Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội về pháp luật. Theo đó, cơ chế lãnh đạo, điều hành công tác PBGDPL được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở; cơ chế phối hợp từng bước mang lại hiệu quả. Nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL (Hội đồng phối hợp PBGDPL; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phóng viên báo, đài và đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật…) không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của xã hội về pháp luật. Theo đó, cơ chế lãnh đạo, điều hành công tác PBGDPL được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở; cơ chế phối hợp từng bước mang lại hiệu quả. Nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL (Hội đồng phối hợp PBGDPL; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; phóng viên báo, đài và đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật…) không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng.
Việc đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL được quan tâm hơn; nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng được hình thành và phát huy tác dụng. Nhiều chương trình, đề án về công tác PBGDPL được phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, chính sách xã hội hoá công tác PBGDPL trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn bởi phần lớn các hoạt động PBGDPL đều do ngân sách Nhà nước đài thọ. Những đơn vị, địa phương không cân đối được kinh phí thì hoạt động PBGDPL không được thực hiện. Những khó khăn, bất cập đó xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Luật PBGDPL còn nhiều “rào cản”, chưa có chính sách khuyến khích phù hợp để huy động đông đảo lực lượng xã hội tham gia. Ðiều 4, Luật PBGDPL năm 2012 quy định: “Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Tuy vậy, Ðiều 35, Luật PBGDPL lại quy định: “Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan trong lực lượng vũ trang Nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật”.
Xét về nội dung thì 2 quy định này hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia PBGDPL và một bên là “khống chế” chỉ có cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang Nhân dân mới được công nhận là báo cáo viên pháp luật. Quy định này nhằm mục đích là “quản” đội ngũ báo cáo viên, nhưng đối với các luật sư, luật gia, các cán bộ có kinh nghiệm hoặc các chuyên gia pháp lý đã nghỉ hưu, khi có yêu cầu mời họ tham gia báo cáo viên pháp luật thì “quản” thế nào? Trong khi đó, chế độ thù lao cho báo cáo viên hoặc những người được mời tham gia PBGDPL không đủ để bù đắp chất xám mà họ bỏ ra (Luật quy định nội dung và hình thức PBGDPL phải phù hợp với yêu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng và phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc… Theo quy định này thì một tài liệu PBGDPL được biên soạn có thể chỉ phổ biến cho 1 đối tượng và chỉ sử dụng 1 lần), báo cáo viên pháp luật kiêm chức không được hưởng phụ cấp như một số hoạt động khác. Chính vì vậy, báo viên pháp luật không “mặn mà” với nhiệm vụ này và cơ quan đầu mối không thể huy động những đối tượng khác tham gia hoạt động PBGDPL.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Ðiểm a, Khoản 2, Ðiều 8, Nghị định số 28/2013/NÐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL thì “cá nhân” (kể cả doanh nghiệp tư nhân) tham gia thực hiện công tác PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho PBGDPL “được hưởng chính sách quy định tại Ðiểm a, Ðiểm c, Khoản 1, Ðiều này”.
Trong khi đó, Ðiểm b, Khoản 1, Ðiều 8 thì quy định “được thực hiện hoạt động quảng cáo khi tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo”. Quy định này là “rào cản” lớn nhất hiện nay. Bởi, theo Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp tư nhân không phải là một tổ chức, không có tư cách pháp nhân, nên nếu họ có thành tích trong việc tham gia hoặc đóng góp cho công tác PBGDPL thì có thể được khen thưởng chứ không được quảng bá sản phẩm của mình.
Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL chưa đúng mức. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn cán bộ và Nhân dân đều nhận thức rằng hoạt động PBGDPL là hoạt động “chính trị” nên phải do Nhà nước đảm trách. Mặt khác, các hoạt động này hiện nay không mang lại lợi ích vật chất cho xã hội, nên nếu có tham gia cũng chỉ nhằm mục đích quảng bá sản phẩm của mình.
Sự vào cuộc của các ngành, các cấp chưa triệt để, hầu hết đều trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Hằng năm chỉ tổ chức các hoạt động PBGDPL trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp, cơ quan, đơn vị nào không được cấp kinh phí thì không tổ chức.
Ðể sớm khắc phục tình trạng trên, cần nhanh chóng đưa chủ trương xã hội hoá công tác PBGDPL vào cuộc sống. Thiết nghĩ, Nhà nước cần sửa đổi Luật PBGDP và Nghị định số 28/2013/NÐ-CP của Chính phủ theo hướng có chính sách khuyến khích phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc hỗ trợ cho công tác PBGDPL./.
Hải Vân