Mất an toàn tại nút giao tuyến tránh Quốc lộ 1” (ngày 10/4), lực lượng chức năng đã gắn biển cảnh báo người dân chú ý quan sát, giảm tốc độ và đến chiều nay, 27/4, hệ thống đèn tín hiệu đã hoàn thành, trong niềm phấn khởi của người dân.

Ðể ứng phó hiệu quả, bền vững với biến đổi khí hậu

Những năm qua, Cà Mau luôn đối diện với nhiều khó khăn về tình hình hạn mặn, sụt lún ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài do hạn hán diễn biến gay gắt, nắng hạn kéo dài, thì còn do hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín, chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đầu tư khoanh ô nhỏ phù hợp với từng vùng, chưa có hệ thống trạm bơm điều tiết nước; sản xuất, sinh hoạt của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thuận thiên vì sự phát triển bền vững

Hạn hán, xâm nhập mặn và lún sụt ngày càng khốc liệt, cùng với đó là triều cường, nước biển dâng gia tăng; mưa bão xảy ra bất thường, diễn biến phức tạp... Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang tiếp tục tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác. Ðã đến lúc mọi hoạt động của con người cần phải thuận theo thiên nhiên để phát triển bền vững.