(CMO) Vừa qua, báo Cà Mau nhận được đơn yêu cầu của bà Nguyễn Ngân Huệ, ngụ Ấp 3, xã An Xuyên, TP Cà Mau với nội dung sau:
Trường Tiểu học An Xuyên, khu B thuộc Ấp 3, xã An Xuyên được xây dựng cách đây hơn 10 năm, được cất cơ bản gồm 3 phòng học, nhà vệ sinh, cây nước, điện. Về cơ sở vật chất còn đến 70% chưa xuống cấp, nếu giải thể khu B thì phải đập bỏ, gây lãng phí.
Hơn nữa, từ khu B đến điểm trường chính cách hơn 4 cây số, đa phần học sinh đều con nhà nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê, học sinh phải tự đến trường, phương tiện đi lại vẫn còn hạn chế. Vì thế, việc học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn. Nếu bãi bỏ khu B sẽ có một số học sinh không đủ điều kiện, phương tiện đi lại phải nghỉ học.
Khu B (Rạch Rô) xây dựng từ sau bão số 5, nay đã xuống cấp: tường thấm nước, bàn ghế, thiết bị, nhà vệ sinh hư hỏng. |
Nhận được đơn thư của bà Nguyễn Ngân Huệ, phóng viên Báo Cà Mau trực tiếp xuống địa bàn để ghi nhận. Đã có hơn 10 lượt ý kiến yêu cầu các cấp lãnh đạo xem xét không xoá điểm trường này để người dân thuận tiện đưa con em đi học, bởi phần đông học sinh ở khu vực này sống với ông bà, điều kiện đi lại khó khăn; người dân đồng thuận chung tay sửa chữa, chỉnh trang điểm trường để con em tiếp tục học nơi này.
Tiếp nhận thông tin, sáng 6/8, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau, đã đến làm việc với UBND xã An Xuyên và Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Xuyên về việc sáp nhập điểm trường chưa nhận được sự đồng thuận này.
Thầy Võ Thanh Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Xuyên, cho biết, việc sắp xếp trường lớp, giáo viên theo chủ trương của tỉnh được thực hiện từ năm 2017, theo đó đã có 2 lần họp phụ huynh. Năm 2018, nhà trường đã họp lấy ý kiến phụ huynh 2 lần vào ngày 5/4 và ngày 17/4.
Thầy Tuấn thông tin, năm học 2017-2018, toàn trường (gồm 1 điểm chính, 2 điểm lẻ) có 33 phòng, 30 lớp, 56 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Riêng điểm khu B (Rạch Rô) có 5 lớp, lớp 1: 8 em, lớp 2: 13 em, lớp 3: 7 em, lớp 4: 9 em, lớp 5: 8 em; tổng số 45 em. Có 6 giáo viên dạy ở đây. Từ tình hình thực tế điểm khu B xuống cấp (được xây dựng từ năm 1997), không đảm bảo chất lượng dạy và học, bên cạnh đó số học sinh lớp đông nhất chỉ có 13 em, do đó, nhà trường xin ý kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cà Mau xoá điểm này và sáp nhập về khu A (cầu Số 3) và khu C (Lộ Đứt). Nhà trường đã thông báo tuyển sinh năm học 2018-2019 đến phụ huynh có con em học khu B, theo đó phụ huynh đến ghi danh nơi học thuận lợi nhất ở khu A hoặc khu C. Và đến nay, đã có 28 học sinh đến ghi tên; hơn 20 em chưa đến ghi danh; ngoài ra có 8 học sinh khu B xin chuyển trường địa bàn khác do theo gia đình làm ăn xa.
Báo cáo về việc không đồng thuận xoá điểm trường như đơn yêu cầu của bà Nguyễn Ngân Huệ, thầy Võ Thanh Tuấn cho biết, một số hộ cho rằng từ điểm khu B về học khu A hơn 3 km là xa nhà, không có điều kiện đưa con em đi học.
Bí thư Đảng uỷ xã An Xuyên Trần Đại Đoàn cho rằng, việc nhà trường xoá điểm khu B là phù hợp, nhằm đảm bảo điều kiện học tập và nâng cao chất lượng giáo dục cho các em học sinh. Địa phương sẽ tiếp tục vận động phụ huynh đưa con em đến trường, trường hợp khó khăn, sẽ hỗ trợ mọi cách như vận động xe đạp, học bổng... để các em an tâm học tập.
Sau khảo sát thực tế tình hình điểm trường khu B, ông Lê Hoàng Dự thống nhất phương án sáp nhập điểm lẻ khu B (Rạch Rô) về khu A hoặc khu C, tuỳ vào điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh do điểm này đã xuống cấp, không thể sửa chữa. Xoá điểm khu B về khu trung tâm (là trường đạt chuẩn quốc gia) với khoảng cách từ 3-4 km không gây xáo trộn lớn đến tình hình học tập của các em. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng chủ trương; tìm hiểu nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân chưa đồng thuận. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ các em nhà xa được thuận lợi đến trường; đối với số giáo viên dôi dư, tạo điều kiện sắp xếp, bố trí việc làm, cố gắng giải quyết thoả đáng nguyện vọng của giáo viên khi có nhu cầu chuyển sang vị trí khác, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh xảy ra tình trạng bất cập về sau./.
Băng Thanh