ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 08:27:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Cây phóng sự” Đỗ Doãn Hoàng: Tâm huyết, chuyên nghiệp và giữ mình trong sạch

Báo Cà Mau (CMO) “Người làm báo cần phải đặt mình trong bối cảnh chung của dòng chảy xã hội. Nó như một dòng sông cuộn xiết quanh chúng ta. Và chúng ta nhảy vào đoạn nào của dòng sông đó là cá tính, là bản lĩnh của mỗi người”, đây là chia sẻ của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một cây bút xông xáo, nhiệt tình và đầy đam mê nghề nghiệp, nhân chuyến ông được mời về Cà Mau hướng dẫn nghiệp vụ viết báo vừa qua.  

“Người ta bảo, trên thế giới vốn không có đường...”

- Thưa Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tên tuổi ông thường gắn với các bài phóng sự điều tra, nhiều người thắc mắc sao ông chọn mảng này, bởi nó vừa khó vừa đầy nguy hiểm?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Cái khó nhất chính là phẩm cách của người làm báo, là mình đã đóng góp được gì cho xã hội. Tôi không muốn viết một bài báo giống như một sự đong đưa câu chữ văn chương, thể hiện mình được đi đây đi đó, gặp nguyên thủ thế nọ thế kia… Nó không đem lại gì cho người ta.

Xã hội đôi khi vẫn có những bất công, những chuyện vô lý, những người rên xiết trong oan khuất, những người bệnh tật sắp chết… Ai là người cứu họ? Mình với tư cách nhà báo, mà người ta bảo báo chí là quyền lực thứ tư trong xã hội, vậy quyền lực đó thể hiện như thế nào? Mình muốn cứu người ta, mình muốn giải thoát người ta khỏi oan ức, mình muốn giải thoát các cháu khỏi nạn lạm dụng tình dục kinh khủng thì làm thế nào? Đồng hành với tôi là các bài báo. Tôi sử dụng báo chí để nói được những điều mình tâm huyết, cải tạo những cái cần cải tạo trong xã hội... Đấy là mong muốn của tôi, còn tôi có làm được gì từ cái mong muốn đó hay không lại là chuyện tự độc giả phán xét.

- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có rất nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận, ông có thể chia sẻ một vài tác phẩm cụ thể và hiệu ứng xã hội của những tác phẩm đó?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Thường những tác phẩm tôi viết hiệu ứng xã hội theo từng tầng, từng lớp. Ví dụ như khi tôi viết loạt bài về thực trạng những cánh rừng bị phá, thì đầu tiên là phản ánh tình trạng rừng bị tàn sát. Thế là ngành chức năng đến kiểm tra, khoanh vùng và truy tìm đối tượng. Đến tầng thứ 2 (có thể) là trách nhiệm của kiểm lâm, họ bảo kê cho bọn phá rừng, vậy là đề nghị xử lý kiểm lâm. Tầng 3, chỉ ra luật về bảo vệ rừng có thể còn nhiều kẽ hở, nếu có thì cần chỉnh sửa và lấp đầy các khoảng trống.

Ví dụ như chuyện phổ biến là, khi lâm tặc phá rừng chỉ xử lý hành chính, phạt như phủi bụi, nó không sợ, mai nó lại vào rừng phá tiếp. Thế là lúc đó lại tính chuyện thay đổi luật, thay đổi quy định. Không thay đổi được luật thì có thông tư điều chỉnh, sửa đổi những bất cập.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ nghiệp vụ và kinh nghiệm viết bút ký, phóng sự điều tra với đội ngũ làm báo tại Cà Mau. Ảnh: T.Anh - T.Trâm

Hoặc khi tôi điều tra về thảm cảnh những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục ở Hà Nội, chúng tôi đưa ra đầy đủ tài liệu tố cáo lên Công an Hà Nội, yêu cầu bắt tất cả những ông Tây (trước đó chưa có vụ nào bắt cả). Tuy vậy, một gã thầy bói có thể lạm dụng 1 đêm 7 cháu bé mà không bị xử lý bởi vì nó rất khó để xử lý xứng tầm cái tội ấy. Lý do là Luật Hình sự quy định, muốn xử lý một kẻ hiếp dâm, thì cần chứng minh có yếu tố giao cấu, mà giao cấu thì theo cách hiểu cũ, phải có nam và nữ thực hiện hành vi tình dục “truyền thống”. Đằng này nạn nhân là trẻ em nam, thủ phạm cũng là nam giới, không có đủ nam - nữ để thành được sự “giao cấu” như định nghĩa. Chính vì thế, chúng tôi kiến nghị sửa điều khoản liên quan kia trong Luật Hình sự. Và luật được sửa đổi. Dựa trên luật sửa đổi ấy, chúng tôi đề nghị bắt tiếp các đối tượng, cả người Việt lẫn người Tây, khi họ “hiếp dâm và thực hiện hành vi tình dục khác” với trẻ em nam. Họ bị đi tù, đi tù xong, những người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam.

