ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-7-25 16:31:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Báo Cà Mau Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Khi kể về ông ngoại mình, là cụ Lê Khắc Xương, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), Kiến trúc sư Mai Lê Minh có nhắc đến tên “chùa Cộng sản” nghe là lạ, khiến tôi tò mò.

Nhưng ông Minh phân trần, chỉ nghe mẹ ông và mấy người lớn tuổi trong dòng họ bảo, đó là nơi ông ngoại mình từng tổ chức họp hội bí mật, còn chi tiết thế nào ông không rõ. Những người lớn tuổi biết chuyện giờ hầu hết đã về với tổ tiên...

“Ngôi chùa” không tiếng mõ...

May mắn thay, tại đám giỗ một người trong dòng họ, ông Minh giới thiệu chúng tôi gặp Nhạc sĩ Lê Lương (người gọi cụ Lê Khắc Xương bằng ông chú ruột), là người ít nhiều biết được thông tin về những hoạt động của cụ gắn với “ngôi chùa” này.

Nhạc sĩ Lê Lương tuổi đã gần 90, nhưng còn rất minh mẫn. Theo lời kể của ông, “chùa Cộng sản” thực chất là ngôi thờ tự mà cụ Lê Văn Hiền (thân phụ của Lê Khắc Xương) dựng nên để tu tại gia vào những năm cuối đời, toạ lạc bên bờ kênh Rạch Rập, cạnh con rạch Nàng Âm (thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước ngày nay).

Cụ Hiền là người có ý chí, cần mẫn khai phá đất đai, tạo lập được cuộc sống khá giả, nuôi dạy 8 người con. Cụ sống giản dị, chân tình, luôn quan tâm, sẻ chia cùng bà con, làng xóm. Nhưng cụ cũng là người khá bảo thủ, từng cấm các con học chữ quốc ngữ vì sợ làm tay sai cho Tây, đồng thời cũng nghiêm cấm con cái làm “quốc sự”.

Cụ Lê Văn Hiền, thân sinh cụ Lê Khắc Xương, người lập “chùa Cộng sản”. (Ảnh gia đình cung cấp)

Cụ Lê Văn Hiền, thân sinh cụ Lê Khắc Xương, người lập “chùa Cộng sản”. (Ảnh gia đình cung cấp)

Thế nhưng, con út cụ là Lê Khắc Xương (sinh năm 1904) lại là một người có ý chí mạnh mẽ. Từ nhỏ, Lê Khắc Xương đã bộc lộ khí chất quyết liệt, vượt khỏi khuôn phép gia đình, sau này thì dấn thân vào con đường cách mạng.

Thuở thiếu thời, vốn không thích học chữ nho nhưng thông minh nên Lê Khắc Xương lĩnh hội rất nhanh những điều thầy dạy. Cậu bé phải kiên trì nài xin hơn một năm mới được cha cho vào học trường làng. Nhưng không may, đến giữa năm lớp 2, cụ Hiền phát hiện thầy giáo có dạy chữ “Tây” cho con mình, thế là Lê Khắc Xương bị bắt về tập làm những công việc của nhà nông, không được bén mảng đến trường thêm ngày nào nữa.

Năm 18 tuổi, vì không muốn kết hôn với người xa lạ do cha mẹ sắp đặt, Lê Khắc Xương đã rời quê nhà lên Cần Thơ và làm thuê cho một cơ sở tranh sơn mài. Thời gian này, ông tranh thủ tự học thêm chữ quốc ngữ, dành nhiều thời gian đọc sách báo, giao du với những người có học thức, quan sát thời cuộc và bắt đầu con đường hoạt động cách mạng.

Chân dung cụ Lê Khắc Xương. (Ảnh gia đình cung cấp)

Chân dung cụ Lê Khắc Xương. (Ảnh gia đình cung cấp)

Ðến năm 1930, ông trở về làng Thạnh Phú, tích cực truyền bá tư tưởng độc lập, vạch rõ con đường giải phóng dân tộc, đấu tranh chống áp bức, bất công... đồng thời giới thiệu những tấm gương yêu nước tiêu biểu đến người thân, bạn bè và đặc biệt là thế hệ con cháu trong dòng tộc.

