Trước tình hình sạt lở, sụt lún đang diễn biến phức tạp hiện nay, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã cùng các ngành chức năng các địa phương khẩn trương xác định nguyên nhân, nghiên cứu giải pháp để hạn chế sạt lở tiếp diễn.
- Sụt lún nghiêm trọng lộ nông thôn tại vùng ngọt huyện Trần Văn Thời
- Khẩn trương phòng chống, khắc phục sạt lở, sụt lún
- Chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông
Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua khảo sát thực địa của ngành chức năng cho thấy, trong các nguyên nhân gây ra sạt lở, sụt lún nền, mặt đường có nguyên nhân trong quá trình nạo vét kênh rạch, bồi trúc bờ bao, đường giao thông nông thôn và người dân lấy đất dưới kênh để sử dụng ở một số nơi quá sâu, lấy đất quá gần với bờ kênh, độ dốc mái kênh lớn, dẫn đến mất ổn định và sạt lở. Một số nơi xây dựng công trình quá gần bờ kênh, tải trọng công trình quá lớn dẫn đến sụt lún khi mực nước giảm sâu.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải rà soát các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khoảng lưu không các công trình giao thông nông thôn.
Sụt lún nghiêm trọng trên địa bàn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là khoảng lưu không các công trình nạo vét kênh mương. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản về khoảng lưu không và một số tiêu chí khác có liên quan trong xây dựng công trình đường giao thông nông thôn và thuỷ lợi (nạo vét kênh mương) để các địa phương căn cứ triển khai thực hiện.
Đây được xem là một nỗ lực của tỉnh, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu giải pháp, khắc phục tình trạng sạt lở, sụt lún trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Được biết, từ đầu mùa khô đến ngày 14/3, trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở, sụt lún 131 tuyến, có 552 vị trí, với tổng chiều dài 14.560m. Trong đó, đường bê tông 10.691m, đường đất đen 3.869 m, chủ yếu trên địa bàn huyện Trần Văn Thời. Ước tính thiệt hại khoảng 19,4 tỷ đồng./.
Hồng Nhung