ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:44:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ấm tình trong bão dữ

Báo Cà Mau (CMO) Rạng sáng 26/12, tại Rạch Gốc mưa rả rích, gió lạnh bốc từng cơn. Nhiều bà con trú bão ở trụ sở UBND thị trấn trằn trọc, không ngủ được. Nhiều cụ già cứ liên tục hỏi: “Bão tới đâu rồi mấy chú? Vô đây còn mạnh dữ không?”.

Khuya 25/12, Bí thư Đảng uỷ Rạch Gốc Nguyễn Trúc Ly đã đến nhiều điểm di dời dân để thăm hỏi, động viên bà con. Chị Ly chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy người dân lo lắng, quan tâm và ý thức phòng chống bão cao độ như lúc này. Kể cả những hộ mấy ngày trước còn dửng dưng, thì nay cũng răm rắp nghe lời chính quyền, lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng tránh, di dời theo yêu cầu”.

Những kinh nghiệm quý

Trực ban chỉ huy phòng chống bão liên tục cập nhật số liệu, tình hình, chỉ đạo. Trung tá Hồ Việt Triều, Trưởng Công an huyện Ngọc Hiển than thở: “Tính đâu nó ra rồi, giờ lại vô. Mũi Cà Mau ngay tâm nữa rồi. Mà đỡ lắm, bão giảm cấp, nhiều khả năng vô đây chỉ còn áp thấp nhiệt đới”. 

Đại uý Nguyễn Minh Tuấn, Đồn phó Đồn Biên phòng Rạch Gốc cập nhật thông tin hướng di chuyển và ảnh hưởng của bão số 16 cho bà con đến đồn tránh trú.

Mặc dù không ai nói với ai, song mong muốn lớn nhất là bão cứ trôi, cứ trôi thiệt xa cái mũi đất còn lắm nhọc nhằn này để dân đỡ khổ. Đến rạng sáng 26/12, bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, dù nguy cơ vẫn còn đó, nhưng những con người Cà Mau đã có được một cái thở phào nhẹ nhõm.

Trong quá trình hình thành, di chuyển, tàn phá, bão Tembin đã cho thấy sự phức tạp đến khó lường, sức mạnh huỷ diệt và nguy cơ tái hiện thảm kịch thiên tai tại khu vực Cà Mau 20 năm trước. Có lúc bão đạt cấp 13, giật cấp 15, tiệm cận mức độ thảm hoạ. Cập nhật thông tin về cơn bão, người Cà Mau thon thót giật mình, lẽ nào sau 20 năm…

Và rồi, với ít ký ức từ cơn bão Linda, chút kinh nghiệm từ việc đối phó với áp thấp nhiệt đới, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, người Cà Mau sẵn sàng “đón” bão. Riêng ở địa bàn Ngọc Hiển, chưa bao giờ, người ta thấy một cuộc di dời người dân khẩn trương, bài bản và hiệu quả đến vậy. 

Khảo sát tại ấp Ô Rô, ông Trần Hoàng Lạc, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Với những xóm nhà tạm bợ, ven biển thì thiệt hại tài sản khi bão vào là khó tránh khỏi. Các biện pháp chằng chống cũng không phát huy nhiều tác dụng”. 

Người dân đêm qua được sắp xếp ngủ nghỉ ngăn nắp tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc.

Phương châm đầu tiên là bảo đảm tính mạng cho người dân, vì thế Ngọc Hiển di dời theo đầu mối, mỗi đầu mối cán bộ phụ trách số gia đình và nhân khẩu cụ thể, có lệnh là đi. Cũng từ cơn bão này, một hiện tượng khá thú vị mà trước đây chưa từng có tiền lệ: Người dân đi nơi khác trốn bão. Như vợ chồng anh Nguyễn Văn Đăng thổ lộ: “Vợ chồng em bắt xe về quê Kiên Giang, ở xóm trọ người ta đi hết trơn rồi”.

Nắm bắt thông tin nhiều hơn, hoá ra ở thành phố Cà Mau các khách sạn, nhà nghỉ kiên cố đều đã cháy phòng. Mà có riêng gì Cà Mau, các tỉnh khác trong khu vực cũng vậy. Nghe nói ở Bạc Liêu, Bà Rịa, các địa điểm lưu trú còn mở cửa đón khách miễn phí. 