Bấy giờ ông đã lập gia đình với người mình chọn. Vì vi phạm vào điều cấm kỵ của cha, Lê Khắc Xương bị truất quyền thừa tự nên cuộc sống khá vất vả. Dẫu vậy, ông vẫn kiên định với lý tưởng đã theo đuổi và luôn nhận được sự đồng hành, sẻ chia từ người vợ.

Năm 1935, cụ Lê Văn Hiền mất, cụ bà Nguyễn Thị Biên lập vi bằng giao quyền thừa tự lại cho Lê Khắc Xương. Bấy giờ, ông đã dùng chính ngôi nhà từ đường của gia đình tại rạch Bà Ðiều, xã Thạnh Phú (nay thuộc ấp Xóm Lớn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) làm địa điểm tổ chức hội họp và liên lạc với các nơi. Giữa năm 1936, để đảm bảo bí mật, ông đã sử dụng ngôi thờ tự của cụ Hiền làm nơi hội họp và che mắt địch bằng cách bố trí các đám giỗ của những người trong họ tộc.

Nơi này, từng đón tiếp các đồng chí: Nhật Quang (cán bộ Xứ uỷ), Tào Văn Tỵ, Nguyễn Văn Tạo, Phan Ngọc Hiển, Văn Trung Thành, Bùi Thị Trường... những cán bộ tiền khởi nghĩa, từng làm nên một thời cách mạng sục sôi ở vùng đất Nam Bộ - Cà Mau.

Người dân trong vùng lúc đầu không biết, ban đêm đi ngang nơi này thấy có ánh đèn lập loè, có tiếng thì thào... họ đồn đại ở đó có ma, là "binh” của ông cụ. Về sau, khi biết đây là nơi tụ họp của những người cách mạng, họ gọi ngôi thờ tự này là “chùa Cộng sản”.

Bà Nguyễn Thị Cẩn, vợ cụ Xương, cũng đóng vai trò hậu cần, lo liệu cho chồng và các đồng chí ông. Theo chỉ đạo của tổ chức, Lê Khắc Xương và vợ còn thành lập một cơ sở sản xuất gây quỹ tự túc cho tổ chức và đoàn thể hoạt động.

Ðến năm 1939, khi Lê Khắc Xương và nhiều đồng chí ông bị bắt, bị lưu đày ở Bạc Liêu, Sài Gòn, Côn Ðảo, Bà Rá... thì “chùa Cộng sản” cũng không còn hoạt động.

Tự hào truyền thống gia tộc

Giữa đầu năm 1945, hay tin Nhật đảo chính Pháp, Lê Khắc Xương vượt ngục trở về tiếp tục khôi phục cơ sở cách mạng. Tháng 7/1945, Tỉnh uỷ lâm thời khu vực Bạc Liêu thành lập, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều chức vụ: Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (chính thức), Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, Phó giám đốc Sở Ngân khố Nam Bộ...

Năm 1954, khi diễn ra sự kiện tập kết, ông làm Trưởng ban Tập kết của tỉnh, sau đó xuống tàu đi tập kết theo sự sắp xếp của cấp trên. Ngày thống nhất đất nước, tuổi cao, ông nghỉ hưu và về quê sống thanh đạm cho đến khi mất, năm 1978. Theo nguyện vọng, ông được an táng tại khu mộ gia tộc, bên cạnh song thân ở quê nhà (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước).

Kiến trúc sư Mai Lê Minh chia sẻ, suốt cuộc đời, ông ngoại mình luôn sống giản dị, hy sinh cả lợi ích cá nhân cho lý tưởng cách mạng. Dù có giai đoạn bị hàm oan, bị quên lãng, nhưng cuối cùng, thời gian và lịch sử đã trả lại cho ông sự trong sạch và niềm tự hào.

Nhạc sĩ Lê Lương xúc động kể, cụ Lê Khắc Xương là người đầu đàn trong dòng họ đi theo cách mạng, truyền cảm hứng cho biết bao con cháu tiếp bước. Từ đó, dòng họ Lê có nhiều người hoạt động cách mạng, không ít người đã hy sinh. Sau này, rất nhiều con cháu học hành thành đạt và có những đóng góp nhất định cho đất nước. Có một số giữ chức vụ cao về mặt chính quyền, quân đội... Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau hiện nay, ông Lê Văn Sử, cũng là con cháu trong dòng họ.

Nhạc sĩ Lê Lương (người thứ tư từ trái sang) cùng con cháu trong họ tộc trong một lần họp mặt.

