Hồi đầu năm nay, một anh bạn ở Hãng phim TFS của Đài Truyền hình Sài Gòn “a-lô” cho tôi từ Cà Mau, nhờ tôi tìm giúp một cô gái đội nón lá, mặc áo bà ba, quần lãnh đen, chèo xuồng ba lá. Anh ta đang quay phim tài liệu gì đó. Sau này mới biết, cảnh chèo xuồng mà anh muốn quay là để minh hoạ cho mấy câu thơ:
Ở đây là rừng và biển kề ở đó
Sóng dựng trước vàm trắng xoá trùng khơi
Dáng em nghiêng chèo trong mưa bay lất phất
Áo bà ba cất giấu một chân trời.
![]() |
Xuồng ba lá là phương tiện lưu thông phổ biến một thời ở vùng sông nước Cà Mau. Ảnh tư liệu |
Cà Mau thì người quen của tôi còn nhiều. Nhưng rốt cuộc, mất gần một tuần, tôi cũng không giúp được anh ta. Cô gái thì có, nón lá thì có, áo bà ba cũng có luôn, nhưng chiếc xuồng ba lá kiếm không ra. Xuồng composite na ná như xuồng ba lá thì cũng kiếm được, nhưng không có bổ chèo. Cặp chèo đước bây giờ không phải dễ kiếm. Đành thua. Nếu có một người dân Cà Mau nào đó vượt biên qua Mỹ, nghe được chuyện này chắc họ sẽ sửng sốt tự hỏi: “Cà Mau mà không có xuồng ba lá thì người ta sống cách nào?”.
Miền Tây Nam Bộ là vùng nhiều sông rạch hạng nhứt nước ta. Thế giới cũng không mấy nơi có như vậy. Về khoản sông rạch thì Cà Mau là nhứt miền Tây Nam Bộ. Nhớ chừng chừng thì đâu giữa những năm 1980, tôi có đưa ông nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường xuống tới xóm Mũi. Sau một ngày đường, khi tới nhà chú Ba Nhớ, phát biểu cảm tưởng đầu tiên của ông nhà văn Huế là, sông rạch Cà Mau phức tạp hơn lộ xe của thành phố Sài Gòn. Ở Sài Gòn, lỡ có đi lạc thì còn hỏi để biết đường về. Lạc trong mê cung sông rạch Cà Mau, chỉ có… chết!
Ngày nay, lộ xe đã đi tới mọi nơi trong tỉnh Cà Mau. Thành tựu đáng kinh ngạc này cũng chỉ mới có được chừng hơn ba chục năm trở lại đây thôi. Gần ba trăm năm trước đó, cư dân vùng đất này chỉ di chuyển bằng con đường duy nhứt: thuỷ lộ. Cho nên, ai đã đến đất này, muốn làm người Cà Mau, thì có hai thứ phải biết, là chèo chống và bơi lội.
Không kể những ghe tàu vận chuyển đường xa, có trọng tải lớn, việc đi lại trên sông rạch và đồng ruộng Cà Mau ngày trước gần như chỉ có một loại phương tiện duy nhứt, là xuồng ba lá. Xuồng ba lá có đủ các hạng: nhỏ nhứt là be bảy, rồi đếm dần lên tới be mười. Nhưng chưa hết, còn có be mười kèm, là kèm lên thêm trên hai bên be xuồng hai miếng ván nữa để tăng sức chở. Loại be mười kèm này ước có thể chở được trên dưới một tấn.
Khi một chiếc xuồng be lớn tới tuổi hư rã, người ta có thể lấy ba tấm ván o bế lại để đóng một chiếc xuồng nhỏ hơn. Cứ vậy cho tới khi nó không còn làm xuồng được nữa, thì trở thành cái bàn học cho trẻ con trong những mái trường làng, hay thậm chí thành... máng cho heo ăn. Nói việc này để biết, ván đóng xuồng ba lá không hề có ở rừng Cà Mau. Do không có nên nó luôn là vật hiếm, luôn được tận dụng. Ván để đóng xuồng ba lá được khai thác từ những loài cây của rừng mưa nhiệt đới như miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên hay bên Campuchia. Vên vên, một loài cây nằm trong nhóm họ dầu, là loại gỗ tốt nhứt để đóng xuồng ba lá, vì nó chịu bền trong nước. Có một loại gỗ nữa, rẻ tiền hơn, không bền bằng vên vên, nhưng chịu nước cũng khá tốt, là gòn rừng, một loài cây trong nhóm họ gạo.
