ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 03:18:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

27 lần "trao đời sự sống"

Báo Cà Mau Hồ Quý Nhi hiến máu lần thứ 20 trong chương trình “Giọt hồng tri ân” tại Hà Nội của Chiến dịch quốc gia Hành trình Đỏ 2014.

Năm 2012, Hồ Quý Nhi là 1 trong 100 cá nhân tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mời ra Hà Nội vinh danh người hiến máu tình nguyện (HMTN). Ðến nay, số lần HMTN đã là 27 lần, và “sở hữu” nhiều bằng khen, giấy khen từ cấp tỉnh đến Trung ương cả về thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN và trong công tác vận động HMTN.

Là cán bộ Ban Phong trào Thanh niên Tỉnh đoàn và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Nụ Cười Hồng (trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Cà Mau), Quý Nhi khá bận rộn với công việc, những chuyến công tác xa nhà và những chuyến hành trình “cho đi hạnh phúc”, thế nên lịch hẹn với cô bạn thời đại học này cứ phải dịch chuyển. Mãi đến hôm Nhi kết thúc chuyến giao lưu giữa thanh niên Việt Nam - Hàn Quốc, do Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 24/5-4/6 tại các thành phố lớn của Hàn Quốc, Nhi mới dành cho tôi buổi trò chuyện cởi mở.

Hồ Quý Nhi hiến máu lần thứ 20 trong chương trình “Giọt hồng tri ân” tại Hà Nội của Chiến dịch quốc gia Hành trình Đỏ 2014.

Nhi nói vui: “Ði riết ăn cơm “bụi” nhiều hơn cơm nhà. Nhưng ba mẹ Nhi vẫn luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho Nhi. 27 tuổi, nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn cháy, Nhi sẽ vẫn cứ đi như một đam mê…”.

Ðam mê ấy được hun đúc từ khi Quý Nhi còn học tiểu học. Khi ấy, Nhi yêu thích hoạt động Ðội và đã đăng ký tham gia sinh hoạt các lớp năng khiếu, CLB Búp Sen Hồng, Hoa Phượng Ðỏ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Nhi từng tham gia ghi hình, biểu diễn và giao lưu với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và là gương mặt ảnh bìa của nhiều tờ báo lớn như: Nhi Ðồng, Hoa Học Trò, Ðất Mũi... trong nhiều năm liền. Ðược tín nhiệm bầu là Liên Chi đội phó của trường rồi lên trung học tiếp tục giữ vị trí Uỷ viên Ban Chấp hành Ðoàn trường. Rất nhiều danh hiệu mà “bông hoa nhỏ tài năng” từng đạt được từ cấp tỉnh đến toàn quốc là: Thiếu nhi kể chuyện Bác Hồ, Vẻ đẹp tuổi thơ toàn quốc, danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh, Bí thư Chi đoàn tiêu biểu…

Với nền tảng công tác Ðoàn từ khi còn học phổ thông, vừa năm đầu tiên học tập tại Trường Ðại học Tây Ðô (TP Cần Thơ), Nhi đã tìm hiểu và đăng ký tham gia vào các hoạt động của chi đoàn và Ðoàn khoa. Với vai trò là Phó Bí thư Ðoàn Khoa Kỹ thuật - Công nghệ, Nhi đã tổ chức nhiều hoạt động phong trào, tình nguyện, tập huấn, giao lưu văn hoá văn nghệ cho sinh viên, đoàn viên trong trường. Một trong hoạt động trọng tâm là việc tuyên truyền vận động HMTN.

“Nhi hiến máu lần đầu tiên cũng trong năm này, vì muốn động viên các bạn sinh viên, Nhi đăng ký là người tiên phong cho các bạn trong lớp, hiến máu tại Nhà Thiếu nhi TP Cần Thơ, mặc dù thời điểm đó chưa nhận thức sâu sắc về nghĩa cử cao đẹp này. Cho đến khi Nhi được tư vấn nhiều hơn và từ đó tìm hiểu nhiều hơn về phong trào HMTN, Nhi quyết tâm gắn bó và trở thành Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giọt máu hồng tại trường”, Quý Nhi tâm tình.

