ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 03:03:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xuân ấm muôn nơi

Báo Cà Mau (CMO) Một mùa xuân mới, một năm mới đang đến. Muôn hoa đua nhau khoe sắc. Từ nông thôn đến đô thị, các ngõ đường được trang trí rực rỡ sắc cờ, băng rôn với các khẩu hiệu chào mừng năm mới. Tết có thể không rộn ràng như xưa khi nỗi lo dịch bệnh vẫn còn đó, nhưng Tết vẫn hiện diện theo cách riêng ở mỗi nếp nhà. Người người, nhà nhà đang chuẩn bị vui xuân, đón Tết nhẹ nhàng, ấm cúng, an lành.

Sinh sống ở vùng nông thôn ấp Rạch Lùm A (xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) từ thời con gái, bà Nguyễn Thị Hạnh đã khéo tay, sáng dạ. Hầu như các món ăn, bánh mứt truyền thống chuẩn bị cho 3 ngày Tết, bà đều tự làm được. Vẫn duy trì nếp sống ấy khi có gia đình riêng, khi con cái trưởng thành, có vợ có chồng, nhất là thích tự tay làm ra các món ăn, bánh, mứt chào mừng năm mới đến, những ngày cận Tết, gia đình bà Hạnh vẫn thường quây quần bên nhau làm các món bánh dân dã, truyền thống của quê hương từ các nguyên liệu sẵn có ở quê nhà như mứt dừa, mứt gừng, mứt chuối, mứt đu đủ, kẹo mãng cầu. Và Tết Nhâm Dần năm 2022 cũng vậy.

Bà Hạnh cho biết: “Năm nay cũng như mọi năm, gia đình cũng làm mứt này mứt kia, mua quà Tết biếu tặng anh em, viếng bàn thờ tổ tiên, ông bà, dù lớn, nhỏ gì cũng vậy. Truyền thống gia đình xưa nay chỉ thích tự tay làm bánh, mứt Tết, chớ không mua bánh chợ. Dịch bệnh vẫn còn xảy ra nên Tết này có lẽ chủ yếu là tổ chức ở gia đình, người thân, còn việc đi thăm dòng họ thì hạn chế lại”.

Gốc rặt nhà nông, trải qua bao tuổi đời, với bà Nguyễn Thị Ta (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), cái Tết truyền thống của quê hương không thể tách rời với việc gói và nấu bánh tét trong những ngày Tết đến xuân về. Bà Ta bộc bạch: “Việc gói bánh tét ngày Tết là gia đình duy trì theo truyền thống ông, bà mình xưa giờ. Tết gói bánh tét để cúng bàn thờ, để con, cháu về ăn. Bánh tiệm không bằng bánh tét đâu. Thường gói cỡ 40 đòn trở lại. Bánh tét truyền thống mình loại chuối, mỡ”.

Gói, nấu bánh tét ngày Tết là truyền thống vẫn được giữ gìn ở nhiều nếp nhà nông thôn.

Dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Có thể Tết năm nay, việc đi lại, vui chơi phần nào hạn chế, nhưng Tết vẫn ấm áp, hạnh phúc. Nhất là với những ngôi nhà mới, những gia đình thoát nghèo. Như với chị Mai Mỹ Thoa (ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời), Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết của sự khởi đầu mới khi ngôi nhà tường khang trang bao năm mơ ước đã thành hiện thực.

Chị Thoa cho biết: “Mình làm công nhân cho công ty chả cá ở Sông Ðốc. Hồi đó giờ, nhà cửa lụp xụp, đi làm suốt, chẳng dám nghỉ lấy 1 ngày, tới 30 Tết còn làm, mấy ngày Tết cũng tranh thủ làm. Còn giờ mình có nhà cửa thoải mái rồi, cuộc sống dễ thở hơn. Tết năm nay có thể nghỉ sớm để ăn Tết. Nhà mới mọi thứ cũng trang trí xong rồi nên chỉ còn lo bánh, mứt. Mà ở nông thôn dễ hơn, có gì làm nấy, ở nhà có gừng, có dừa, có chuối thì đem ra làm mứt thôi”.

