ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 20:44:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Phượt” Mũi Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Cũng lâu lắm rồi tôi không ngồi cao tốc về Ðất Mũi. Là dân vùng sông nước, dễ mấy ai quên được một thời, tàu tốc hành, cao tốc là phương tiện chủ lực để vận chuyển hành khách, hàng hoá về những nơi còn cách trở đò giang.

Cũng chỉ mới 5, 7 năm thôi mà Bến tàu B nhộn nhịp ngày nào giờ đìu hiu quá. Làm một bức “tự sướng” đăng Facebook, người anh đồng nghiệp nay đã nghỉ công tác “còm men” lại: “Chỗ đó, anh có nhiều kỷ niệm. Những chuyến công tác, rồi những chuyến đưa đón người quen”. Vài chiếc tốc hành chỉ còn chở hàng hoá, 2 chiếc cao tốc đậu đợi “tài”. Nhớ nhung cảm giác bồng bềnh trên sông nước, tôi làm một chuyến “phượt” xuôi về Ðất Mũi Cà Mau...

Kể từ khi đường Hồ Chí Minh thông xe về Ðất Mũi (năm 2015), tôi đi về nơi đây nhiều đến mức không nhớ nổi. Vậy mà mất đến 6 năm sau, tôi mới lại đi cao tốc về đây. Ðất Mũi giờ thì quá nổi tiếng rồi, nhất là đà phát triển mạnh mẽ của du lịch. Khách đến đa phần lựa chọn đường bộ vì thuận tiện, nhanh chóng. Chỉ số ít chọn đi ca nô, hoặc cao tốc nhưng thường là bao trọn chuyến. Còn để trải nghiệm đi cao tốc chạy bến, theo tuyến bán vé đầu khách thì hiếm lắm.

Lúc trước, bến cao tốc đi Ðất Mũi nằm mé bên này sông Gành Hào, thuộc Phường 7, nay dời hết về Bến tàu B, thuộc Phường 8. Nó khác xa với ký ức về cảnh người người bon chen, tàu tốc hành, cao tốc xếp chật bến; mấy chú xe ôm nhốn nháo mỗi bận có “tài” ghé vì tranh giành nhau chuyện “xí” khách. Kể ra, hồi đó ớn mấy chú xe ôm ấy lắm, vì nhiều khi cãi chưa đã, mấy ông quay sang "choảng" nhau luôn. Nhưng giờ nhớ lại cảnh ấy lại thấy vui vui, vì nó là ký ức sinh động nhất về thời hoàng kim của những "ông vua" trên sông nước: Tàu tốc hành và cao tốc.

Cao tốc duy nhất còn chạy tuyến Ðất Mũi là Ánh Ngọc, xuất bến đúng 8 giờ 10 phút tại Bến tàu B. Nếu tính theo băng ghế, cao tốc này chở ít ra cũng phải 40 người. Còn ngày trước, khách vừa ngồi băng 3, vừa bắc ghế súp, chở 50 người ngon ơ. Vậy mà ngó thoáng qua, tôi đếm được 7 khách. Vui hơn là khách toàn mấy cô "sồn sồn", có cô nhìn tôi cười: “Giờ người ta đi xe chớ ai đi cao tốc? Mấy cô già, đi bổ đồ, nhà cặp mé sông nên đi cho tiện thôi!”. Tôi chỉ cười rồi nói: “Dạ, lâu quá không đi cao tốc, đi lại cho đỡ nhớ!”. Thì ra, các cô đều là khách quen của cao tốc, hầu như tuần nào cũng đi vài bận.

Cao tốc xuôi sông Gành Hào, tới Hoà Trung, quẹo về phía kênh xáng Ðội Cường. Trên đầu tôi là những cây cầu mới, nối xứ Ðầm Dơi với Cái Nước, Cà Mau. Các tuyến sông lớn Cà Mau giờ thưa thớt xuồng ghe. Cao tốc chỉ chạy tốc độ cầm chừng vì phải tốp ga lại để qua mặt mấy cái sà lan chở vật liệu xây dựng khẳm mẹp. Rồi thì tới Chà Là, với bánh bao ngon nức tiếng. Ðâu rồi những chiếc xuồng be kèm vừa lắp máy đuôi tôm, vừa có đôi chèo. Mỗi bận cao tốc ghé, người mời mua nước, mua bánh bao Chà Là thơm náo nức. Tôi nhớ mùi bánh bao Chà Là những bận cao tốc ghé chuyến chiều, trời mưa tầm tã. Chỉ cần nồi bánh bao mở nắp, lòng dạ ai cũng rộn rạo lên. Cảm giác đó giống như khi trời mưa chiều, cúm núm kêu, bụng dạ cồn cào, bơi riết chiếc xuồng về nhà, ăn bữa cơm mẹ nấu. Còn bây giờ, chỉ một chị từ trên bờ bước xuống rao vội vã câu: “Ai bánh bao Chà Là không...?”.

