(CMO) Chán làm nông, chuyển sang đi biển. Làm giàu từ nghề biển rồi trở thành người chuyên bắt tội phạm. Rồi từ sự tín nhiệm của người dân, ông Kiệt được bầu làm trưởng khóm. Lý lịch của ông Lê Minh Kiệt, Trưởng Khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân có thể tóm gọn như thế.
Nói tới bắt tội phạm, hẳn nhiều người sẽ mường tượng đến người có diện mạo to cao, vai u thịt bắp. Nhưng thực tế thì không, “người hùng” của thị trấn Cái Đôi Vàm là người đàn ông ngoài tứ tuần, gương mặt hiền hậu và thân mình thấp bé. Dẫu chưa một ngày được đào tạo nghiệp vụ, nhưng tài bắt trộm, cướp của ông Kiệt không thua kém những người được đào tạo nghiệp vụ bài bản. Số lần ông xả thân bắt trộm, cướp ở thị trấn rất nhiều, có cả tội phạm truy nã toàn quốc.
Góp sức xây dựng quê hương
Đầu những năm 2000, ngư dân Cái Đôi Vàm trúng mùa lớn. Đi biển một lần, chủ ghe cầm gọn cả trăm triệu đồng như chơi. Bởi vậy, người tứ xứ đổ về kiếm kế sinh nhai. Ngặt cái, số người làm nhiều mà phá cũng tăng. Và mặc dù giao thông cách trở nhưng nhà trọ cứ thế mọc lên như nấm, dẫn đến tình hình an ninh trật tự hết sức hỗn tạp. Người dân ở đây đã quen với việc đón buổi sáng bằng tiếng la thất thanh hay tiếng khóc nức nở vì trộm “ghé thăm”. Dạo khắp thị trấn cũng ít thấy người ta chăn nuôi gì vì không khéo sẽ nuôi bọn vô công rỗi nghề.
Ông Lê Minh Kiệt nhiều lần được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. |
Ở tình thế ấy, thị trấn Cái Đôi Vàm xuất hiện một người. Bôn ba ngoài biển vài năm, xây cất được nhà cửa khang trang, ông Kiệt “gác kiếm” để chuyên tâm tham gia hoạt động của địa phương. Xuất phát điểm ông làm công an khóm. Và ông bỗng hoá thành “người hùng”. Câu chuyện là thế này…
Sau khi ngư dân Lê Minh Kiệt tham gia công tác tại địa phương, chỉ sau thời gian ngắn, ông đã rành rọt số hộ và nhân khẩu có trong khóm. Ngày nào cũng vậy, vừa mới rạng đông, ông đã có mặt ở quán cà phê tại cửa biển để "tám", thực chất là để nhận dạng người lạ xuất hiện. Nhờ vậy mà ông đã "tóm" được nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Lúc đầu ông Kiệt chỉ phá những vụ nho nhỏ, như trộm vặt hay trộm đột nhập vào nhà rồi thông báo cho công an địa phương bắt giữ.
Ông Kiệt cười cười: “Mấy tên trộm vặt là người trong xóm chớ đâu ai xa lạ. Mà trong khóm này, tôi rành lý lịch từng người một. Khi vụ việc xảy ra, tôi khoanh vùng vài đối tượng khả nghi rồi theo dõi chúng. Bởi ăn được một lần sẽ có lần thứ hai nên chúng sẽ quen tay mà trộm tiếp. Ngặt nỗi, mấy tên này “ngủ ngày cày đêm” nên tôi cũng vất vả với bọn chúng lắm. Có vụ tôi theo dõi vài ngày thì phát giác, nhưng có vụ ròng rã cả tháng trời”.
Nhớ lại lần đầu phối hợp với Công an huyện Phú Tân và Công an tỉnh Kiên Giang truy bắt tội phạm hình sự, ông Kiệt tâm sự: “Lúc đó, tôi có chút hồi hộp, lo lắng bởi tâm lý ai cũng muốn yên thân, ngại đụng chạm đến những đối tượng nguy hiểm. Nhưng nếu ai cũng vậy thì xã hội đến bao giờ mới ổn. Nghĩ thế nên tôi vững tinh thần và xông xáo vào cuộc”.
Nhận được tin báo mật phát hiện tội phạm truy nã đã gây án ở tỉnh Kiên Giang hiện đang lưu trú tại Cái Đôi Vàm, qua hình ảnh của Công an Kiên Giang cung cấp, ông Kiệt biết ngay đối tượng này đang đi bạn cho một chủ ghe trong thị trấn. Rà rê thăm dò tin tức, ông xác định được số ghe mà đối tượng đang đi.
Để tránh tội phạm phát giác rồi tìm cách tẩu thoát, công an ở nhà ông chờ tin. Còn ông thì đến nhà chủ ghe để xác nhận chính xác thời gian ghe biển vào bờ. Do là người địa phương nên việc ông đến nhà thăm hỏi thường tình như cơm bữa nên không ai hồ nghi.
Đối tượng này đã tạm trú vài tháng nên ông cũng đã vài lần trò chuyện. Ghe vừa cập bến, ông nhanh chóng thông tin cho lực lượng chức năng, còn ông thì cố bình tĩnh, lân la đến chào hỏi tội phạm với mục đích “câu giờ”. Như kế hoạch, tội phạm truy nã sa lưới gọn hơ mà không phải tốn quá nhiều công sức.
Thế là cái duyên bắt tội phạm truy nã dính vào ông. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã 3 lần liên tiếp phối hợp tóm gọn tội phạm truy nã toàn quốc.
Giúp người "tay lỡ dính chàm"
Ông Kiệt tâm tình: “Tôi nghĩ, muốn địa phương phát triển, điều trước nhất phải xây dựng được gia đình văn hoá. Nếu gia đình tốt thì xã hội mới tốt được. Mà ngặt nỗi, đặc thù ở đây là vùng biển, các ông chồng thường xuyên xa nhà nên không có thời gian giáo dục con cái. Bởi thế, đa phần bọn trẻ ở lứa tuổi vị thành niên thường ham chơi, đua đòi rồi sa vào tệ nạn xã hội. Đành rằng địa phương đã khuyên giải nhiều lần, nhưng các cháu vẫn không tiến bộ, buộc lòng tôi phải viết đơn gởi các cháu vào trường giáo dưỡng để nâng cao nhận thức”.
Giúp người thì giúp cho trót, ông Kiệt đã tạo nhiều việc làm cho các trẻ từng lầm lỗi khi ra trại giáo dưỡng có việc làm ổn định. Ông là người có uy tín ở địa phương nên việc gởi gắm các em tham gia làm nghề biển hoặc vào các doanh nghiệp nhỏ không khó.
Mỗi người chọn một lý tưởng sống, hoài bão để bản thân phấn đấu và đạt được. Và ông Lê Minh Kiệt đã dành trọn tình yêu thương cho xứ biển này và xem đó là điều hạnh phúc nhất./.
Phùng Ngọc Trầm
|