ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 09:47:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Được mùa” xây cầu, làm lộ

Báo Cà Mau (CMO) Dưới cái nắng chang chang đầu mùa khô, những chiếc cần cẩu xúc đất hoạt động hết công suất, những chiếc xe tải nối đuôi nhau tập kết vật tư thành từng đống, một số công nhân tranh thủ ăn vội bữa trưa dưới bóng cây... Đó là hình ảnh nhộn nhịp, tất bật đang diễn ra tại các công trình xây dựng lộ trên địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Võ Văn Liêu hớn hở: “Chưa năm nào làm lộ giao thông “sung” như năm nay. Từ đầu năm tới giờ đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 công trình với chiều dài hàng chục cây số, tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Chưa hết đâu nghen, từ nay tới cuối năm còn xây dựng thêm những công trình cầu, lộ mới”.

Nối tiếp những công trình

Nâng cấp, mở rộng tuyến lộ liên xã Nguyễn Phích - Khánh Lâm.

Tranh thủ mùa khô sau Tết Nguyên đán năm nay, xã Nguyễn Phích khẩn trương thi công một số công trình lộ đã được phân khai vốn. Theo đó, các công trình Bắc kênh Zê Rô, Đông kênh Tư, tuyến Nam Cái Bông Lớn… với tổng chiều dài 9.810 m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông Ba Liêu tâm đắc, trong 6 công trình giao thông đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng thì giải ngân xong 5 công trình, còn lại 1 công trình đã lập xong hồ sơ báo cáo về huyện để chờ giải ngân. Địa phương làm theo phương pháp cuốn chiếu, xong công trình nào thì giải ngân và thanh quyết toán dứt điểm công trình đó.

“Địa phương tranh thủ từ nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, như nguồn vốn phát triển đất trồng lúa, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn huy động đối ứng của Nhân dân… với tổng số tiền 5,66 tỷ đồng”, ông Ba Liêu cho hay.

Đến nay, xã Nguyễn Phích có trên 130 km lộ giao thông, trong đó có tuyến lộ liên huyện U Minh - Thới Bình xuyên qua địa bàn xã. Đáng phấn khởi có những con lộ len lỏi vào tận lâm phần rừng tràm, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Ông Nguyễn Văn Hậu, Ấp 11, xã Nguyễn Phích cho biết: “Tuyến T29 được tỉnh quan tâm xây dựng con lộ rộng 6 m nối liền với xã Khánh Lâm, phía bên đây bờ thuộc Xóm Rẫy cũng có lộ. Trước đây, nông dân bán dây thuốc cá, bán nông sản phải vận chuyển bằng đường thuỷ. Bây giờ thì khác rồi, lộ làng thông thoáng, bà con đi lại, giao thương dễ dàng”.

Bên cạnh xây dựng mới thì việc duy tu, sửa chữa công trình lộ giao thông đã được chính quyền và Nhân dân xã Nguyễn Phích đồng lòng thực hiện. Được biết, từ đầu năm đến nay đã duy tu, sửa chữa 2 công trình lộ nông thôn tuyến Nam Phó Nguyên và Đông Cái Tàu với chiều dài 7.800 m, tổng kinh phí 700 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2018. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay xã Nguyễn Phích vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm xây dựng 5 cây cầu bê tông, trị giá trên 430 triệu đồng.

Hướng mở hạ tầng giao thông

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Lê Trung Kiên cho biết, hiện tại địa phương đang triển khai thi công 2 công trình lộ nông thôn với chiều dài 2.490 m (tuyến Ông Khẹn - Thầy Hoàng dài 1.740 m và tuyến Thầy Hoàng - Bảy Hộ dài 750 m) từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018, với tổng nguồn vốn trên 447 triệu đồng. “Thời điểm này đã bước vào mùa khô, thuận lợi cho việc xây dựng lộ; vì thế, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo chuẩn bị mọi điều kiện để tiến hành xây dựng các công trình đã được phân khai vốn theo đúng tiến độ”, ông Kiên cho biết thêm.

Thời gian qua, xã Nguyễn Phích đã triển khai xây dựng nhiều công trình cầu, lộ nhưng chưa gặp vướng mắc, trở ngại đáng kể nào trong công tác giải phóng mặt bằng. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBMTTQ xã Nguyễn Phích Đào Phong Mây chia sẻ: “Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, người dân thấy được lợi ích mang lại từ công trình lộ giao thông là góp phần phát triển kinh tế, tạo điều kiện đi lại và giao thương thuận lợi, diện mạo nông thôn khởi sắc… nên bà con rất đồng tình”.

