Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân 2 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm sắc màu Việt. Yên Tử được xem là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân 2 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm sắc màu Việt. Yên Tử được xem là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử Lý, Trần, Lê, Nguyễn...
Yên Tử là dãy núi thấp, địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên thiên nhiên hùng vĩ trên tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.686 ha, trong đó có 1.736 ha rừng tự nhiên còn nguyên sinh. Ven lối dẫn lên tham quan các kiến trúc cổ chùa, am, tháp được trồng rất nhiều cây tùng. Trong khu vực này hiện còn hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm.
![]() |
Nhiều kiến trúc cổ giữa thiên nhiên kỳ thú Bạch Vân sơn. |
Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa... Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hoá. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập.
Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng. Ðến với Yên Tử, du khách sẽ được hoà mình với thiên nhiên kỳ vĩ lúc ẩn, lúc hiện trên những tầng mây, tham quan các di tích lịch sử được mệnh danh là “đất Tổ Phật giáo Việt Nam”. Núi Yên Tử là ngọn núi thuộc dãy cánh cung Ðông Triều, thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên còn có tên gọi là Bạch Vân sơn. Núi rừng Yên Tử nổi tiếng là nơi có khung cảnh ngoạn mục và được mệnh danh là một trong những cảnh quan đẹp nhất đất Việt.
Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối, cầu dài 10 m, có kiến trúc hài hoà với khung cảnh thiên nhiên chung quanh, không cầu kỳ bay lượn nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Tiếp tới là chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m; phía trên độ cao 700 m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi.
![]() |
Một góc Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. |
Chùa Ðồng là nơi dừng chân cao nhất của du khách. Chùa được khởi dựng vào thời hậu Lê với tên gọi “Thiên Trúc Tự”. Chùa Ðồng được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất, cao 3 m, rộng 12 m2 và nặng 60 tấn. Lối lên Chùa Ðồng còn có bức tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên bệ được làm bằng bê-tông cốt thép ốp đá điêu khắc. Bức tượng cao hơn 3 m, đài sen hơn 2 m, thân tượng đồng cao 9,9 m, được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2 gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian thoáng rộng… Dọc đường còn có một số điểm tham quan như: Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên… các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Ðiếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Ðây là công trình thiền viện lớn nhất nước có cổng Tam quan, toà chính điện, nhà thờ Tam Tổ, lầu trống, lầu chuông, nhà trưng bày, nhà khách, phòng thiền. Với kiến trúc đẹp và hoành tráng, uy nghi, điểm tô chốn non thiêng Yên Tử thêm phần khang trang, bề thế, góp phần bảo tồn, nghiên cứu các thư tịch cổ, ấn phẩm văn hoá Phật giáo Việt Nam, tạo điều kiện cho tăng ni, phật tử Trúc Lâm trong cả nước đến giảng đạo và tu thiền.
Ði lễ chùa, ngắm nhìn phong cảnh núi non Yên Tử hùng vĩ, được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cổ từ thời đại nhà Trần với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh vô cùng quý giá, thật không còn niềm vui nào bằng./.
![]() |
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông lúc ẩn, lúc hiện giữa mây trời Yên Tử hùng vĩ. |
![]() |
Ngôi Chùa Đồng được làm bằng đồng nguyên chất, xây dựng trên đỉnh cao nhất của núi rừng Yên Tử. |
![]() |
Đến Yên Tử, ngoài lối đi bộ, ngày nay du khách có thể đi trên hệ thống cáp treo ngắm nhìn không gian mênh mông, trùng điệp, nên thơ mà hùng vĩ và sẽ yêu quý hơn quê hương, đất nước. |
Bài và ảnh: Thanh Trà