Mục tiêu chung nhất của văn hoá học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.
Mục tiêu chung nhất của văn hoá học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật.
Trên cơ sở mục tiêu chung của ngành giáo dục, mỗi trường học có mục tiêu, nội dung văn hoá học đường của trường mình. Ðể làm được điều đó, mỗi trường phải xem xét cụ thể hoàn cảnh, điều kiện của trường mình mà xây dựng một hệ chuẩn mực, giá trị phù hợp được các thành viên trong nhà trường cùng tham gia xây dựng với những biện pháp tổ chức thực hiện. Hệ chuẩn mực, giá trị đó phải tương hợp mức độ nhất định với các giá trị truyền thống, phong tục của địa phương, cộng đồng.
Xây dựng văn hoá học đường phát huy hiệu quả, chất lượng dạy và học. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Văn hoá học đường là hành vi ứng xử của các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục - đào tạo trong nhà trường, là lối sống văn minh trong trường học thể hiện như: Ứng xử của thầy, cô giáo với học sinh, sinh viên; được thể hiện như sự quan tâm đến học sinh, sinh viên, biết tôn trọng người học, biết phát hiện ra ưu, nhược điểm người học để chỉ bảo, luôn gương mẫu trước học sinh, sinh viên…
Ứng xử của học sinh, sinh viên với thầy, cô giáo thể hiện bằng sự kính trọng, yêu quý của người học với thầy, cô giáo. Hiểu được những chỉ bảo giáo dục của thầy, cô và thực hiện điều đó tự giác, có trách nhiệm. Ứng xử giữa lãnh đạo với giáo viên, nhân viên thể hiện người lãnh đạo phải có năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục. Người lãnh đạo có lòng vị tha, độ lượng, tôn trọng giáo viên, nhân viên xây dựng được bầu không khí lành mạnh trong tập thể nhà trường. Ứng xử giữa các đồng nghiệp, học sinh, sinh viên với nhau phải thể hiện qua cách đối xử mang tính tôn trọng, thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau.
Tất cả các ứng xử trong nhà trường là nhằm xây dựng một môi trường sống văn minh, lịch sự trong nhà trường.
Xây dựng văn hoá học đường là xây dựng hệ giá trị giáo dục trong mỗi trường học. Ðó là các nội dung văn hoá cụ thể được định danh rõ ràng, kết quả có thể kiểm tra đánh giá được. Các nội dung này được hình thành trên cơ sở hệ giá trị chung của ngành giáo dục, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, của từng nhà trường và được bàn bạc dân chủ thống nhất. Các nhà trường phải có mục tiêu, biện pháp để biến hệ giá trị đó thành hiện thực.
Biện pháp cơ bản hiện thực hoá văn hoá học đường bao gồm thực hiện vai trò gương mẫu của lãnh đạo nhà trường và thầy, cô giáo; Khuyến khích các hoạt động xây dựng văn hoá học đường; Xây dựng các phương châm ứng xử phát huy văn hoá học đường (viết sao cho dễ nhớ, dễ hiểu); Xây dựng khung cảnh, môi trường văn hoá trong toàn nhà trường, trong từng lớp học, trong từng tổ học tập của học sinh, sinh viên; Xây dựng logo, biểu tượng, bảng hiệu, khẩu hiệu đặc trưng của trường (để nơi dễ nhìn thấy hoặc nơi trang trọng); Xây dựng truyền thống nhà trường qua đồng phục, nghi lễ, nghi thức, bài hát; Tổ chức hoặc tham gia hoạt động văn hoá, lễ hội ở địa phương; Quan tâm tới sự bày tỏ các nhu cầu, cảm xúc, mong muốn của cá nhân; Xây dựng uy tín, vị thế của nhà trường.
Khi bàn về đổi mới quản lý GD&ÐT thì chúng ta phải coi đổi mới quản lý từ các nhà trường là mục tiêu cơ bản. Chính văn hoá nhà trường đích thực và trong sáng là động lực quan trọng nhất cho quá trình đổi mới quản lý của từng nhà trường, không có văn hoá học đường thì không thể nói đến đổi mới quản lý từ nhà trường. Ðổi mới quản lý nói chung hay đổi mới quản lý ở đơn vị cơ sở trường học thì không thể chỉ bàn về các giải pháp đổi mới cho các vấn đề “mang tính kỹ thuật” như xây dựng kế hoạch chiến lược, tổ chức bộ máy quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm tra đánh giá,… mà trước hết cần quan tâm ngay đến vấn đề văn hoá quản lý, văn hoá nhà trường, văn hoá đánh giá… Không có những thứ văn hoá này thì rất khó đổi mới quản lý GD&ÐT, vì ở đó là định hướng, là chuẩn mực, là động lực của quản lý.
Ðối với sự phát triển tiến bộ của nhà trường cũng như yêu cầu đổi mới quản lý nhà trường nói riêng và quản lý GD&ÐT nói chung, chúng ta cần phải tìm ra cách phát huy cho được văn hoá nhà trường vào thực tiễn hoạt động dạy và học, thực tiễn hoạt động quản lý của hiệu trưởng. Do đó phải quán triệt vấn đề văn hoá nhà trường cho toàn thể các thành viên của các nhà trường, trước hết là cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo. Ðặc biệt cần lưu ý làm rõ những vấn đề triết lý giáo dục của chúng ta hiện nay.
Từng nhà trường và toàn ngành tổ chức đánh giá lại thực trạng văn hoá nhà trường, đặc biệt cần chỉ ra được giá trị nào, chuẩn mực nào đang thực sự thống trị các nhà trường hiện nay. Bàn bạc biện pháp khôi phục lại các thành tố tích cực và còn thích hợp của văn hoá nhà trường truyền thống, đồng thời cũng tích cực tạo dựng các thành tố mới, tiến bộ, để từ đó mà hình thành dần văn hoá nhà trường tương thích cho thời kỳ đổi mới.
Trong phương án đổi mới quản lý nhà trường của hiệu trưởng, nhất thiết phải đề cập đến yêu cầu xây dựng văn hoá nhà trường. Cần chú ý xây dựng văn hoá giao tiếp ứng xử giữa học sinh với học sinh; học sinh với thầy, cô giáo; giữa các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức với nhau và giữa lãnh đạo trường với cán bộ, giáo viên và học sinh. Thể hiện qua lời ăn tiếng nói, cách trao đổi, sự quan tâm chia sẻ, hợp tác và cộng đồng trách nhiệm; bao dung, thân thiện; biết đấu tranh với các biểu hiện sai trái trong cuộc sống. Xây dựng văn hoá mặc: Có những quy định cụ thể về cách ăn mặc, đầu tóc phù hợp và thực hiện nghiêm túc các quy định trong Luật Giáo dục và Ðiều lệ nhà trường. Xây dựng văn hoá làm việc và học tập: Thể hiện ở việc trung thực trong làm việc và học tập, có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Văn hoá học đường lành mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện khuyến khích học sinh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp cho học sinh có kỹ năng tự xây dựng một hệ giá trị lành mạnh, đúng hướng cho cuộc sống tương lai của mình, xác lập cho mình lẽ sống, lý tưởng sống đúng đắn./.
Bùi Quang Viễn