Tết Nhâm Dần 2022 năm nay là cái Tết thật ý nghĩa, đầy cảm xúc đối với gia đình chị Phạm Thị Năng, ở ấp Lung Trường, xã Phong Lạc. Không đất đai canh tác, 5 người trong gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ đi làm thuê cho ghe biển của chồng, vì vậy cuộc sống cứ bấp bênh, rơi vào hộ cận nghèo, căn nhà lụp xụp sau nhiều năm xây dựng vẫn không có khả năng cất lại. Ðược sự hỗ trợ của Công ty TNHH Giải trí và Ðào tạo Ðại Nghĩa Entertainment, với số tiền đầy tình người 40 triệu đồng, cộng thêm sự giúp đỡ của người thân, căn nhà mới khang trang đã được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết. Vậy là Tết năm nay chị Năng tuy không có chồng bên cạnh do dịch bệnh đi lao động xa không về được nhưng gia đình đón Tết thật ấm áp. Chị Năng trải lòng: “Mừng lắm. Có nhà mới thoải mái hơn nhiều”.

Tết năm nay cũng đơn giản như mọi năm, nhưng với chị Lê Diễm Hậu (ấp Ông Bích, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) cảm giác thật khác lạ so với cái Tết của 7 năm ròng đi làm thuê xa xứ. Ấm áp, hạnh phúc vô cùng khi đón Tết yên bình với những ngày tháng trụ lại quê hương. Chị Hậu tâm sự: “Hồi trước, Tết về có tiền nhiều thiệt nhưng không vui bằng cái Tết mà mình ở tại quê. Về quê, lập nghiệp ở quê luôn, mình được đoàn tụ Tết nhất sớm với gia đình, khỏi phải lo âu. Trước tới 27, 28 Tết công ty mới cho nghỉ, về tới nhà thì Tết tới nơi luôn. Có khi không mua được cho con bộ quần áo mới vì tiệm đóng cửa hết rồi. Còn Tết này, mình thoải mái tiếp gia đình nội, ngoại chuẩn bị ăn Tết, mua sắm quần áo cho con, cho người thân tươm tất hơn. Nói chung là hạnh phúc mà tiền bao nhiêu cũng không mua được”.

Và với bao nông dân, đón Tết vui vẻ, an lành với niềm tin hướng về ngày mai. Như lời chia sẻ của ông Ðỗ Thanh Nghị (ấp Tân Phú, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời): “Thì mình cũng ăn Tết vui vẻ, bình thường thôi. Ví dụ năm nay mình nuôi tôm không đạt thì sang năm mình tiếp tục phấn đấu, kiên trì, nhất định thành công”.

Xuân mới đến, năm mới đến. Một mùa xuân, một cái Tết có thể không rộn ràng, vui chơi thoải mái như xưa, vì phải chú ý phòng, chống dịch bệnh, nhưng Tết của sự sum họp, của đầy tình yêu người, của lòng nhân ái sẽ thắp lên ngọn lửa niềm tin vào một năm trọn vẹn hơn, thuận lợi hơn, gặt hái nhiều thành công hơn năm cũ. Nơi mỗi nếp nhà, hình ảnh quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những món bánh, mứt ngày Tết quê hương vẫn ấm áp và trên môi ai cũng nở nụ cười./.

 

Ngọc Minh

 

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Gắn kết, nhân sức mạnh cộng đồng người xa quê

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cuộc gặp gỡ nhân buổi họp mặt đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ diễn ra ý nghĩa và đầy xúc động. Đây không chỉ là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người con xa quê lâu nay. Chắc chắn rằng, mỗi cuộc hội ngộ như vầy đều mang theo những ký ức, niềm vui và cả những nỗi nhớ không thể nào quên…

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.