60 năm đã trôi theo dòng lịch sử. Những cán bộ, học sinh có mặt trong đoàn tập kết đều nhớ như in cuộc chia ly nơi bến tàu sông Ông Đốc. Bởi hai năm hẹn ước đã trở thành hai mươi năm dài đằng đẵng.
60 năm đã trôi theo dòng lịch sử. Những cán bộ, học sinh có mặt trong đoàn tập kết đều nhớ như in cuộc chia ly nơi bến tàu sông Ông Đốc. Bởi hai năm hẹn ước đã trở thành hai mươi năm dài đằng đẵng.
Hôm đó là ngày 12/12/1954, cậu bé Cao Văn Phường, thuộc Tiểu đội Thiếu nhi kháng quốc, vừa tròn 14 tuổi. Trên 15 chiếc xuồng chèo, Cao Văn Phường cùng nhiều thiếu nhi khác từ căn cứ ngoại vi Cà Mau được đưa về địa điểm tập kết ở Cạnh Đền, Chắc Băng, để chuẩn bị ra miền Bắc, theo thoả thuận của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp.
Giáo sư - Viện sĩ Cao Văn Phường nhận hoa từ sinh viên Trường Đại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014. Ảnh: HỒNG NHUNG |
60 năm trôi qua, cậu bé Cao Văn Phường ngày xưa giờ đã là Giáo sư, Viện sĩ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, một trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, học sinh tập kết cũng đã trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo, doanh nhân tài ba… Nhiều người được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… làm rạng danh đất nước.
Trong lòng họ, ký ức năm nào như vẫn tươi nguyên.
Luyến lưu và tự hào
60 năm trước, bà Đàm Thị Ngọc Thơ (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ) cũng là một học sinh miền Nam tham gia tập kết ra Bắc. Giọng trầm trầm, bà Thơ kể: “Ngày xuống tàu, nơi cửa sông Ông Đốc thật rộn ràng. Cha - con, chồng - vợ, anh - em bịn rịn tiễn đưa nhau với những chiếc khăn rằn quấn vội, những giọt nước mắt lau nhanh, những nụ cười vui gượng. Khi chúng tôi bước lên tàu, những chiếc khăn và hai ngón tay (ngụ ý hai năm gặp lại) vẫn vẫy hoài, in sâu trong nỗi nhớ cho đến ngày hôm nay, dù lúc ấy tôi mới 13 tuổi”.
Bà Đàm Thị Ngọc Thơ đi tập kết theo diện con cán bộ cách mạng. Ba bà là Huyện uỷ viên huyện Hồng Dân thời chống Pháp. Hôm đưa bà đến điểm tập trung, ba dặn dò: “Con ra Bắc được gặp Bác Hồ, được học tập, không bao lâu đất nước thống nhất sẽ về”. Lời căn dặn của ba là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp bà vững niềm tin vào tương lai đất nước và ngày trở lại.
200 ngày tập trung tại khu tập kết, không khí rất náo nhiệt. Ông Cao Văn Phường kể: “Tôi nhớ nhất đêm cuối cùng trước khi lên tàu Pháp để ra Nhà Bè, lãnh đạo khu tập kết tổ chức văn nghệ giao lưu giữa quân và dân. Tôi cầm đàn ghi-ta lên sân khấu biểu diễn, vừa đàn vừa hát hai bài: Cấp đất cho dân cày và Tình đồng chí. Trên tàu, lính Pháp cũng trèo lên mui nghe hát. Tiếng vỗ tay vang dội làm tôi rất hưng phấn. Theo yêu cầu, tôi hát thêm hai bài nữa… Trong đêm hôm đó, có một cô bé trong đoàn thiếu nhi từ Cần Thơ, Sóc Trăng tham dự. Cô bé ấy sau này là bà xã tôi, kể lại: Lần đầu tiên tụi em từ ngoài thành vào, thấy anh vừa đàn vừa hát hay quá, em kêu lên với các bạn cùng ở trong lều: Tụi bây ơi, ra xem nè, có thằng nhỏ nó đàn hát hay quá chừng. Các bạn em ùa ra xem anh hát”.
Trong biết bao ký ức cả đau thương và tự hào, đó là một kỷ niệm đẹp mà mỗi lần nhớ lại, ông Phường đều cảm thấy lòng mình vô cùng ấm áp. Cô bé ngày xưa ấy đã bên ông đi gần hết đoạn đường đời, chia sẻ với ông bao thăng trầm trong cuộc sống.
