Trên đà chiến thắng giòn giã khắp chiến trường miền Nam, với phương châm tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã của Quân uỷ Miền, trong tháng 2 và 3/1975, quân và dân trong tỉnh đã tiêu diệt và bứt rút 29 đồn bót, loại khỏi vùng chiến đấu hơn 700 tên địch. Từ đó, vùng giải phóng được mở rộng, tạo thế liên hoàn giữa các huyện, hình thành thế bao vây cô lập địch ở thị xã Cà Mau và các chi khu, phân chi khu, làm tiền đề cho lãnh đạo tỉnh chủ trương phát triển lực lượng lớn mạnh vượt bậc, toàn diện, tiến tới tự lực giải phóng tỉnh nhà.
Trên đà chiến thắng giòn giã khắp chiến trường miền Nam, với phương châm tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã của Quân uỷ Miền, trong tháng 2 và 3/1975, quân và dân trong tỉnh đã tiêu diệt và bứt rút 29 đồn bót, loại khỏi vùng chiến đấu hơn 700 tên địch. Từ đó, vùng giải phóng được mở rộng, tạo thế liên hoàn giữa các huyện, hình thành thế bao vây cô lập địch ở thị xã Cà Mau và các chi khu, phân chi khu, làm tiền đề cho lãnh đạo tỉnh chủ trương phát triển lực lượng lớn mạnh vượt bậc, toàn diện, tiến tới tự lực giải phóng tỉnh nhà.
Với thực lực 12 tiểu đoàn bộ binh, 4 đại đội pháo, trợ chiến và hàng chục tiểu đoàn xung kích đội quân tóc dài, một số phường đã thành lập Uỷ ban khởi nghĩa, mục tiêu tiến công là thị xã Cà Mau. Từ ngày 23/4/1975, các hướng tiến công chủ yếu là Bắc, thứ yếu là Đông và hướng phối hợp là Tây và Nam đã đồng loạt nổ súng. Ở hướng Bắc có Tiểu đoàn U Minh 2 do đồng chí Lê Ký Du (Tám Tính) làm Tiểu đoàn trưởng và Trịnh Văn Chắc (Tư Hải) làm Chính trị viên. Tiểu đoàn 4 do đồng chí Huỳnh Văn Truyện (Ba Luân) làm Tiểu đoàn trưởng, Đặng Thanh Hường làm Chính trị viên và Tiểu đoàn 13 đảm nhiệm.
Nhân dân Cà Mau đổ xô ra đường chào mừng quân cách mạng đã về. Ảnh: VÕ AN KHÁNH |
Ở hướng Đông thị xã có Tiểu đoàn U Minh 3 do đồng chí Lê Thành Tân (Năm Bạc) làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Phạm Ngọc Lợi làm Chính trị viên và Tiểu đoàn 5. Hướng Nam do Tiểu đoàn 9 và Đại đội pháo 84 đảm nhiệm. Ở hướng Tây do Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 10 đảm nhiệm. Tiểu đoàn 13 huyện Thới Bình làm lực lượng dự bị của tỉnh. Tiểu đoàn 12 huyện Châu Thành và Đại đội Công binh tỉnh đảm nhiệm tiến công Chi khu Quản Long (Tắc Vân) và các đồn bót tại Quốc lộ 4 mở cửa tiến thẳng vào thị xã.
Ở huyện Thới Bình, từ 5 giờ 30 ngày 23/4/1975, địa phương quân huyện kết hợp với Đại đội Pháo binh tỉnh và lực lượng an ninh vũ trang khu tập kích trận địa pháo Thới Bình, phá huỷ 3 khẩu pháo và 1 kho đạn, diệt hàng chục tên. Sáng 24/4, ta chặn đánh bọn Chi khu Thới Bình đi ứng cứu, diệt một số tên. Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 4 tập kích Tiểu đoàn Bảo an 847 đóng dã ngoại gần Đồn Năm Xứng, diệt và bắt sống gần 30 tên, thu 21 súng. Do Chi khu Thới Bình bị ta tấn công, uy hiếp, các Đồn Năm Xứng, Bốn Rừng do Đại đội Bảo an của Tiểu đoàn Bảo an 492 đóng giữ bỏ chạy, Nhân dân tiến vào san bằng đồn.