Hiến máu 3 lần/năm, trong suốt 4 năm đại học, Nhi đã tăng số lần HMTN thêm 12 lần. Kể từ lần HMTN đầu tiên năm 2007 đến nay, Quý Nhi đã hiến được 27 lần, trong đó có 3 lần hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân.

Cô tình nguyện viên đã có 9 năm kinh nghiệm vận động hàng trăm người tham gia HMTN, bộc bạch: “Bản thân Nhi sức khoẻ rất tốt nên Nhi tâm niệm, những việc mình làm được cho xã hội dù rất nhỏ bé, nhưng còn sức mình sẽ còn làm”. Và lý do gắn bó với các hoạt động “tình nguyện đỏ” của Nhi là những lần hiến máu trực tiếp, thấy những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc của người nhà bệnh nhân được cứu sống, là sự ám ảnh mà Nhi tận mắt chứng kiến về sự ra đi trong đau thương, nuối tiếc của những người mang bệnh ngặt nghèo… Những hình ảnh đó luôn làm Nhi cảm thấy mình cần cố gắng nhiều hơn nữa trên con đường thiện nguyện này. Nó là động lực để Nhi tiếp tục phấn đấu những khi mệt mỏi, chùn chân.

Năng nổ, nhiệt huyết, Quý Nhi trở thành gương mặt thân quen không chỉ với hoạt động HMTN, mà với rất nhiều chương trình thiện nguyện từ miền Nam ra đến miền Trung, miền Bắc và cả nước ngoài. Mỗi một nơi Nhi đến lại có một điểm khác biệt, từ tính chất chương trình đến những hoàn cảnh cụ thể tại từng địa điểm, tất cả giúp Nhi có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống. Và đặc biệt, mỗi chuyến đi lại mang về tình cảm của rất nhiều bạn bè, có rất nhiều bạn nhỏ tuổi và rất tài năng, Nhi cảm thấy mình học hỏi thêm được rất nhiều điều để khi trở về có thể áp dụng với tổ chức mình đang làm việc và truyền cảm hứng cho thành viên trong nhóm.

Nhi nhớ mãi kỷ niệm về một chuyến đi tại Lâm Ðồng, tận mắt chứng kiến ngôi trường dột nát, cửa trước không có, cửa sau trống huơ, không cổng rào, không đủ bàn để học, học sinh thì không có được cái áo trắng, cái cặp nguyên vẹn nhưng các em lại vô cùng lạc quan, ham học. Ðiều đó khiến Nhi nhận ra rằng, là tuổi trẻ, hạnh phúc có được nhiều thứ để cho đi, để cống hiến, thì hãy ra sức giúp đỡ các em có hoàn cảnh như thế, để các em có điều kiện tốt hơn, tránh bỏ dở việc học hành.

 “Bạn bè biết đến Nhi còn với một danh xưng thân thương là “Cánh én kết nối yêu thương”, Nhi nghĩ gì về điều này?” - Quý Nhi nở nụ cười rạng rỡ: “Ðó là sau lần Nhi vinh dự được chọn là 1 trong 20 gương mặt tình nguyện viên tiêu biểu được tham dự buổi lễ trao giải thưởng Tình nguyện Chim én “5 năm hành trình vì một Việt Nam nhân ái” tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô. Thiệt ra, đối với công tác xã hội, Nhi cũng chỉ là tân binh, được tham gia đề cử giải thưởng là điều rất vinh dự và là động lực cho Nhi tiếp tục. Tham gia Chim én, Nhi làm quen được rất nhiều đội, nhóm tình nguyện trên khắp cả nước, học hỏi các mô hình hoạt động của các anh chị. Và cũng chính nhờ lần tham gia Chim én này, khi trở về Nhi đã sáng lập CLB thiện nguyện Nụ Cười Hồng và hoạt động hiệu quả đến hiện tại”.