Sông Cửa Lớn. Ảnh: QUỐC RIN

Thế rồi vội vã, cao tốc lại rời bến, đi tiếp hành trình. Vẫn là Cái Keo, Cả Nẩy, Năm Căn, Nhưng Miên, Ông Trang, những doi vịnh ngày nào, nhưng sao những nhánh sông trở nên mênh mông quá. Nhưng có một điều thật diệu kỳ, đó là sự hồi sinh của màu xanh ven sông. Thời hoàng kim, cao tốc, tàu tốc hành, xuồng ghe chạy ngày đêm, đôi bờ những con sông ngày càng lở lói. Có những nhà sống ven sông vì xói lở phải dời 3, 4 xác nhà. Còn bây giờ, những vạt rừng mắm xanh um, bờ sông bồi bãi thoai thoải. Vậy là khi con người trả lại cho sông, cho bến bờ sự yên bình vốn có, chẳng cần một dự án, một công trình nào, thiên nhiên tự có cách làm liền thẹo những vết thương, tái sinh ngoạn mục. Tôi lại miên man nghĩ về chữ “thuận thiên”, được coi là kế sách lâu dài của vùng đất chín rồng. Nói cho cùng, chẳng qua là chỉ ra cho con người cách biết tôn trọng tự nhiên, trả lại tự nhiên những gì vốn có.

Khi gần đến bến tàu chợ Ðất Mũi, chị chủ cao tốc Ánh Ngọc cho tôi biết: “Buổi chiều không có chuyến cao tốc về Cà Mau”. Thôi thì đường bộ xe cộ thiếu gì. Chỉ tiếc là thất hứa với mấy đứa con ở nhà dặn mua bánh bao Chà Là về ăn cho biết. Vậy là tôi đến Ðất Mũi từ phía những dòng sông. Gặp Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi Võ Công Trường, anh hỏi đi bằng gì, tôi nói đi cao tốc, anh cũng ngạc nhiên. Anh Trường cùng quê xứ Ðầm, thú thiệt với tôi là cũng rất lâu rồi không đi cao tốc. Anh tính, hôm nào đi một chuyến mới được.

Ðất Mũi vừa được công nhận là đô thị loại V, đang tăng tốc để về đích mục tiêu nông thôn mới trong năm nay. Nhiều người thắc mắc, Ðất Mũi nổi tiếng vậy mà sao xây dựng nông thôn mới chậm, trầy trật. Nhưng khi ngồi tâm sự với vị chủ tịch mới thấy thông cảm, chia sẻ những khó khăn của địa phương. Như chuyện phát động xây dựng cảnh quan môi trường, xã Ðất Mũi làm thí điểm một số tuyến hoa kiểng, hàng rào cây xanh bài bản, đẹp mắt. Ðùng một cái, triều cường dâng, rồi hoa kiểng, hàng rào xanh chết ráo trọi. Ngó đi ngó lại, tiêu chí môi trường vẫn là bài toán mà Ðất Mũi chưa biết tính sao cho trọn.

Trong câu chuyện, anh Trường tiết lộ, có ngày tiếp 18 cơ quan báo chí để nói về chuyện du lịch. Vậy nên, tôi cũng né khéo. Thông tin mới anh cho tôi biết là Ðất Mũi mới ghép lại các ấp, từ 15 ấp xuống còn 11 ấp. Nhiều người tới Ðất Mũi, rành chuyện ngắm bình minh và hoàng hôn từ một chỗ, cột mốc toạ độ đất liền kinh độ, vĩ độ ra sao, đi ra Hòn Khoai gần cỡ nào. Ai cũng biết du lịch Ðất Mũi có trải nghiệm gì, ẩm thực độc đáo, sản vật, quà tặng phong phú. Thế nhưng, hiếm ai hỏi và biết về cửa biển lớn nhất của Ðất Mũi.

Vậy là tôi đi về phía cửa Vàm Xoáy. Nơi đây từng là điểm nóng về sạt lở, người dân bất chấp, đánh đổi nguy hiểm tánh mạng, gia sản vì sinh kế. Thật vui, vì phía chóp Vàm Xoáy, những hộ dân từng liều mạng bám trụ đều tự nguyện về khu tái định cư Kinh 5 ở sâu trong đất liền. Vàm Xoáy trước đây thuộc ấp Kinh Ðào Tây, giờ ghép lại thuộc về ấp Mũi. Vừa trúng mùa cá lẹp vàng, cá khoai, cuộc sống của bà con nơi đây giờ đã thư thái hơn. Gặp ông Nguyễn Thành Nhân, nhà ở rìa cửa Vàm Xoáy, đang tất bật thu gom cá lẹp vàng nguyên liệu để chế biến khô, ông ngập ngừng: “Nói chung sống cũng khoẻ, nhưng còn lo tới mùa nước lên...”.

Hộ ông Nguyễn Thành Nhân ven cửa Vàm Xoáy sống khoẻ với nghề làm khô cá lẹp vàng. Ảnh: QUỐC RIN

Hẹn xe lúc 3 giờ chiều, tôi rời Ðất Mũi về Cà Mau. Vậy là chuyến “phượt” giáp một vòng từ đường sông qua đường bộ. Ðất Mũi không còn xa xôi, cách trở nữa, đang hừng hực khí thế phát triển. Vậy nhưng, nơi đó không chỉ có đất lấn biển như những câu thơ, ca từ, lời văn tươi đẹp một cách mặc định. Phía đất chóp cùng của cực Nam Tổ quốc còn đó những trăn trở về câu chuyện mà hàng ngày, hàng giờ chúng ta đang nhắc tới: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai khốc liệt. Tôi lại nghĩ về chữ “thuận thiên”, về thái độ, cách ứng xử của con người với tạo hoá.

Ðất Mũi mãi mãi là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, xứ sở của cây đước, cây mắm, của biển cả. Vin vào những điều cốt lõi ấy, Ðất Mũi sẽ trường tồn mà không cần đến bất cứ sự khiêng ép, cưỡng cầu, toan tính đánh đổi nào. Mà Ðất Mũi còn, nghĩa là người Việt Nam có một nơi chốn thiêng liêng để trở về./.

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.