Tại huyện Châu Thành, lúc 4 giờ 30 phút ngày 23/4, một bộ phận của Tiểu đoàn U Minh 3 cùng bộ đội địa phương Châu Thành tiến công Phân chi khu Hoà Thành, diệt và làm bị thương gần 20 tên, thu 16 súng, đánh rã trung đội dân vệ, thu 7 súng. 8 giờ ngày 23/4, Tiểu khu An Xuyên đưa 7 tàu sắt chuyển Tiểu đoàn Bảo an 537 đi ứng cứu lọt vào trận địa của ta, 3 tàu bị bắn chìm tại chỗ, 2 chiếc bị thương, diệt 30 tên.
Cùng lúc, địa phương quân huyện Châu Thành tấn công Đồn Hàng Gòn, một bộ phận pháo của huyện pháo kích đồn Công-trôl, Xã Xứ. Ta vận động quần chúng ấp 4 cùng lực lượng công binh tỉnh xây dựng chướng ngại vật 150 m trên lộ 4.
Đợt tiến công của ta đã giành thắng lợi giòn giã. Vùng ven thị xã Cà Mau ta đã làm chủ, các lực lượng đã tiếp cận các cơ quan đầu não Tiểu khu An Xuyên.
Ngày 29/4, được lệnh của quân khu, cuộc tổng tiến công vào thị xã bắt đầu, Tiểu đoàn U Minh 3 tiến công vào Phân chi khu Hoà Thành lần thứ hai kết hợp quần chúng nổi dậy. Trong vòng 20 phút chiến đấu, ta giải phóng hoàn toàn Phân chi khu Hoà Thành, cửa ngõ hướng Đông Nam thị xã được mở.
Phía Bắc lộ 4, đêm 29/4/1975, Tiểu đoàn U Minh 2, Tiểu đoàn 4 và Đại đội pháo tiến công cùng một lúc vào Đồn Xi Cách và Đồn Cái Nhúc, Đồn Xi Cách bị tiêu diệt, Đồn Cái Nhúc đầu hàng. Ta bao vây tiến công Đồn Cầu Số 2, Phân chi khu Lộ Tẻ (Tân Thành), địch tháo chạy.
Phía Đông, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 5 tiến công tiêu diệt Đồn Ao Kho. Như vậy, tiếp theo cửa ngõ phía Đông, cửa ngõ Đông Bắc được mở sát vào Sân bay Cà Mau.
Ở phía Nam, ta tiêu diệt toàn bộ quân địch trên lộ xe Cà Mau - Cái Nước sát thị xã sáng 30/4/1975. Trưa 30/4/1975, Dương Văn Minh - Tổng thống nguỵ tuyên bố đầu hàng. Tình hình chuyển biến nhanh chóng, kế hoạch tiến công phải thay đổi. Lúc này, bọn nguỵ quyền ở Cà Mau phân hoá dữ dội, phần lớn đã tê liệt, chỉ còn một số sĩ quan chỉ huy làm ra vẻ hung hăng quyết chiến, tử thủ. Ta dùng máy thông tin vô tuyến gọi tên Đại tá Tỉnh trưởng Nhan Nhựt Chương buộc y phải đầu hàng và ra lệnh cho các chi khu còn lại nộp vũ khí. Tên Chương ngoan cố chần chờ xin đến sáng hôm sau sẽ thực hiện. Không chờ đến sáng, Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội ra lệnh cho các mũi từ 4 hướng kiên quyết tiến vào trung tâm thị xã. Rạng sáng 1/5/1975, tên Chương lên chiếc máy bay L19 trốn thoát.
6 giờ sáng 1/5/1975, bộ đội ta trên các hướng tiến thẳng vào nội ô thị xã, chiếm từng mục tiêu theo phương án tác chiến, kết hợp chặt chẽ với phong trào nổi dậy của quần chúng, buộc địch phải buông súng đầu hàng từng khu vực.
