Ở Cà Mau, nói tới cỏ ngựa thì gần như ai cũng biết, chúng có hình dạng từa tựa cỏ sậy, thân búp, nhiều lông. Lúc đầu chúng mọc thẳng đứng như sậy, nhưng khi dài ra, chúng ngã rạp xuống, chồng lên nhau và chồm lên như ngựa, người ta gọi là cỏ ngựa, hay còn gọi là cỏ lông, cỏ lông tây.
Ở Cà Mau, nói tới cỏ ngựa thì gần như ai cũng biết, chúng có hình dạng từa tựa cỏ sậy, thân búp, nhiều lông. Lúc đầu chúng mọc thẳng đứng như sậy, nhưng khi dài ra, chúng ngã rạp xuống, chồng lên nhau và chồm lên như ngựa, người ta gọi là cỏ ngựa, hay còn gọi là cỏ lông, cỏ lông tây.
Cỏ ngựa mọc dày theo mé bờ ruộng, bờ vuông, bờ lộ. Những nơi trũng nước, những bãi đất bỏ hoang, mần cực “trần thân” chứ phải chơi đâu, vì chúng mọc xếp lớp đè lên nhau, dọn thấy được mặt đất, mồ hôi mẹ mồ hôi con đã tuôn ra ướt cả áo. Mần rồi bỏ chứ cũng hổng biết để làm gì, tới mấy ông thầy thuốc Nam còn chê, ai thấy cũng sợ.
Nhưng hơn 10 năm nay, có ông nông dân ở Ấp 2, xã Tân Thành, TP Cà Mau “mê” loại cỏ ấy, vợ ổng nói, ổng mê tới độ tối ngủ “mớ luôn!”.
Cùng với nuôi bò vỗ béo ngắn hạn, ông Hai Kiếm còn giữ lại những con bò tốt nhân giống cho đàn bò dài hạn. Ảnh:A.N |
Năm 2003, dân Ấp 2, xã Tân Thành, TP Cà Mau, chứng kiến một chuyện chưa từng thấy và chưa bao giờ nghĩ tới ở xứ sở này. Ông Hai Kiếm đi trước, đầu đội nón rơm rộng vành, người mặc bộ đồ đi ruộng vàng phèn, quần ống cao ống thấp, tay cầm cây trúc dài gác trên vai như cây súng trường của tụi lính Tây, mặt lạnh lùng như dân cao bồi trong phim miền Viễn Tây vậy.
Phía sau ông Hai Kiếm là đàn bò 11 con, con nào con nấy vàng hực như vàng bốn số chín và to đùng như cây rơm biết đi, tiếng chân bò rầm rập rung rinh cả lộ xóm. Dân xóm và đám con nít phải giật mình, mọi người đứng ken bên lộ nhìn ông Hai Kiếm và đàn bò.
Lúc đó, dân Tân Thành đã nuôi rất nhiều thứ, trong đó từng có cả trâu, nhưng chưa ai thấy bò bao giờ. Mọi người nhiều chuyện với nhau, đàn bò chắc “bộn” tiền, coi lại ông Hai Kiếm nghèo “rớt mồng tơi”, có miếng vuông nuôi tôm tự nhiên chỉ đủ ăn, tiền đâu mua đàn bò nhiều dữ vậy? Và liệu ở cái xứ sở này, đất toàn là đất ruộng, đất vuông, đâu có đất đồng cỏ mênh mông như ở vùng trên, hay vùng Viễn Tây của Huê Kỳ, nuôi bò có được không? Cả ông Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Tô Hoàng Xuyên nhà ở Ấp 2 và ông Chi hội trưởng Nông dân Ấp 2 Lê Văn Tàng cũng cùng thắc mắc như vậy.
Phải vài tháng sau, mọi người mới biết, chuyện ông Hai Kiếm nghèo rớt mồng tơi có đàn bò như thế nào.
