(CMO) Năm 2018, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) ở thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) là 10,57%, trẻ em dưới 5 tuổi SDD ở thể thấp còi (chiều cao/tuổi) là 17,3%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng SDD ở trẻ em như điều kiện kinh tế gia đình, nhất là những gia đình đông con, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học và kiến thức về dinh dưỡng của bà mẹ còn hạn chế; Chất lượng các dịch vụ chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức với những kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản đến các bà mẹ chưa đầy đủ và rộng rãi…, từ đó có rất nhiều trẻ em bị thiệt thòi về khả năng phát triển trí não, thể lực, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khoẻ và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số.
Bữa ăn của trẻ cần được đảm bảo đủ lượng và chất, vệ sinh thực phẩm, góp phần giảm dần tỷ lệ SDD ở trẻ em. |
Để giảm dần tỷ lệ trẻ SDD, bên cạnh việc nâng cao công tác giáo dục thì công tác phòng, chống SDD luôn được ngành y tế Cà Mau, Trung tâm Y tế dự phòng quan tâm và triển khai đồng bộ. Theo đó, gần 69 ngàn trẻ từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A, tỷ lệ 96,9%; Hơn 8 ngàn bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống vitamin A, tỷ lệ 97,9%. Những xã khó khăn được mở rộng bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi bị SDD nhẹ, có nguy cơ bị SDD hoặc thuộc gia đình đặc biệt khó khăn được bổ sung gói đa vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, tất cả trẻ bị SDD (thấp còi, nhẹ cân, gầy còm) được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng tháng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Cà Mau, công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống SDD đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cung cấp tài liệu chuyên môn, tài liệu truyền thông phòng chống SDD, phòng chống thừa cân béo phì đến tận cơ sở. Ngoài ra, các hoạt động nhân ngày vi chất dinh dưỡng và phát triển 1-2/6, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển 16-23/10 đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của phụ huynh trong chăm sóc, phòng chống SDD cho trẻ.
Cùng với hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, các bậc phụ huynh cũng được tuyên truyền xây dựng bữa ăn hợp lý, đủ lượng và chất. Theo đó, bữa ăn cho trẻ phải đủ nhóm thực phẩm: Chất đường bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Xây dựng thực đơn đa dạng, phong phú, chọn thực phẩm tươi sạch, an toàn, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. Không dùng thực phẩm ôi thiu, mốc, quá hạn, bị nhiễm bẩn và sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thức ăn…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân khuyến cáo, chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn hiện nay: Cần cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau đó cho ăn bổ sung hợp lý và cho trẻ bú tiếp tục đến 18-24 tháng. Bữa ăn của trẻ cần phối hợp nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món. Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn động vật và thực vật, nên tăng cường ăn cá. Sử dụng chất béo ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể sử dụng sữa và các sản phẩm sữa phù hợp với mỗi lứa tuổi. Đặc biệt là không nên cho trẻ ăn mặn, nên cho ăn nhiều rau, củ, quả và cần uống đủ nước hàng ngày./.
Thanh Phương