Các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện U Minh đã và đang khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương khi đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch xuyên rừng. Ðến với sản phẩm du lịch này, du khách không chỉ được trải nghiệm các hoạt động mới lạ, hấp dẫn mà còn được thưởng thức không khí mát mẻ, trong lành của những cánh rừng bạt ngàn.
Thời gian gần đây, du khách đến tham quan trải nghiệm tại Ðiểm du lịch sinh thái Hoa Rừng, Ấp 15, xã Khánh An, thường chọn trải nghiệm xuyên rừng. Theo đó, du khách sẽ được bơi xuồng xuyên rừng nhổ bông súng, hái sen, đặt lờ, đặt lọp, câu cá, trải nghiệm hoạt động ăn ong, đặc biệt là được đắm mình dưới làn nước mát và tận hưởng không khí trong lành dưới tán rừng tràm.
Anh Thái Doãn Ân, Giám đốc Ðiểm du lịch sinh thái Hoa Rừng, cho biết: “Gần đây, du lịch xuyên rừng là một trong những sản phẩm được du khách lựa chọn nhiều. Hầu như tuần nào cũng có từ 2-3 đoàn khách đến tham quan trải nghiệm. Du khách thích thú nhất là thu được “chiến lợi phẩm” sau chuyến trải nghiệm và dùng đó làm nguyên liệu để nấu các món ăn yêu thích. Ngoài ra, điểm du lịch vừa đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới, đó là du lịch cộng đồng, đưa du khách đến các hộ dân trong khu vực để trải nghiệm thu hoạch bồn bồn, khai thác cá đồng, ăn ong..., sản phẩm này thu hút được sự quan tâm của du khách”.
Dịch vụ du lịch xuyên rừng được Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm đưa vào khai thác hơn 2 năm nay, đem đến luồng gió mới cho du khách gần xa.
Loại hình du lịch xuyên rừng được Ðiểm du lịch sinh thái Hương Tràm, Ấp 16, xã Khánh An, đưa vào khai thác mang lại hiệu quả cao. Du khách đến đây thường chọn trải nghiệm du lịch xuyên rừng, bởi họ như được trở về ký ức của tuổi thơ.
Chị Lê Thị Sông Hậu, du khách đến từ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Ðến Ðiểm du lịch Hương Tràm, tôi thấy rất thú vị, vừa được ăn uống, vui chơi thoả thích, vừa được trải nghiệm các hoạt động dưới tán rừng như: câu cá, đặt lờ, đặt lọp; rồi được trải nghiệm đi ăn ong rừng rất vui và thú vị. Ðây là kỷ niệm đáng nhớ nên tôi không quên chụp hình lưu lại. Nhất là khi dỡ lờ, lọp có cá, không chỉ vui mà còn làm tôi nhớ về ký ức tuổi thơ, bởi hồi xưa tôi thường theo cha đi đặt lờ, lọp như vậy, nhưng khi lớn lên, sống ở thành thị thì không còn nhìn thấy cảnh ấy nữa".
Du khách thích thú khi được trải nghiệm hoạt động ăn ong tại các khu, điểm du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.
Ông Giang Hoàng Hon, Giám đốc Ðiểm du lịch sinh thái Hương Tràm, cho biết: “Hầu hết các đoàn du khách ở xa đến đây đều tham quan trải nghiệm du lịch xuyên rừng, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Ở đây có hai loại hình. Một là xuyên rừng trong phạm vi khu du lịch được nhiều du khách lựa chọn, với các hoạt động như: đạp xe, đi bộ xuyên rừng ngắm cảnh hoặc bơi xuồng đặt lờ, đặt lọp, câu cá, cắm câu vào ban ngày, cả ban đêm, trải nghiệm ăn ong mật... Hai là xuyên rừng qua Vườn Quốc gia U Minh Hạ, du khách sẽ ngồi vỏ lãi tham quan một vòng các khu vực bìa rừng của Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trải nghiệm dỡ lờ, lọp, dớn, tham quan cuộc sống của người dân”.
Dịch vụ đưa khách xuyên rừng bằng vỏ lãi của Ðiểm du lịch Hương Tràm đem đến cho du khách cảm giác thú vị.
Tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, Ấp 17, xã Khánh Thuận đưa vào khai thác sản phẩm du lịch xuyên rừng đã 2 năm qua, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Theo đó, điểm du lịch này phục vụ du khách 2 loại hình du lịch xuyên rừng. Thứ nhất là đi bằng vỏ lãi, du khách được chở đi ngắm cánh rừng rộng khoảng 100 ha với tuổi đời hơn 40 năm, ngoài ra còn thấy được những hố bom, chiến hào, hầm ẩn nấp của bộ đội ta thời xưa. Hai là du khách ngồi trên phà chạy len lỏi dưới các cánh rừng, thưởng thức ăn uống và tham gia đờn ca tài tử - loại hình này mang đến nhiều cảm giác thú vị cho du khách.
Theo ông Nguyễn Hoàng Khởi, Trưởng ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, tới đây, khu du lịch mở thêm dịch vụ câu cá, bắt cá dưới mương rừng và chụp đìa bắt cá theo kiểu truyền thống xưa, để thu hút du khách tham quan trải nghiệm. Hoạt động này nhằm hướng du khách trở về với cách bắt cá truyền thống, hạn chế bắt cá theo kiểu huỷ diệt, tận diệt như hiện nay, góp phần khôi phục và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Qua trải nghiệm tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm, bà Lâm Mỹ Ái, du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Thật tuyệt vời khi khu du lịch kết hợp cùng lúc nhiều dịch vụ vào một sản phẩm, vừa được trải nghiệm đi phà trên sông nước, vừa được ăn uống, lại được thưởng thức đờn ca tài tử, hay có thể trực tiếp ca luôn thì quá hấp dẫn. Các bạn tôi và con tôi tham gia chuyến du lịch này đều rất hài lòng, nếu có dịp, tôi sẽ mời bạn bè và đưa gia đình trở lại đây”.
Du lịch xuyên rừng là một trong những hướng đi đúng, không chỉ khai thác tốt tiềm năng của địa phương mà còn góp phần quan trọng đưa ngành du lịch U Minh cất cánh. Cùng với đó, địa phương tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, tạo liên kết với các địa phương trong tỉnh để du lịch U Minh phát triển xứng tầm, thoả lòng du khách gần xa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Trần Thể