(CMO) Sau những giờ học trên lớp, việc sắp xếp khoảng thời gian ở nhà để việc học tập, ôn lại kiến thức đã học hết sức quan trọng. Điều này giúp các em có thể nắm vững và khắc sâu hơn kiến thức. Do đó, xây dựng kỹ năng và thói quen tự học ngay từ khi còn nhỏ rất cần thiết.
Tự học là hình thức học tập phổ biến xưa nay. Người học sẽ tự sắp xếp thời gian, nội dung kiến thức, hình thức học tập mà không có sự giám sát của người khác. Người học có thể học tại nhà, công viên, thư viện hay bất cứ nơi nào thoải mái. Dù ở bất cứ lĩnh vực, ngành nghề hay lứa tuổi nào, việc tự học luôn luôn cần thiết. Thế nhưng, hiện nay hầu hết việc tự học của trẻ, đặc biệt là học sinh tiểu học đều do cha mẹ phải thường xuyên kèm cặp và hối thúc. Từ việc nhắc nhở thời gian và nội dung học tập, thậm chí có lúc phụ huynh phải ngồi học cùng con.
Cha mẹ thường xuyên kèm cặp, nhắc nhở con ôn tập trong thời gian nghỉ tránh dịch. |
Chị Lê Thị Muội, ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau, có 2 con nhỏ, bé nhỏ vừa vào lớp 1 và bé lớn học lớp 3. Việc học của con luôn được vợ chồng chị nhắc nhở thường xuyên. Chị Muội chia sẻ: “Thời gian rảnh rỗi ở nhà anh em nó thường tập trung tụi nhỏ trong xóm vui chơi nhiều hơn, phải răn dữ lắm mới chịu học, chứ ít khi tự lấy sách vở ra học. Gia đình buôn bán bận bịu nhưng cũng phải tranh thủ thời gian ngồi kèm cháu học”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chưa thích thú với việc tự học. Ở lứa tuổi còn nhỏ như học sinh tiểu học, hầu hết các em chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc học. Thay vào đó, các em thích chơi nhiều trò chơi, tham gia nhiều hoạt động khám phá khác. Việc ngồi yên một chỗ học và phải suy nghĩ thường khiến trẻ mệt mỏi, không hứng thú, hay áp lực học tập quá nhiều cũng gây tâm lý sợ học ở trẻ.
Cô Nguyễn Thị Muội, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Long Quân, TP Cà Mau, cho hay: “Muốn xây dựng ý thức tự học cho trẻ, cha mẹ nên hướng cho con biết lợi ích của việc học. Ví dụ như nếu con học tốt, giỏi thì lớn lên con sẽ có cơ hội làm những điều con thích… Đối với việc học tập của trẻ trong độ tuổi này, cha mẹ nên kết hợp giữa chơi và học vì đa phần trẻ còn ham chơi. Nên rèn cho trẻ học trong khoảng thời gian nào, học trong bao lâu… dần dần sẽ hình thành thói quen tự học ở trẻ mà không cần ai nhắc nhở”.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức rèn luyện kiến thức cho trẻ, như cho trẻ vừa học vừa chơi. Việc học và chơi đi kèm trẻ sẽ thích thú hơn. Thầy Lâm Minh Khắc, giáo viên Trường Tiểu học Phú Mỹ 3, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Để rèn luyện thói quen và kỹ năng tự học, phụ huynh nên tạo môi trường học tập thoải mái cho trẻ. Thông qua các trò chơi như ghép chữ, học tiếng Anh qua tranh ảnh, hay tham gia trả lời câu hỏi trong các chương trình, trò chơi dành cho thiếu nhi, học online... Những hình thức vừa học, vừa chơi như thế có thể kích thích sự tò mò của trẻ, việc học đối với trẻ sẽ không còn áp lực mà trở nên hấp dẫn và thú vị hơn, trẻ sẽ không còn tâm lý ngán học nữa”.
Việc tự học không chỉ giúp trẻ nắm bắt kiến thức, có kết quả học tập tốt hơn mà qua đó còn hình thành cho trẻ thói quen chủ động học tập tích cực. Thiết nghĩ, trong tình hình hiện nay, khi học sinh cả nước đang có kỳ nghỉ dài tránh dịch Covid-19, việc xây dựng ý thức tự học cho trẻ cần phải trau dồi và phát huy hơn nữa. Thói quen tự học ở nhà sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức cũ, chủ động bắt nhịp với việc học khi quay lại trường./.
Đào Kim