- Có những vấn đề khi được báo chí lên tiếng tạo hiệu ứng ngay, nhưng sau đó lại tái diễn. Như vậy theo ông, nhà báo phải làm gì?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Xã hội mà, có những căn bệnh trầm kha, có những việc giống như bắt cóc bỏ đĩa. Chẳng hạn, chúng tôi nói mãi về việc người vô gia cư, người bị lạm dụng tình dục, việc bán người… mà nó có giảm đâu. Tất cả những vụ tôi tố cáo đều bị xử lý hết, nhưng sau đó nó vẫn tái diễn. Nhưng nếu như không nói, coi chừng nó còn tăng nữa.

Chẳng hạn như chuyện lạm dụng tình dục bé gái, bé trai, nếu như không tố cáo thì chắc chắn số lượng càng nhiều. Khi tôi tố cáo thì các cháu cũng bị lợi dụng rồi. Nhưng qua đó, chúng ta có thể lo công ăn việc làm cho các cháu, giúp  các cháu tỉnh ngộ. Thậm chí, cái quan trọng như tôi vừa nói là có thể giúp thay đổi luật để tình trạng không thể tái diễn với các nạn nhân khác, hoặc khi xảy ra việc đau lòng thì cơ quan chức năng có căn cứ pháp lý để xử lý làm gương, xử lý một cách có sức mạnh răn đe nhất. 

Chúng tôi muốn tiến đến một việc là nâng cao nhận thức cho cộng đồng thông qua những câu chuyện đó. Nếu ngày mai nó tái diễn thì tôi lại tiếp tục tố cáo. Tức là chúng ta tạo nên một con đường để cho sự việc đi theo chiều hướng tốt hơn thông qua bài báo đó.

Thực sự là tôi rất ước mơ, nếu như tiêu cực đã được chấm dứt thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm duy trì sự ổn định đó chứ đừng để nó tái  diễn. Nó tái diễn là do cơ quan chức năng. Chúng tôi mong muốn sẽ đến một ngày chúng ta quy trách nhiệm cụ thể ai là người để tái diễn, ai là người bảo kê cho vấn đề đó. Điều này chúng tôi đang làm.

Cho nên, nhà báo hãy cứ chiến đấu. Người ta bảo, trên thế giới vốn không có đường, cứ đi mãi thành đường. Vấn đề là luôn tìm ra một đối pháp, một giải pháp cho sự việc.

Hãy đốt lên một que diêm, để sưởi ấm và truyền cảm hứng

- Để có những tác phẩm hay, theo ông cần hội tụ những yếu tố nào?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi nghĩ rằng, một người viết bút ký, phóng sự mà có tính chiến đấu, có tác động đến hiện thực, quan trọng nhất phải có lòng quyết tâm. Điều thứ hai là cần phải chuyên nghiệp. Mình “đánh” và bắt được nó thì nó cũng “đánh” và bắt mình được.

Mình viết 100 câu đúng, chỉ cần 1 câu sai là đã đủ bị người ta kỷ luật, nhất là khi đánh vào quan chức có dấu hiệu tha hoá. Cho nên chúng tôi luôn cẩn thận và chuyên nghiệp, từ thiết bị, trang bị luật pháp trong đầu đến việc phải giữ mình trong sạch. Chúng tôi đánh tiêu cực luôn luôn bị cám dỗ từ tiền tài, đút lót, đủ các loại, kể cả mỹ nhân kế… nói chung đầy cạm bẫy, đầy mưu mẹo. Vì vậy chúng tôi luôn luôn phải cảnh giác.

Thực ra tôi vẫn có niềm tin mình thắng được họ, bởi vì ma thì luôn sợ người. Tôi tin mình chân chính thì luôn có người bảo vệ. Các anh công an, các chiến sĩ, chính quyền họ rất trân trọng những người dám chiến đấu. Thật sự khi bạn làm việc hết lòng bạn vẫn luôn được ủng hộ.