Thật lạ lùng, trong cơn thịnh nộ của đất trời, người ta thấy cán bộ và dân gần nhau hơn, tin nhau hơn, trong thắt ngặt lại sáng lên những tấm lòng nhân nghĩa. Có một điều mà chúng tôi nhận ra khi trực bão xuyên suốt mấy ngày, con người ở vùng mũi này quả thật có một văn hoá riêng, mộc mạc nhưng đằm thắm, thuỷ chung và lắm nghĩa tình.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển khẳng định: “Bão qua đi nhưng còn rất nhiều nguy cơ, không thể lơ là, chủ quan”. Với kịch bản mưa lớn, triều cường dâng, lốc xoáy… Ngọc Hiển lại tiếp tục làm công tác chuẩn bị, tuyền truyền đến Nhân dân.

Các phương án khôi phục sản xuất, giúp người dân nhanh chóng ổn định việc làm ăn được gấp rút triển khai. Hàng hoá được cung cấp đầy đủ, phong phú, giá cả ổn định. Với ông Lý Hoàng Tiến: “Đây không còn là đợt diễn tập nữa mà là một kinh nghiệm quý báu để ứng phó với bão. Ngọc Hiển vững vàng chuẩn bị cho những tình huống phức tạp nhất. Và thật may mắn, cơn bão đã không còn hung dữ như những dự đoán trước đó”.

Đau đáu những trách nhiệm…

Bên căn nhà lợp tôn cũ, một bà mẹ Rạch Gốc mang dĩa trái cây, đốt nhang vái “bốn phương tám hướng” để căn nhà, gia chủ bình yên. Qua đó mới thấy, người dân miền biển Ngọc Hiển còn lắm nhọc nhằn, khó khăn khi hạ tầng nơi đây còn thiếu và quá yếu, nhà cửa người dân còn tạm bợ. Người Cà Mau chỉ cần nơi “che nắng, che mưa”, mấy mươi năm mới có một cơn bão dữ đe doạ, thế nên dễ dàng tổn thương trước sự hung hãn của thiên nhiên. Với chiều hướng này, có lẽ thói quen và nếp nghĩ ấy cần thay đổi. Rồi Cà Mau sẽ đón bão thường xuyên hơn, nguy cơ đe doạ lớn hơn. Và chắc chắn rằng, đâu phải may mắn cứ mãi mỉm cười.

Ấn tượng trong những ngày trực bão còn là các anh bộ đội biên phòng ở đồn Rạch Gốc. Các anh thức cùng người dân, mở rộng cổng doanh trại để bà con vào tránh trú. Tại đơn vị của các anh, người dân bình yên tuyệt đối. Người ta nói nhỏ với nhau rằng, ở cái chóp cửa biển Rạch Gốc mưa gió bão bùng này, nếu không có đồn biên phòng, không biết sẽ nương tựa vào đâu. Trung tá Lê Đình Sơn, Đồn trưởng thì bộc bạch: “Chúng tôi không có bà con cũng làm sao trụ được, quân dân gắn bó mà”.

Người dân Rạch Gốc rời trụ sở thị trấn sau 1 đếm trú bão căng thẳng.

Với cơn bão 16 này, trực tại Ban chỉ huy cũng có sóng wifi, hiển thị cả ảnh mây vệ tinh, hướng đi cập nhật. Nguồn dự báo không chỉ riêng của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Có lúc thấy cái chóp đất nhỏ xíu của mình mà cục mây “to tổ chảng” chực chờ ụp tới, lòng ai mà không chua xót. Mây tan dần, có lúc đổi hướng, rồi suy yếu, ai nấy đều phấn khởi trong lòng. Thật tình, lắm lúc trong đầu chúng tôi đã nghĩ đến những tình huống xấu nhất. Không chỉ riêng với bà con Ngọc Hiển, mà ở nhà (dù là TP. Cà Mau), anh em chúng tôi mỗi người còn 2 đứa con nhỏ xíu và bà vợ chưa có chút hiểu biết nào với việc chống chọi bão dông.

Phải đợi hết ngày 26/12, khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ mới biết những lời van vái của bà má Rạch Gốc có trụ nổi với giông gió cấp 6 hay không. Cũng phải đợi cho mưa gió qua đi, người dân miền biển mới thật sự yên lòng. Thế nhưng, sáng 26/12 này, người ta đã bắt đầu có thể nghĩ về những điều lạc quan nhất. Như kiểu “trong cái rủi, có cái hên”, và dân Ngọc Hiển cũng thay đổi kế hoạch đôi chút: Tiếp tục tính đến chuyện ăn Tết năm nay.

Quốc Rin

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.