Ở phía Bắc thị xã, 7 giờ sáng, 3 Tiểu đoàn 2, 4 và 13 đã chiếm xong khu vực Khám lớn, giải thoát tù chính trị, phát triển qua Ty Đặc biệt, Toà Hành chính, Ty Nhân dân tự vệ, bãi để xe, trung tâm tuyển mộ, Ty Ngân khố và truy lùng bọn tàn quân ngoan cố trong phạm vi phụ trách.
Phía Tây, Tiểu đoàn 7, đúng 7 giờ, đã chiếm lĩnh gọi hàng quân địch ở Trại Cao Thắng, phát triển sang Trại Phạm Ngũ Lão. Đồng thời đưa 1 đại đội tiến thẳng hướng Cầu Số 1. Cùng lúc, Tiểu đoàn 8 tiến vào giải tán cơ quan Hội đồng xã An Xuyên và tiến thẳng vào nội ô. Tiểu đoàn 10 chiếm hậu cứ thám sát, hậu cứ Tiểu đoàn Bảo an 446, phát triển quan Ty Cảnh sát.
Phía Đông, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 5 chia thành 2 mũi, 1 mũi tiến thẳng từ sân bay mới, hậu cứ Trung đoàn Bộ binh 32, phát triển xuống Tiểu khu và Toà Hành chính; 1 mũi tiến thẳng vào sân bay cũ tiến qua trận địa pháo, qua Toà Hành chính đúng 7 giờ sáng.
Ở phía Nam, lúc 5 giờ sáng 1/5/1975, Tiểu đoàn 9 đã chiếm xong căn cứ hải quân, Ty Chiêu hồi và truy lùng những tên ngoan cố trốn tránh, quân địch ở các vị trí buộc phải nộp vũ khí đầu hàng. Trước đó, một số lớn binh sĩ mừng rỡ bỏ vũ khí, quần áo, giầy dép, bỏ ngũ trở về với gia đình.
Cùng với mũi tiến công của quân sự, mũi chính trị và binh vận phát động phong trào nổi dậy của Nhân dân vùng lên tự giải phóng. Hàng chục ngàn người được lực lượng vũ trang hỗ trợ từ các nơi kéo vào thị xã, biểu dương lực lượng, cùng với lực lượng tổng hợp tại chỗ trong nội ô, làm áp lực buộc địch phải đầu hàng giao toàn bộ chính quyền cho cách mạng.
Lá cờ chiến thắng của cách mạng đã tung bay trên nóc nhà Toà Hành chính Dinh Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên lúc 10 giờ ngày 1/5/1975, báo hiệu cuộc tiến công giải phóng tỉnh nhà của quân và dân Cà Mau đã toàn thắng. Tin vui chiến thắng từ đây lan toả khắp thị xã, đến từng ngõ ngách, phố phường, đến từng xóm, ấp nông thôn. Nhân dân thị xã hân hoan chào đón bộ đội, chào đón chính quyền cách mạng. Cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam rợp phố phường.
Cũng trong thời điểm ngày 1/5/1975, toàn bộ địch ở các chi khu, phân chi khu, đồn bót và chính quyền các cấp của địch trong tỉnh đều tan rã, đầu hàng. Tỉnh Cà Mau hoàn toàn được giải phóng.
Để ổn định tình hình, Tỉnh uỷ chỉ đạo thành lập ngay chính quyền Quân quản để quản lý, điều hành địa phương những ngày đầu mới giải phóng. Uỷ ban Quân quản do đồng chí Tống Kỳ Hiệp (Tám Khanh) làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tòng Bá (Út Điệp) làm Phó Chủ tịch và các uỷ viên. Chiều 1/5/1975, chính quyền Quân quản tổ chức mít-tinh tại sân Bạch Đằng, thị xã Cà Mau, chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng
Phúc An (theo Lịch sử 30 năm kháng chiến của quân và dân tỉnh Cà Mau)