(CMO) Trao đổi với phóng viên về các điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên, tân sinh viên, thầy Trịnh Huỳnh An, Phân hiệu phó Thường trực, Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau, thông tin: “Nhà trường từng thực hiện giảm 15% học phí cho sinh viên trong cả học kỳ 3 năm học trước. Năm học mới 2021-2022, nhà trường tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí cho tân sinh viên làm thủ tục nhập học và phân kỳ đóng học phí thành nhiều lần để giảm mối lo cho phụ huynh.
![]() |
Hiện Cà Mau chưa thu học phí, đây là giải pháp giảm áp lực trong năm học đặc biệt này. Ảnh: VĂN ÐUM |
Ðến trường từ nguồn vốn vay
“Ðối với việc xác nhận cho sinh viên trường được tiếp cận nguồn vay học sinh, sinh viên (HSSV) theo quy định của Chính phủ, chúng tôi đã nỗ lực kết nối và đơn giản hoá thông qua môi trường Internet”, thầy An chia sẻ.
Ông Hồng Hoài Hận, Phó trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau, thông tin: “Ðối với tiếp cận vốn vay HSSV, chúng tôi luôn nhất quán giải quyết đúng đối tượng, đúng thời gian. Riêng sinh viên ở Phân hiệu Ðại học Bình Dương tại Cà Mau, chúng tôi xem xét về pháp lý, việc này thuận lợi sẽ rút ngắn thêm quy trình xác nhận sinh viên để bổ sung hồ sơ nhanh hơn so với các năm trước”.
Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 51/1998/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình này thực sự trở thành chương trình lớn, đi vào cuộc sống. Ðến ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg về tín dụng đối với HSSV.
Từ khi thực hiện chương trình đến nay, Cà Mau đã giúp hơn 4.588 lượt hộ gia đình được vay vốn; với 4.878 sinh viên đến trường học tập, số tiền vay 136 tỷ 726 triệu đồng. Riêng 8 tháng đầu năm nay có 265 HSSV được vay vốn, với số tiền 3.697 triệu đồng.
“Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, không để một HSSV nào vì khó khăn về tài chính phải bỏ học”, ông Hận cho biết.
Chương trình tín dụng đối với HSSV có ý nghĩa nhân văn cao đẹp và tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
“Hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn rất đồng tình ủng hộ và khẳng định, nếu không có chương trình tín dụng chính sách này của Chính phủ thì con em họ không thể đến trường, theo đuổi ước mơ học tập để có cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống trong tương lai”, ông Hận chia sẻ.
Ðến nay, NHCSXH tỉnh đã có 2.571 tổ tiết kiệm vay vốn trên khắp các ấp, khóm trong toàn tỉnh, cùng với 101 điểm giao dịch lưu động tại xã là những nhân tố quan trọng, có tính quyết định đến kết quả thực hiện chương trình này trong suốt thời gian qua, góp phần thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, xã hội hoá hoạt động của tín dụng chính sách.
Những kết quả trong thời gian qua đã triển khai thực hiện khẳng định chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình thực sự có tính nhân văn sâu sắc. Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước, do vậy đã tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Ðây là chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hoá cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện.
Ðồng hành trong đại dịch
Bước vào năm học mới, do dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội, nên việc sinh viên liên hệ nhà trường xin giấy xác nhận HSSV làm thủ tục vay vốn sẽ khó khăn.
Ngày 15/9/2021, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ GD&ÐT; Bộ LÐ-TB&XH chỉ đạo các trường học, cơ sở đào tạo tạo điều kiện cung cấp kịp thời giấy xác nhận theo Mẫu 01/TDSV gửi qua đường bưu điện cho HSSV đang theo học tại trường để làm thủ tục vay vốn.
Sinh viên Võ Huỳnh Như, Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau, cho biết: “Vì năm nay khó khăn nên khi biết chủ trương, gia đình em đã liên hệ địa phương và được hướng dẫn lập thủ tục”.
“Chương trình tín dụng đối với HSSV là chương trình có tính chất xã hội hoá cao, từ lúc cho vay đến khi thu hồi nợ. Ðối tượng thụ hưởng rộng, thời gian dài, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn. Ðể nguồn vốn thực sự phát huy hiệu quả, hạn chế thấp nhất rủi ro, tăng nhanh vòng quay vốn, giúp nhiều thế hệ HSSV nghèo, hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng, đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, hộ gia đình và HSSV, người được hưởng lợi từ chương trình phải cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát sử dụng vốn vay, đặc biệt là trách nhiệm trả nợ tiền vay đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết với ngân hàng”, ông Hồng Hoài Hận chia sẻ.
Trở lại với bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, chẳng ai dám cam kết là bao giờ sẽ kết thúc. Vậy liệu rằng nếu dịch kéo dài, lựa chọn tốt nhất bị bỏ qua, thì HSSV của Cà Mau vì những vấn đề khó nhất thời mà thôi luôn việc học? Hay là một lựa chọn khác: cứ làm, cứ gặp khó khăn mà tháo gỡ?
Một năm học đầy khó khăn trong đại dịch Covid-19 đang dần thông thoáng từ cơ chế, chính sách đến thủ tục hành chính và hướng tiếp cận đang mở ra. Với những bước phát triển mới của ngành giáo dục, sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành thì những thử thách cam go hiện nay không là rào cản. Như đã và đang diễn ra, cái mới hơn, nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn sẽ thành hình, mở hướng tương lai. Sự nghiệp trồng người lại khởi đầu và hoà chung dòng chảy cuộc sống.
Thầy Trịnh Huỳnh An cho biết: “Những năm trước, việc xác nhận sinh viên của trường phải lập nhiều bước, như tổng hợp nhu cầu, gởi về trụ sở chính ở Bình Dương, sau đó ký tên, đóng dấu và gởi ngược lại Cà Mau. Với quy trình này năm nay rất khó thực hiện. Do đó, chúng tôi đang đề xuất xem xét lại tính pháp lý và đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian, quy trình”. |
Quốc Rin - Phong Phú