“Năm 1950, mới 17 tuổi, tôi là học sinh Trường Lưu trú Gia Định. Theo tiếng gọi Tổ quốc, tôi tham gia thi tuyển vào Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, trúng tuyển và tham gia cùng Đoàn Gia Định Ninh (Gia Định và Tây Ninh) dự học khoá 2, tổ chức tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Niên học quy định thời gian 2 năm, nhưng do nhu cầu cấp thiết chiến trường, khoá 2 chỉ kéo dài khoảng 12 tháng thì kết thúc và học viên được phân tán về nhiều đơn vị khác nhau”, Đại tá Cao Minh Trưng, nguyên chuyên viên Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng, tâm sự.
“Năm 1950, mới 17 tuổi, tôi là học sinh Trường Lưu trú Gia Định. Theo tiếng gọi Tổ quốc, tôi tham gia thi tuyển vào Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, trúng tuyển và tham gia cùng Đoàn Gia Định Ninh (Gia Định và Tây Ninh) dự học khoá 2, tổ chức tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Niên học quy định thời gian 2 năm, nhưng do nhu cầu cấp thiết chiến trường, khoá 2 chỉ kéo dài khoảng 12 tháng thì kết thúc và học viên được phân tán về nhiều đơn vị khác nhau”, Đại tá Cao Minh Trưng, nguyên chuyên viên Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng, tâm sự.
Theo Ðại tá Hồ Minh Trí, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ, năm 1948, nhu cầu cấp bách đặt ra cho chiến trường Nam Bộ là phải mở trường bồi dưỡng chỉ huy cấp phân đội có trình độ tương đối toàn diện để bổ sung cho các đơn vị. Vậy là năm 1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định thành lập trường, lấy tên là Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ. Dự kiến ban đầu là xây dựng trường tại rừng U Minh (địa bàn xã Khánh Lâm, huyện U Minh bây giờ). Trong lúc chờ đợi trường cấp dưỡng, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định mở khoá đầu tiên để bổ túc ngắn hạn cho cán bộ trung đội, đại đội, lấy tên là Khoá Quân sự Nam Bộ. Khoá học này vừa bồi dưỡng bước đầu cho cán bộ Quân khu 7, Quân khu 9, vừa chọn một số khung cán bộ, giáo viên Trường Lục quân.
Cắt băng khánh thành bia tưởng niệm Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ tại xã Trí Phải. |
Cuối tháng 11/1950, khu Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ đã xây dựng xong, gồm 30 phòng học, thành lập 3 khu vực (tiểu bộ, trường học, nhà ăn). Mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng đã hoàn tất, song, khu trường đã bị địch phát hiện, chúng đưa 8 máy bay trực thăng đến ném bom napal thiêu rụi, may mắn là học viên chưa tập trung nên ta không bị thiệt hại về con người. Vì vậy, khoá 1 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ đã khai giảng tại huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang). Ðến tháng 2/1952, khoá 1 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ đã khai giảng tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Suốt khoá học, học viên sống trà trộn trong dân, được quần chúng che chở, đùm bọc nên địch không phát hiện.
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ tại Cà Mau (tháng 3/1950-3/2015), ngày 21-24/3, Ban Liên lạc truyền thống của trường đã vận động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.200 lượt đối tượng là gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi và hộ nghèo trên địa bàn 2 xã: Trí Phải và Trí Lực, huyện Thới Bình. Cấp 10 bộ răng hàm giả cho người già có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, trao 4 căn nhà tình nghĩa, tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Trí Phải... Trước buổi lễ họp mặt, các đại biểu đã đến dự lễ khánh thành bia tưởng niệm Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ đặt tại xã Trí Phải. |
“Nói là trường chớ thật ra chúng tôi học trong vườn chuối, nhưng học tập rất nghiêm túc và chính quy. Chúng tôi sống phân tán 3 người trong 1 nhà dân. Thời đó, ở Trí Phải chuối thì vô số và cá đồng cũng đầy kinh mương, nên chúng tôi không khó khăn lắm trong việc tự túc ăn uống hằng ngày. Trong điều kiện khó khăn, tình quân dân lại càng khắn khít hơn. Sau 65 năm mới có dịp trở lại mái trường xưa, tuy cảnh cũ không còn nhưng tình cảm người dân thì vẫn dạt dào, chân thành đón tiếp chúng tôi như thuở nào”, Ðại tá Cao Minh Trưng xúc động.
Tại buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ, diễn ra vào ngày 25/3, tại huyện Thới Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng nhấn mạnh: 65 năm qua, nhiều thế hệ giáo viên, nhân viên, học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ tại Cà Mau, có người đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhiều người đang tuổi cao, sức yếu… nhưng vẫn là tấm gương ông bà mẫu mực, nuôi dạy con cháu thảo hiền. Nhiều người đã là cán bộ thành đạt, có những đóng góp nhất định cho xã hội. Mong rằng truyền thống quý báu đó luôn được tiếp nối để Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ luôn là biểu tượng của tinh thần “Trung với nước, hiếu với dân”.
Khi chia tay nhau rời mái trường để xông pha vào trận tuyến, những học viên ngày ấy hầu hết ở độ tuổi đôi mươi, giờ đây đã trở thành những cụ ông tuổi trên bát tuần. Tất cả đều chung niềm xúc động, tay bắt mặt mừng trong ngày họp mặt và tự hào là học viên dưới mái Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn Phân hiệu Nam Bộ./.
Ghi nhanh của Mỹ Pha