Trước khi thi công xây dựng lộ, UBND xã Nguyễn Phích tổ chức họp dân công khai thông tin về dự án công trình, tổng mức đầu tư, kết cấu lộ... Theo đó, thành lập ban giám sát cộng đồng, đảm bảo cơ cấu thành phần theo quy định để giám sát chất lượng công trình. Ông Lê Minh Đương, Ấp 10, xã Nguyễn Phích, cho biết: “Do người dân được cung cấp đầy đủ thông tin về kết cấu công trình lộ nên rất dễ dàng trong khâu giám sát. Mọi người đều có quyền theo dõi, giám sát thi công đoạn lộ đi ngang qua phần đất của mình. Nếu thấy không đảm bảo chất lượng công trình thì báo với chính quyền xử lý”.

Những kết quả đạt được về xây dựng hạ tầng giao thông của xã Nguyễn Phích được xem là mô hình điểm để các xã của huyện U Minh nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm. Tuy vậy, ông Lê Trung Kiên vẫn băn khoăn: “Xã Nguyễn Phích có địa bàn rộng, với 20 ấp, phần lớn diện tích thuộc lâm phần rừng tràm, dân cư sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao nên gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Sắp tới, xã tiếp tục huy động nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông từ các chương trình, dự án gắn với quan tâm duy tu, sửa chữa các công trình đã được xây dựng nhằm đảm bảo sử dụng lâu dài”.

Tại vàm Khai Hoang, công trình cầu dân sinh đầu tiên của huyện U Minh đang chuẩn bị hợp long, chiếc cầu chẳng những nối liền đôi bờ sông Cái Tàu mà còn liền mạch tuyến lộ liên huyện U Minh - Thới Bình. Đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả cho bài toán khó về nguồn vốn xây dựng cơ bản mà nhiều địa phương đang đối mặt./.

Trong 2 năm (2017-2018), xã Nguyễn Phích xây dựng hoàn thành 9 công trình lộ nông thôn, tổng chiều dài 11.560 m, kinh phí đầu tư 8,13 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương trên 3 tỷ đồng, vốn tỉnh 887 triệu đồng, vốn huyện 3,4 tỷ đồng, vốn huy động dân đóng góp 799 triệu đồng, nâng tổng số chiều dài lộ giao thông trên địa bàn xã 130 km. Vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân xây mới 17 cây cầu bê tông, trị giá trên 1,1 tỷ đồng.

Đỗ Chí Công

Nhiệm vụ mới của ngành công an dần đi vào nền nếp

Nếu như thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn trong khâu vận hành khi mới tiếp nhận công việc từ Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng), thì đến thời điểm này, các đầu công việc trong thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Ðội Sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh) dần đi vào nền nếp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Hỗ trợ đăng ký thành lập, hoạt động doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương, kế hoạch và chỉ đạo của tỉnh về việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Sở Kế hoạch và Ðầu tư (nay là Sở Tài chính) đã chỉ đạo, phân công bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện TTHC về đăng ký thành lập và hoạt động của DN. Tuy nhiên, do thủ tục phát sinh khá nhiều và quy trình thực hiện thủ tục đăng ký DN trên môi trường mạng còn phức tạp, cần sự hỗ trợ kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của DN, cải thiện Chỉ số PCI tỉnh.

Ðổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả kiểm tra

Kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành CCHC, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Vì thế, công tác kiểm tra không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh.

Hoạt động ổn định, thông suốt sau sáp nhập

Ðầu năm 2025, toàn tỉnh có 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 206 tổ chức bên trong. Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sau khi sắp xếp, toàn tỉnh hiện còn 13 cơ quan với 159 tổ chức bên trong, bao gồm 68 phòng, 12 chi cục và tương đương, 79 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 5 cơ quan chuyên môn và 47 tổ chức bên trong).

Ðơn giản thủ tục hành chính theo hướng thực chất

Cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho tổ chức, cá nhân là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Ðiều đó khẳng định quyết tâm của tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

Tích hợp sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VneID

Ðể đẩy nhanh việc tích hợp sổ sức khoẻ điện tử (SSKÐT) trên ứng dụng VNeID, góp phần để người dân được hưởng lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến dịch Tích hợp SSKÐT trên ứng dụng VNeID.

Cà Mau quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Bám sát chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Cà Mau khẩn trương, quyết liệt trong triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, gắn với mục tiêu giảm đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cà Mau tăng hạng nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố "Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023". Theo đó, tỉnh Cà Mau là địa phương được đánh giá là tỉnh tăng hạng nhiều nhất về DTI trong năm 2023 với vị trí 35/63 tỉnh, thành cả nước.

Vì một nền hành chính linh hoạt và toàn diện

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cà Mau luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số. Vì thế, công tác CCHC luôn được thực hiện xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, hướng đến nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 4/2/2025 ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025.