Cuộc chuyển quân lịch sử
Ông Cao Văn Phường ngậm ngùi: “Trước khi tập kết, tôi xin phép anh Tiểu đội trưởng cho tôi được ghé thăm gia đình, thăm chị Hai Cao Kim Xuyến và chị Tư Cao Kim Anh. Chị Hai và chị Tư tôi sống chung. Ba má tôi, chị Ba và hai em tôi
đang ở trong chợ Kinh Kiểm, cách chợ Huyện Sử hơn 20 cây số, không ngờ hôm đó má bán hàng ở nhà lồng chợ. Cuộc hội ngộ với má trước khi xa cách là sự ưu ái của tạo hoá dành cho tôi.
Tôi mời các anh em trong tiểu đội đến chợ thăm má tôi. Má tôi là mẹ chiến sĩ, các anh gọi là má Năm. Thấy chúng tôi má mừng lắm. Má nói: Má có nấu nồi chè xôi nước với nồi cháo gà để đãi các con. Tôi ngồi cạnh má để giúp má tiếp các bạn tôi. Anh Phát, Tiểu đội trưởng, xúc động: Tụi con nghe em Phường nói ghé thăm chị Hai, nào ngờ được gặp má ở đây, được má ân cần chiêu đãi như thế này. Đây là một kỷ niệm chúng con không thể nào quên. Chúng con cảm ơn má, cảm ơn chị Hai và gia đình… Má tôi nghẹn ngào: Má mong các con thương yêu, giúp đỡ nhau khi sống xa gia đình ruột thịt. Các con nhớ giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập để sau này trở về xây dựng quê hương”.
Ông Cao Văn Phường bồi hồi kể tiếp: “Chị Hai tôi nói nhỏ với tôi: Em ra miền Bắc nhớ tìm anh Hai em (anh Hai là anh rể tôi). Em cần gì cứ đến gặp ảnh. Em còn nhỏ, xa gia đình, không có người thân, chị lo lắm! Rồi chị Hai đưa cho tôi chiếc khăn mùi xoa và chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ, nói: Em giữ chiếc khăn này, khi nhớ nhà đem ra ngắm nó, em sẽ thấy ba má và gia đình mình…”.
Ông đâu có ngờ, lần chia tay đó là lần gặp gỡ cuối cùng với người chị thân yêu. Năm 1956, chị Cao Kim Xuyến bị giặc bắt và hành quyết tại kinh Bảy. Còn em trai, ông Cao Tấn Mười (tự Mười Khởi), lúc ông đi tập kết, mới 7 tuổi. Mãi đến năm 1970, khi ông đang ở Ba Lan làm nghiên cứu sinh mới nhận được bức thư của em báo tin chị Hai mất, gia đình vẫn một lòng trung kiên theo cách mạng. Năm 1972, ông Cao Tấn Mười hy sinh trong trận giặc càn vào cơ sở dân y Rạch Giá…
Nâng niu những “hạt giống đỏ miền Nam”
Xa quê hương, xa gia đình, người thân, mấy ai không ngậm ngùi, lưu luyến, nhưng nỗi buồn chia ly đó đâu lớn lao bằng niềm tin, bằng lý tưởng cách mạng trong lòng người ra đi. Tất cả bước lên tàu với một quyết tâm sâu sắc, sẽ ra sức học tập để sau ngày đất nước thống nhất trở về xây dựng quê hương miền Nam.
“Nhân dân miền Bắc, cụ thể là thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá đã đón tiếp chúng tôi vô cùng chu đáo và nồng hậu. Thời tiết lạnh căm căm, người dân miền Bắc lúc ấy dù còn rất nghèo khổ và thiếu thốn, cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, nhưng những cán bộ, học sinh miền Nam thì lại được ưu ái đặc biệt. Chúng tôi có giường được lót rơm dày, có đầy đủ chăn bông, áo ấm và thức ăn. Người dân miền Bắc gọi chúng tôi là những hạt giống đỏ miền Nam. Không thể để chúng tôi thiếu thốn vì nếu chúng tôi bị đói là ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh chính trị ở miền Nam, ảnh hưởng đến công cuộc thống nhất nước nhà”, bà Thơ bộc bạch.
“Còn chúng tôi, năm anh em sống nhờ trong gia đình một cán bộ ở Quảng Xương, Thanh Hoá. Gia đình biết chúng tôi thích ăn khoai lang nên sáng nào cũng dành cho chúng tôi rổ nhỏ khoai lang luộc. Khoai lang củ còn non nhưng vì không có gạo nên phải nhổ sớm để ăn. Chúng tôi phát hiện ra chuyện này nên bàn nhau mỗi bữa bớt ra một phần cơm nhường cho các em nhỏ. Thế nhưng, cả nhà đều cự tuyệt không chịu nhận… Những tình cảm đó mãi mãi khắc ghi trong tâm tư tôi, theo tôi đi cùng năm tháng”, ông Cao văn Phường chợt nghe mắt mình cay cay.