Số là, ông Hai Kiếm mang chuyện mê cỏ ngựa của mình kể cho một người bạn nghe, người bạn là ông Ðặng Văn Chiến, dân kinh doanh sạp thịt ở Ấp 1, chợ Tắc Vân. Vốn là dân làm ăn ở chợ, nhạy như diêm quẹt lửa, nắm bắt mau lẹ, nghe qua chuyện mê cỏ ngựa của ông Hai Kiếm, ông Chiến đã ngửi thấy có mùi tiền. Ông Chiến liền lên Sóc Trăng bắt của người bạn 10 con bò cái, 1 con bò đực, giao cho ông Hai Kiếm nuôi tới bò đẻ chia hai.
Với cách ăn chia này, người thu lợi nhiều là ông Chiến, bởi nuôi tới đàn bò đẻ cũng mất gần 1 năm, sau đó ông Hai Kiếm phải nuôi 21 con bò thêm vài tháng, tốn cũng bộn cỏ, phần của ông chỉ được 5 con bò con trong đàn bò. Nhưng không có vốn, mê nguồn lợi cỏ ngựa có quá trời ở xứ mình, ông Hai Kiếm vui vẻ nhận lời.
Cách ông Hai Kiếm nuôi được bò ở đây thì như thế này, ở vùng trên chân đất cứng, có đồng cỏ, người ta nuôi bò thả lan và có người đi theo chăn bò. Sáng, người ta lùa bò đi ăn. Chiều, người ta lùa bò về chuồng và nhốt lại. Ở đây hết mùa lúa, mùa vuông cũng có đồng cỏ, nhưng chân đất mềm và có nhiều bờ bao, ông Hai Kiếm không thể lùa bò ra đồng cỏ như ở vùng trên được, bò sẽ giậm sạt bờ bao của mọi người. Cho nên, cách có thể nuôi được bò duy nhất ở xứ này là làm chuồng và đi cắt cỏ về cho bò ăn.
Dân xóm thấy ông Hai Kiếm làm dãy chuồng bò lớn sau vườn như trại lính, sườn bằng cây tạm bợ, mái lợp lá đơn sơ, thoáng mát và hằng ngày đi cắt cỏ ngựa về cho bò ăn. Ðể nuôi 11 con bò, trong đó có 10 con gần đẻ, trọng lượng mỗi con gần 400 kg, hằng ngày, ông Hai Kiếm phải cắt hơn nửa tấn cỏ cho đàn bò ăn. Dân xóm đã phải nể ông Hai Kiếm chuyện này, một ngày cắt nửa tấn cỏ mệt lắm chứ chuyện chơi đâu, đâu có phải ai cũng mần giỏi được như ông Hai Kiếm.
Mùa mưa, cỏ ngựa có rất nhiều ở xóm, bờ ruộng, bờ vuông, ông Hai Kiếm đi cắt cỏ dài dài theo xã. Mùa khô, lượng cỏ ngựa theo xóm, bờ ruộng, bờ vuông giảm, nhưng lại có nhiều theo hai bên Quốc lộ 1, ông Hai Kiếm đi cắt cỏ dài theo quốc lộ.
Phương tiện vận chuyển cỏ của ông Hai Kiếm là chiếc xe ba gác chở cỏ bằng cây, mỗi lần chở hơn nửa tấn cỏ và chiếc xe kéo là Hon-đa 67. Ngày nào, ông Hai Kiếm cũng mang về xe cỏ chạy lêu nghêu trên lộ xóm, chất như cái núi cỏ sau vườn của mình, ai cũng nể cái chịu khó dữ dội của ông Hai Kiếm. Có đôi lần, ông Hai Kiếm cũng lùa đàn bò ra sau đất của mình, cặm trụ cột bò lại, cho bò ăn cỏ dài theo mé bờ ruộng của mình và hàng xóm, nghỉ xả hơi cắt cỏ vài bữa.
Có lần ông Hai Kiếm ngủ quên, một con bò tuột dây đi đâu mất không biết, ông Hai Kiếm đi kiếm con bò và muốn gần khóc. Ông sợ nhất là con bò lạc vô vườn của người ta và gây hoạ, nước mắt muốn rưng rưng và miệng cứ lầm bầm, “bò ơi về đi…”. Và đúng là như vậy, con bò lạc vô vườn của xóm, quần muốn banh mấy bụi chuối, không biết ai giận quá chém một đường dài trên đùi con bò. Ông Hai Kiếm thấy mình có lỗi dân xóm nhiều lắm, âm thầm dẫn con bò về băng bó và khóc.