Khi những chiếc máy đuôi tôm đầu tiên du nhập vào Cà Mau thì chiếc vỏ lãi còn chưa ra đời. Xuồng ba lá trở thành chiếc xuồng có gắn động cơ đầu tiên. Cũng chẳng phải cải tiến gì nhiều, chỉ cần cưa bớt cái mũi xuồng phía sau cho láp máy đừng vướng, gắn thêm cái bổ máy bằng gỗ, là xong. Về sự kiện này, nếu so với đời sống người thành thị, thì chiếc xuồng ba lá từ “xe đạp” đã lên đời thành “honda”. Nhưng trước khi được lên đời với chiếc máy đuôi tôm, chiếc xuồng ba lá cũng đã được “săn sóc” rất kỹ lưỡng. Việc o bế, trang bị cho chiếc xuồng được nhiều người coi như một thú chơi điệu nghệ: xuồng phải “uống” dầu trong (nhựa cây dầu); sạp xuồng phải từ mũi chí lái; cặp chèo đước phải dịu, bắt nước; quai chèo phải bằng lưới ni-lông; khoang tát nước không có đồ tát nước (xuồng rất khô), cả dây cột xuồng cũng phải được “trang bị” đủ dài.
Trên miền sông nước Cửu Long có đủ thứ xuồng chớ không chỉ có xuồng ba lá: xuồng cui, xuồng tam bản, xuồng năm quăng... Nếu nhờ một người ở đồng bằng sông Cửu Long giùm kể tên các loại xuồng, e rằng khó tìm được ai thống kê đầy đủ. Là do ghe xuồng ở mỗi vùng thường khác nhau, đôi khi khoảng cách cũng không phải xa lắm. Dân Cà Mau đi xuồng ba lá, nhưng dân Cần Thơ thì đi xuồng tam bản, loại xuồng ghép từ nhiều miếng ván, thân ngắn, dày, chắc, nặng.
Vậy tại sao dân Cà Mau chỉ đi xuồng ba lá?
Cà Mau là vùng đất định dạng sau cùng của đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đất ở đây còn thấp hơn, còn tranh chấp mặn - ngọt. Để giữ nước ngọt làm ruộng, lập vườn, người ta phải đắp đập, xuồng đi tới đập phải kéo qua. Xuồng ba lá nhẹ, dễ kéo. Tam bản nặng, không kéo nổi. Nhưng Cần Thơ thì chẳng có đập ngòi gì, vì đâu cũng nước ngọt, tam bản đi thông thương, lại đằm, không chao lắc. Xem kỹ thì cũng không có gì khó hiểu. Cũng vì lẽ này mà chiếc cầu kéo đập mới xuất hiện đầu tiên trên đất Cà Mau.
Ngày xưa, chèo xuồng trên những dòng sông Cà Mau, dọc triền sông là những rặng dừa nước ngút ngàn. Thỉnh thoảng lại gặp một khoảng trống, đó là bến nước của từng nhà. Ở mỗi bến nước đều có một cái rạp lợp lá de ra mé nước làm nơi đậu xuồng. Mọi cuộc ra đi và trở về của con người ở đây đều bắt đầu và được chờ đợi từ những bến sông này. Sự chờ đợi ấy đôi khi là một kết cuộc hân hoan, nhưng cũng có những kết cuộc ngậm ngùi. Người ra đi cũng có người trở về, nhưng có người không. Những cuộc chia xa nhiều khi rồi quay lại, nhưng không ít khi là mãi mãi. Bởi thế nên người viết bài này cũng đã có lần buộc viết ra mấy câu thơ:
“Giá mờ sương ấy con chim két
Đừng bi bô trộm trái vườn sau
Bến nước em chèo đi mất biệt
Dây xuồng đâu buột khổ đời nhau”.
Nguyễn Trọng Tín