Những ngày sống trên đất Bắc, không tránh khỏi những lúc nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ anh chị em cồn cào, da diết, nhưng những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam không hề nghĩ sẽ trốn trở lại quê nhà. Rồi họ xót xa khi nghe tin bọn giặc lê máy chém khắp miền Nam tàn sát cán bộ cách mạng, tàn sát đồng bào. “Chúng tôi rất đau khi hai năm cứ kéo dài, dài mãi…”, giọng bà Thơ đầy xúc động.
Vượt qua nỗi đau chia cắt, những cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra sức cống hiến, cùng Nhân dân miền Bắc đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Những học sinh miền Nam ra sức học tập, rèn luyện với một ước mong cháy bỏng, quyết tâm công tác, chiến đấu để mau thống nhất nước nhà, được trở về xây dựng quê hương.
Nhà giáo Ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ thường kể cho cháu ngoại nghe về những kỷ niệm ngày xưa qua những hình ảnh mà bà luôn trân trọng, giữ gìn. Ảnh: THUỲ TRÂM |
Trong sự chở che, đùm bọc của đồng bào miền Bắc, bà Thơ đã học hết chương trình phổ thông, rồi học xong đại học. Năm 1970, bà được điều động về dạy ở một trường học sinh miền Nam, dạy thế hệ các em là dũng sĩ, là nhân chứng chiến tranh, con em cán bộ cách mạng theo đường Trường Sơn ra Bắc. Sau ngày hoà bình, thống nhất đất nước, bà trở về miền Nam, nhiều năm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, thị xã Cà Mau. Còn ông Cao Văn Phường không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu, trở thành Giáo sư, Viện sĩ, đóng góp rất lớn cho ngành giáo dục nước nhà. Với Cà Mau, quê hương nặng nghĩa tình, từ năm 2009 ông đầu tư xây dựng Phân hiệu Đại học Bình Dương, đóng góp nhiều công trình phúc lợi xã hội tại địa phương. Đó là cách người con Cà Mau tri ân nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Đẹp mãi chữ tình
Sau ngày đất nước thống nhất, cả gia đình bà Đàm Thị Ngọc Thơ chuyển về Rạch Lùm sinh sống. Ngày đầu về con rạch khi xưa mình từng ở trong những ngày tập kết, bà cảm thấy xao xuyến trong lòng, bồi hồi như gặp lại người yêu cũ. Đôi mắt bà chợt xa xăm: “Tôi nhận ra nhà chú Ba Trọng nơi tôi ở những ngày trước khi xuống tàu. Má tôi nói, chú Ba vẫn kể với má có con bé độ 13 tuổi ở nhà ông, nhớ nhà nó cứ khóc hoài. Chú Ba đã mất, nhưng ngôi nhà, vạc lá, con mương trước nhà chú không có gì thay đổi. Hai năm trước, hội bạn học chúng tôi có tổ chức về thăm lại nơi này, tài trợ ngôi Trường Tiểu học ấp Rạch Lùm 30 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó”.
Năm 1993, ông Cao Văn Phường trở lại Năm Căn, Sông Đốc trong chuyến khảo sát sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhằm phục vụ chương trình đào tạo từ xa. Nhìn sông nước mênh mông và nhớ lại những chuyến tàu Liên Xô, Ba Lan cuối cùng vào đây đón đưa những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc, lòng ông bồi hồi xúc động: “Lúc đó tôi mơ ước sẽ mở một cơ sở đào tạo hàng hải trên bờ sông Năm Căn, nơi từng là căn cứ Hải quân Hoa Kỳ, hay Sông Đốc nhưng vì chưa có điều kiện và cũng chưa tìm được nơi liên kết để thực hiện”.
Nhiều năm sau đó, ý tưởng xây dựng cơ sở đào tạo hàng hải vẫn thôi thúc ông. Năm 2011, Trường Đại học Bình Dương đưa Hiệu trưởng Ongai và đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Liên bang Nga đi thăm Năm Căn, Sông Đốc, giới thiệu địa điểm dự kiến xây dựng cơ sở đào tạo hàng hải cho bạn, bạn rất ấn tượng…
“Dù việc hợp tác này đến nay vẫn chưa thực hiện được, nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày không xa, bến Sông Đốc ngày nào sẽ trở thành đô thị phát triển và có cả cơ sở đào tạo hàng hải tại đây”, ông Cao Văn Phường canh cánh…
Ký của Thùy Trâm