(BÀI VIẾT ÐOẠT GIẢI C THỂ LOẠI TẠP CHÍ) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt “những bước chân đầu tiên” cho nền ngoại giao của Việt Nam - một nền ngoại giao hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc: Ðầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa, “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” [1].
Kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống đối ngoại của ông cha ta dưới ánh sáng soi rọi của tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Ðảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện và xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo của “thời đại Hồ Chí Minh”, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tranh: Minh Tấn |
Bản sắc “Cây tre Việt Nam”
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, trên mặt trận ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ với các nước; luôn chủ trương tôn trọng và giữ “thể diện” cho nước lớn; luôn luôn phải “biết thời, biết thế” để xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc, độc đáo: “Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”.
Ðó là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Ðoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”! [2].
Trải qua chặng đường 36 năm đổi mới và phát triển đất nước, Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại. Qua thời gian, diện mạo đất nước ngày càng đổi thay, đời sống người dân được cải thiện, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Ðối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng: “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” [3].
Thế lực thù địch ra sức chống phá
Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước hiện nay vẫn đang gia tăng chống phá nền tảng tư tưởng của Ðảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phê phán chủ trương, đường lối đối ngoại của Ðảng với những luận điệu rất thâm độc, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt nhằm cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước của Ðảng và Nhân dân ta.
Thứ nhất, chúng sử dụng các phương tiện truyền thông, Internet, blog, mạng xã hội phát tán thông tin sai lệch việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Ðảng và Nhà nước ta; đăng tải các thông tin thật - giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tuyên truyền, xuyên tạc Việt Nam hội nhập do thiếu bản sắc riêng nên bị hoà tan, ngoại giao cục bộ.
Thứ hai, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế; tác động, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước; quốc tế hoá những vấn đề nội bộ của nước ta.
Thứ ba, lợi dụng các vấn đề đối ngoại để kích động người dân chống đối Nhà nước, xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc...; tăng cường các hoạt động chống phá khi Việt Nam tiếp đón các nguyên thủ quốc gia các nước hay khi nước ta đàm phán ký kết các hiệp định song phương và đa phương.
Thứ tư, chống phá trước, trong và sau các sự kiện, hội nghị ngoại giao lớn do Việt Nam tổ chức, kêu gọi “tẩy chay” sự kiện, “kiến nghị” đến các đoàn, cơ quan ngoại giao nước ngoài yêu cầu can thiệp các vấn đề nội bộ của Việt Nam; phủ nhận những thành công của các sự kiện, hội nghị mang lại hòng hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kiên định con đường ngoại giao
Ðể tiếp nối truyền thống đối ngoại vẻ vang, mang đậm dấu ấn dân tộc và những thành tựu đạt được trong các hoạt động đối ngoại của Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, nghiên cứu, cập nhật tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới để kịp thời nắm bắt, đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại.
Hai là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Ba là, phát huy mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương, coi đây là định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030.
Bốn là, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hoá và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng.
Năm là, chú trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng.
Sáu là, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế.
Trong suốt chiều dài của cách mạng, Ðảng ta luôn rất coi trọng công tác cán bộ của ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung. Trước đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới, chúng ta cần tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Ðảng, với lợi ích của dân tộc./.
[1], [2], [3] Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Thái Thị Ny