Huyện Năm Căn hiện có 30 trường học, trong đó có 10 trường mầm non - mẫu giáo, 11 trường tiểu học và 9 trường THCS; tổng số 314 lớp học, với 9.604 học sinh. Năm học 2023-2024, tổng biên chế được UBND huyện giao là 778 cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên, nhưng hiện tại toàn ngành giáo dục huyện chỉ có 662 người, thiếu 116 người so với chỉ tiêu biên chế.
>> Quan tâm đào tạo giáo viên kế thừa
>> Cần giải pháp hiệu quả giải quyết việc thiếu giáo viên vùng sâu
>> Khó tuyển dụng giáo viên Tin học
Bà Phan Thị Thảo Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Tam Giang), cho biết, trường có tổng số 56 trẻ, được chia thành 2 lớp học (1 lớp ghép chồi - mầm và 1 lớp lá). Với số lượng này, theo định mức nhà trường được bố trí 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng và 5 GV trực tiếp giảng dạy, chăm sóc trẻ. Hiện cán bộ quản lý đã đủ, nhưng trường chỉ có 3 GV, thiếu 2 so với quy định. Trong khi đó có 1 GV đang nghỉ hậu sản nên phải điều động Phó hiệu trưởng xuống đứng lớp, từ đó áp lực công việc ngày càng nặng.
Hiện tại, cấp tiểu học đang trong lộ trình thực hiện Thông tư 20 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức.
Ðoàn công tác Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh khảo sát lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Năm Căn. (Ảnh: Ðoàn khảo sát tại Trường Tiểu học Kim Ðồng).
Ông Lý Văn Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ðồng (xã Tam Giang), thông tin, nhà trường có 21 người, Ðiệp khúc thiếu giáo viên thiếu 6 so với quy định, trong đó có nhiều vị trí quan trọng như: phó hiệu trưởng, phụ trách công tác thiết bị, thư viện, Tổng phụ trách Ðội... Từ đó, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
“Ðơn cử như vị trí Tổng phụ trách Ðội, nếu đưa GV khác kiêm nhiệm thì phải chi trả chế độ tăng giờ, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của nhà trường”, ông Vũ bộc bạch.
Hiện tại, Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Tam Giang) thiếu 6 người so với quy định, trong đó có nhiều vị trí quan trọng. (Trong ảnh: Giờ ra chơi của học sinh nhà trường).
Bà Nguyễn Ngọc Khoa, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện, cho rằng, việc thiếu GV là do không có nguồn tuyển dụng. Những năm qua, có nhiều trường hợp GV bỏ việc do mức lương thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, cộng với áp lực công việc. Ngoài ra, có nhiều trường hợp do GV chuyển công tác đoàn tụ gia đình và GV nghỉ hưu. Bên cạnh đó, hiện tại địa phương chưa có chính sách đãi ngộ cho GV đang giảng dạy cũng như chính sách thu hút GV nơi khác về công tác.
“Theo kế hoạch tuyển dụng hằng năm, đơn vị thực hiện đảm bảo đúng thời gian, trình tự quy định, nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển ở các vị trí theo nhu cầu rất thấp, nhất là bậc mầm non”, bà Khoa chia sẻ.
Thực hiện Thông tư số 19 và Thông tư 20 của Bộ GD&ÐT, qua rà soát, việc thừa - thiếu GV là thực trạng chung ở hầu hết các cấp học trên địa bàn huyện. Cụ thể, đối với cấp học mầm non, định mức số người làm việc là 160 người, biên chế hiện có 124 người, còn thiếu 36 người. Cấp tiểu học thừa 54 giáo viên nhưng lại thiếu 64 người và ở cấp THCS thừa 8 giáo viên, nhưng lại thiếu 62 người. Những vị trí bị thiếu chủ yếu là phó hiệu trưởng, giáo vụ, tư vấn học sinh, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; thư viện - quản trị, nhân viên văn thư và nhân viên y tế.
Ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện, đề xuất cấp trên có giải pháp hỗ trợ địa phương giải quyết thực trạng thừa - thiếu GV, nhân chuyến khảo sát của Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh tại huyện vào trung tuần tháng 3 vừa qua.
Theo ông Võ Văn Hành, Phó chủ tịch UBND huyện, theo biên chế giao thì toàn huyện thiếu 116 GV, còn theo định mức thì thiếu đến 118 GV ở 3 cấp học. Tình trạng này cần có hướng giải quyết. Ðối với tình trạng GV thừa - thiếu, cần mở các lớp tập huấn để đảm bảo vị trí việc làm, trong đó rất cần có sự hỗ trợ của tỉnh, nhất là vai trò tham mưu của Sở GD&ÐT.
“Phòng GD&ÐT tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng và trình kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục hằng năm. Rà soát, đặt hàng đào tạo đối với các trường cao đẳng, đại học theo nhu cầu của các trường. Bên cạnh đó, địa phương cần có chính sách ưu tiên thu hút trong việc tuyển dụng, đặc biệt là đối với GV mầm non, các trường ở xã vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn”, bà Khoa nhấn mạnh./.
Văn Tưởng