Ðó cũng là lần sau cùng ông Hai Kiếm lùa bò ra đồng ăn cỏ. Sau 2 năm nuôi bò cho ông Chiến, ông Hai Kiếm có được 5 con bò, ông nuôi tiếp gần 3 năm, nhân đàn bò lên được 10 con. Kể từ đó, ông Hai Kiếm bán bò giống, bò thịt mỗi năm được gần 80 triệu đồng.
Năm 2010, tình cờ đi mua thêm bò giống ở Sóc Trăng, kế hoạch nhân thêm đàn bò, ông Hai Kiếm ngạc nhiên khi thấy lái bò ở đây mua được rất nhiều bò ốm trơ cả xương, không biết để làm gì. Hỏi ra mới biết, đây không phải là bò bệnh, mà là những con bò bị thiếu ăn, người nuôi không đủ cỏ cung cấp cho bò, người ta lại kẹt tiền nên đem đi bán. Những con bò nuôi tới sức ăn, sức lớn, không đủ cỏ để nuôi tiếp có ở Bạc Liêu, Sóc Trăng khá nhiều.
Hiểu ra được nguyên nhân, nghĩ tới cỏ ngựa xứ mình, ông Hai Kiếm thấy đã trong bụng gì đâu, ông chuyển hẳn sang công việc chuyên về nuôi bò vỗ béo. Nuôi bò đẻ, bò thịt, mất thời gian khá lâu, có khi là 1 năm, có khi là vài ba năm mới có thu hoạch, còn nuôi bò vỗ béo chỉ cần 2-3 tháng là có thể bán được rồi. Ðồng vốn đầu tư mua bò để vỗ béo hơi nhiều, vì là bò bự, có con nuôi vài tháng là có thể phối giống, nuôi bò đẻ, nhưng bù lại đồng vốn quay được nhanh và hiệu quả của nguồn lợi cỏ ngựa vỗ béo bò mang lại rất nhanh, rất hiệu quả.
Cứ vậy, từ năm 2010-2015, mỗi năm ông Hai Kiếm vỗ béo được 3 đợt bò, mỗi đợt có số lượng hơn chục con, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm. 6 tháng đầu năm 2016, ông Hai Kiếm vỗ béo được 2 đợt bò, số lượng gần 30 con, lãi gần 100 triệu đồng.
Nhiều người đã đến coi ông Hai Kiếm nuôi bò, ai cũng nói ông già mát tay, bò nuôi làm sao coi đẹp quá trời. Ðó cũng là lý do, hơn chục năm nay, đã 62 tuổi, miệng móm sọm, răng rụng muốn gần hết, ông Hai Kiếm vẫn mê cỏ ngựa, tới ngủ cũng mơ thấy cỏ ngựa…
Chi hội trưởng Nông dân Ấp 2, xã Tân Thành, TP Cà Mau Lê Văn Tàng chia sẻ,: "Hồi ông Hai Kiếm mang bò về nuôi, tụi tui ngạc nhiên nhiều lắm, vì hồi nào giờ, xứ mình đâu có nghe ai nuôi bò. Giờ thì thấy rõ rồi, trong số những nông dân sản xuất giỏi làm giàu ở ấp, có thể nói mô hình nuôi bò của ông Hai Kiếm là rất ấn tượng. Ông đã biết khai thác nguồn lợi cỏ ngựa, một thứ có rất nhiều ở xứ mình, nhưng lâu nay không ai thèm để ý tới, để nuôi bò và thành công. Mô hình nuôi bò của ông, từ nuôi bò đẻ bán bò giống, đến chuyên nuôi bò vỗ béo, còn cho tụi tui bài học không tệ, nông dân không chỉ biết sản xuất giỏi, mà còn phải biết nắm bắt và tính toán giỏi mới giàu được". |
Bút ký của Ái Như