Nhạc sĩ Lê Lương (người thứ tư từ trái sang) cùng con cháu trong họ tộc trong một lần họp mặt.

Cũng theo Nhạc sĩ Lê Lương, sau năm 1945, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Khắc Xương đã chủ trương thành lập Trại Nhi đồng - Trường Thiếu nhi, Thiếu sinh quân Huỳnh Phan Hộ (tại ấp Tân Hoà, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi ngày nay) để tập hợp con cháu của liệt sĩ, cán bộ đào tạo nguồn cho tương lai. Về sau trường dời sang bên kia sông Bảy Háp phát triển thành Trường Trần Quốc Toản của Nam Bộ. Ngôi trường này đào tạo rất nhiều con em cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam. Năm 1954, nhiều học sinh của trường được đưa ra Bắc học tập, rất nhiều người thành đạt ở tất cả các lĩnh vực. Phó giáo sư, Nhạc sĩ Ca Lê Thuần và hai người em Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Ca Lê Hồng thuở nhỏ cũng học ở trường này. Ông Lê Lương cũng là học sinh của trường và được thầy dạy nhạc là Huỳnh Tử Cao (Nhạc sĩ Thanh Trần, đã hy sinh) dạy nhạc. Ðó cũng là nền tảng để sau này ông theo con đường âm nhạc và có nhiều sáng tác phục vụ kháng chiến.

Thêm một điều khiến dòng họ này rất tự hào, họ chính là hậu duệ của Tả quân Lê Văn Duyệt - một danh tướng triều Nguyễn và cụ Lê Khắc Xương chính là cháu đời thứ 5. Truyền thống ấy, như một dòng chảy thiêng liêng, khiến mỗi người con trong họ tộc phải nhắc mình sống cho xứng đáng.

Một ngày đến thăm nơi “chùa” xưa, lặng nhìn những tảng đá rêu phong còn sót lại, chợt nghe như trong gió tiếng thì thầm của một thế hệ đã qua. Và tôi chợt ước mong, câu chuyện này một ngày nào đó sẽ được nhắc lại bằng bia đá, để đời sau không quên rằng: Nơi đây từng hiện diện “ngôi chùa”, có một thời không tiếng gõ mõ, tụng kinh, mà chỉ vang lên lời thề vì đất nước./.

 

Trang Thăm

 

Đại lễ 30/4 - Đất nước trọn niềm vui

​Chúng ta đang cùng nhau sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Mốc son chói lọi này đang được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, và niềm xúc động ấy lan tỏa diệu kỳ trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt rực cháy tại TP. Hồ Chí Minh - thành phố vinh dự và tự hào được mang tên vị lãnh tụ kính yêu.

Huyện Vĩnh Lợi: Sôi nổi chuỗi hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1/5), huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức Giải đua xuồng ba lá năm 2025 trong không khí phấn khởi, sôi nổi và đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ.

Viết tiếp truyền thống vùng đất anh hùng - vững bước hội nhập và phát triển cùng đất nước

Cách đây 50 năm, ngày 30/4/975, Bạc Liêu giành lại chính quyền, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bạc Liêu 50 năm: Từ chiến trường đến những công trình thế kỷ

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày non sông thu về một mối - hành trình 50 năm là một bản hùng ca về ý chí kiên cường, sức sáng tạo và khát vọng vươn lên của Bạc Liêu khi đã biến những vùng đất từng nhuốm màu khói lửa thành những công trình, dự án mang tầm vóc thế kỷ, làm thay đổi diện mạo quê hương một cách ngoạn mục.

Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng

​Bạc Liêu có nhiều vùng đất từng là chiến trường ác liệt, oằn mình dưới mưa bom bão đạn, nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước đã trở thành những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cuộc sống người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ vững truyền thống cách mạng và hướng tới phát triển bền vững.

Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu

Những ngày này, cả nước đang hân hoan hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong dòng chảy lịch sử đặc biệt ấy, có một thế hệ được sinh ra đúng vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.

50 năm - Bạc Liêu chuyển mình theo sự phát triển của đất nước

​(Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tại họp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

​Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Những thắng lợi tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975 góp phần kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó, nghệ thuật tạo sức mạnh về lực lượng và thế trận là những nét đặc sắc tiêu biểu.