Tôi có một luật sư đã sát cánh cùng tôi, tôi hỏi là bọn nó giết anh rồi sao? Anh bạn nói nếu em bị giết thì cũng như em bị tai nạn giao thông thôi. Đi ngoài đường cũng có khi bị tai nạn giao thông chết, đi máy bay cũng có khi bị tai nạn máy bay. Em chiến đấu là em chấp nhận rủi ro nhưng em luôn cẩn thận. So với các cháu bị lạm dụng tình dục, bị hiếp dâm, bị bán buôn làm nô lệ tình dục, họ đau đớn, họ bị ám ảnh cả đời thì tôi biết là sự hy sinh của mình không là gì so với nỗi đau của các nạn nhân đâu. Nếu như xã hội ai cũng chiến đấu thì tốt đẹp biết bao. Cho nên, tôi muốn đốt thêm một que diêm, đốt lên một ngọn lửa, soi được chỗ nào thì soi, truyền được hơi ấm cho ai thì truyền. Cái quan trọng hơn nữa, là để xã hội cùng tin và hơi ấm, cùng nhóm lên những ngọn lửa khác nữa.

- Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội khá nhiễu loạn, nhiều khi người ta không phân biệt đâu đúng, đâu sai, với vai trò là nhà báo, mình làm gì để định hướng dư luận xã hội, thưa ông?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Mạng xã hội hoành hành là có thật. Điều quan trọng là nhà báo phải nâng cao nhận thức cho người dân. Nhà báo phải kịp thời đưa thông tin về chuyện ấy cho người ta đọc, dĩ nhiên người ta sẽ tin những tờ báo chính thống hơn mạng xã hội (vấn đề là phải đưa tin trung thực). Nhà báo phải tìm cách đưa ra nhận thức cho người dân. Ví dụ có tin lan truyền về con trăn khổng lồ nuốt con bò, thì vấn đề ai nói câu chuyện đó? Ảnh đâu, ảnh có bị photoshop không? Công an nơi đó nói gì?  Giới khoa học địa phương nói gì?... Hoặc thông tin về việc ngành chức năng đã xử lý chủ facebook đưa tin thất thiệt ấy… Vậy là câu chuyện chấm dứt ngay.

Cho nên không chỉ trên mạng xã hội mà cả những câu chuyện ngoài xã hội, nhà báo cũng phải có vai trò định hướng dư luận và định hướng cho cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vấn đề.

Cũng có những câu chuyện mạng xã hội đưa là rất thật nhưng báo chí không nói được. Gặp trường hợp này nhà báo cũng nên tránh đi. Mình tuân thủ luật là dừng lại chuyện này, chứ không nói ngược lại.

- Gần đây nhiều sinh viên học ngành báo chí ra trường không có việc làm, xin Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho họ một lời khuyên?

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Các bạn thất nghiệp là do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng đôi khi lại chính là do các bạn. Tôi nghĩ rằng không nên đổ lỗi cho xã hội. Bởi vì, nếu các bạn thực sự giỏi thì các bạn sẽ được trọng dụng. Các bạn phải tự đào tạo mình và đào tạo ngay khi còn trong trường học. Ra trường là bắt nhịp được ngay. Chúng tôi phải tranh giành nhau những sinh viên giỏi. Tất nhiên không phải ai cũng giỏi được ngay nhưng vấn đề là ở các bạn. Các bạn phải năng động, phải luôn có ý thức học tập, phải rèn luyện mình thực sự chuyên nghiệp. Chưa bao giờ xã hội mở như bây giờ, nếu các bạn muốn học có đầy đủ thứ để học. Vì vậy, thất nghiệp hay không là do các bạn tự quyết định cho mình.

- Xin cảm ơn Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng!./.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976, tại Hà Nội, là cây bút chuyên về phóng sự điều tra, công tác lâu năm cho Báo Lao Động. Ông được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn. Ông từng đoạt nhiều giải báo chí quốc gia và giải thưởng báo chí, văn chương khác.

Năm 2015, Đỗ Doãn Hoàng được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra chống lại nạn giết hại, buôn bán động vật hoang dã. Ông đã xuất bản 26 cuốn sách (gồm truyện ngắn, truyện vừa, tạp văn, ghi chép, bút ký, phóng sự điều tra). Tham gia thỉnh giảng môn bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường đại học, cao đẳng, các cơ quan báo chí tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước.

 

Trang Anh - Thuỳ Trâm

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).