“Ðối với Nhi, 1 lần hay 27 lần cũng như nhau. Một người lần đầu đi hiến máu và người hiến thường xuyên cũng đều xuất phát từ tấm lòng muốn cứu người. Chỉ là Nhi có cơ hội, thời gian và sức khoẻ để tham gia thường xuyên hơn. Khi đi hiến máu, đặc biệt là hiến máu trực tiếp (trường hợp khẩn cấp), Nhi luôn có một cảm xúc vô cùng đặc biệt, một niềm hy vọng máu của mình sẽ đến và cứu những bệnh nhân cần máu. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Tất cả mọi người có đủ hiểu biết, có đủ sức khoẻ thì hãy cùng nhau góp một phần sức của mình để cứu người bệnh. Bởi vì máu là không thể thay thế, cho dù bạn có tiền cũng chưa chắc mua được. Giúp người và chăm sóc tốt cho sức khoẻ của bản thân mình trước, việc nhỏ nhưng ý nghĩa, đó là bước đầu để bạn cống hiến sức mình cho quê hương đất nước”, Quý Nhi chia sẻ.

Nhi cho biết, CLB Nụ Cười Hồng được lập ra nhằm kết nối các bạn học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên trong và ngoài tỉnh có cùng trái tim tình nguyện, cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ và đem đến nụ cười cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hằng năm, CLB tổ chức nhiều chương trình, hoạt động vui chơi, tặng quà cho các điểm trường tiểu học còn nhiều khó khăn, có nhiều học sinh vượt khó học giỏi. Cụ thể, gần 3 năm CLB đã tổ chức 16 chương trình lớn tại các trường tiểu học, các trung tâm bảo trợ, trao hơn 3.600 phần quà và học bổng, với tổng trị giá hơn 330 triệu đồng.

Ngoài ra, CLB đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi, người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo và vận động hỗ trợ cất nhà Nụ Cười Hồng; trong đó có 5 trường hợp hỗ trợ lâu dài, với tổng kinh phí đến nay là 91 triệu đồng. Song song đó, vận động các đối tượng học sinh, sinh viên hiến hơn 300 đơn vị máu.

“Hạnh phúc là cho đi, đó là tâm niệm của CLB Nụ Cười Hồng nói chung và bản thân Nhi nói riêng. Ðối với Nhi, công việc tình nguyện và những gì Nhi đã làm được chỉ là hạt cát trên sa mạc và Nhi luôn tâm niệm mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để tiếp sức những mảnh đời cần được giúp đỡ. Nhi hy vọng dùng trái tim mình đem đến nụ cười cho những người có hoàn cảnh khó khăn, dù là nhỏ nhoi, để họ có thêm động lực, lòng tin vượt qua nghịch cảnh.

Làm tình nguyện không phải vì cái danh. Làm thiện nguyện để các bạn cảm nhận được xung quanh mình còn quá nhiều bất công, quá nhiều đau khổ, để các bạn thấy được mình thật sự rất may mắn khi có gia đình, bạn bè, có cơm ăn áo mặc. Cho đi nụ cười đến những mảnh đời, các bạn cũng đem về biết bao tình cảm và hạnh phúc, hạnh phúc khi được sẻ chia. Nhi nghĩ, giới trẻ hiện nay rất năng động, tài giỏi, tuy nhiên điều các bạn thiếu chính là trải nghiệm thực tế. Vì vậy, hoạt động tình nguyện là một môi trường vô cùng cần thiết để các bạn trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng và nuôi dưỡng cái tâm trong, trí sáng của chính mình”, Quý Nhi bày tỏ.

Ông Ngô Minh Thung, Uỷ viên Thư ký Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh Cà Mau, ghi nhận: “Với thành tích 27 lần HMTN, Hồ Quý Nhi là người hiến máu tiêu biểu của tỉnh với số lần hiến máu nhiều nhất và sẽ tiếp tục duy trì hiến máu định kỳ. Ðây là nghĩa cử cao đẹp, đầy ý nghĩa nhân văn. Ngoài thành tích đáng nể trong phong trào HMTN và vận động HMTN, Quý Nhi còn được biết đến là người dẫn chương trình tài năng, tuyên truyền viên nhiệt tâm, cán bộ Ðoàn gương mẫu… Sắp tới, Cà Mau sẽ thành lập CLB HMTN của tỉnh, Quý Nhi sẽ là gương mặt tiêu biểu được mời với sự tín nhiệm cao, góp phần tạo nên sức lan toả sâu rộng trong phong trào HMTN của tỉnh nhà”./.

Bài và ảnh: Băng Thanh

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.