ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 22:43:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ăn ong - Nghề từ thuở khai hoang

Báo Cà Mau (CMO) Về xứ U Minh Hạ không ít lần, rong ruổi tận lõi những cánh rừng tràm, điều kỳ thú dường như vô cùng tận. Ẩn bên trong sự mộc mạc, hoang sơ là sự sáng tạo bền bỉ và tài tình của bao nhiêu lớp người nối tiếp nhau để thích nghi và làm chủ vùng đất được miêu tả là “sấu lội, cọp um”. Và rồi cái nghề ăn ong, nghề rừng hầu như ai cũng biết, cũng thạo ở xứ U Minh Hạ, đã khiến tất cả phải "ngã ngửa" khi có cái “bản lý lịch” vô cùng đặc sắc. Một nghề rừng gắn với những lưu dân từ thời mở đất, là sản vật để tự hào và có tính đại diện cho cả một không gian văn hoá thì làm sao có thể đơn thuần.

Nghề ăn ong có từ bao giờ?

Hầu như tất cả các đầu sách khi viết về văn hoá Nam Bộ đều dành một phần trang trọng để nói về nghề ăn ong. Trong quyển “Cà Mau xưa” của tác giả Huỳnh Minh - Nghê Văn Lương có miêu tả khá cụ thể về cách thức và thời điểm để những người dân xứ rừng đi ăn ong. Những người ăn ong được gọi là thợ, sẽ kết nối với nhau bởi một tổ chức gọi là phong ngạn. Những thành viên có quy ước với nhau, hiểu nôm na là đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề ăn ong. Ở thời điểm hiện tại, chỉ mật ong là giữ gần như nguyên vẹn giá trị, nhưng thời trước, sáp ong cũng là một sản phẩm có giá trị lớn của nghề ăn ong.

Ăn ong tại khu vực rừng tràm U Minh Hạ, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.                       Ảnh: QUỐC RIN

Theo Nhà văn, Nhà biên khảo Sơn Nam, sáp ong được coi là mặt hàng có giá trị trong nhiều lĩnh vực, như làm nến thắp, làm các chất dẫn trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và y học. Sáp ong quý đến nỗi khi muốn nói ai đó đưa hối lộ, đút lót thì kêu là “đút sáp”. Bởi vậy, không có gì bàn cãi khi nói về tầm quan trọng của nghề ăn ong đối với người dân xứ rừng tràm. Chỉ có điều, các đầu sách chỉ nêu ra một cột mốc rất chung chung, có ý nghĩa về định tính hơn là chính xác, nghề ăn ong ra đời gần như song hành với thời khẩn hoang, mở đất. Đó là sáng tạo tài tình của người dân khi ứng xử với một vùng đất đầy sản vật nhưng cũng còn quá hoang sơ, nguy hiểm chực chờ.

Nhà văn Đoàn Giỏi trong tác phẩm "Đất rừng phương Nam" có miêu tả chi tiết về cách gác kèo ong: “Lưng mang cái gùi tre đan đã trát chai, tay cầm chà gạc… Chọn được vùng rừng tốt, biết mùa xuân tràm sẽ kết hoa nhiều, mới định chỗ đặt kèo. Phải xem hướng gió, tính trước đường bay của ong mật. Đó là những chỗ “ấm”, cây day, không bị ngọn gió thốc thẳng vào và ít khi có những dấu chân người…”. Kèo là một nhánh tràm, gác chênh chếch xong thì phải “rửa”, tức là phát quang. Ong không ưa chỗ bóng rợp, vì mật thường chua và dễ bị ẩm tổ. Kèo phải cũ, tiệp màu với cây rừng, ong mới về đóng. Kèo mới, còn mùi dao búa, kim khí thì ong chúa rất kỵ.

Để rồi, bằng tất cả sự tự hào, Nhà văn Đoàn Giỏi khẳng định chắc chắn: “Trong kho tàng kinh nghiệm của những nhà nuôi ong trên thế giới ghi chép trong các sách vở mà tôi được nghe thầy giáo tôi kể, không thấy có nơi nào nói đến việc lấy mật bằng cách gác kèo như má nuôi tôi đã kể cho tôi nghe”. Cái nghề ăn ong, coi dễ nhưng không phải ai cũng làm được. Phải nắm giữ được những bí quyết nghề nghiệp, giữ được đạo đức của người ăn ong mới mong bền vững. Đó là không ăn ong trên kèo người khác, khi cắt mứt ong, phải chừa lại chừng 1/3 tổ để ong xây lại. Hàng năm, phải có lễ với thổ công, thần rừng để cam kết là không huỷ hoại, tận diệt tài sản của rừng già…

Vừa rồi, tại Cà Mau, tình cờ có nghe việc nơi nọ tổ chức lễ cúng tổ nghề ăn ong, chúng tôi vô cùng thắc mắc. Làm gì có tổ nghề ăn ong, chỉ có các bậc tiền nhân, thổ công, hà bá, thần rừng… là những điều mà xưa nay người thợ ăn ong bày tỏ lòng thành kính để tưởng nhớ và khấn vái. Tìm khắp tài liệu và cả qua kinh nghiệm dân gian cũng chưa thấy nhắc đến chuyện tổ nghề ăn ong. Thế nên, cúng bái cũng phải đúng, không theo kiểu tràn lan. Và sau khi tìm hiểu rất nhiều kênh thông tin, rốt cuộc, chúng tôi cũng phải xin nợ lại một câu trả lời, nghề ăn ong có từ bao giờ. Chỉ có một điều chắc chắn rằng, nghề ăn ong đã gắn bó với dân xứ rừng tràm từ xa xưa, thuở khẩn hoang, mở đất.

Sản vật quý của rừng tràm

Về xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, chúng tôi ghé thăm anh Phạm Duy Khanh, chủ homestay Mười Ngọt để tìm hiểu thêm về nghề ăn ong. Gia đình anh Khanh có diện tích rừng tràm khoảng 60 ha, trong đó có khoảng 10 ha là tràm nguyên sinh. Có mối liên hệ thân tình, nên anh Khanh nhiều lần thủ thỉ tâm tình: “Hồi mới về, cha con tui cực khổ lắm. Cái quần không bao giờ kịp ráo nước. Nhưng mình mê rừng, rồi từ từ, rừng cũng đền đáp cho mình thôi”. Chỉ riêng việc khai thác mật ong từ gác kèo và mật ong ruồi tự nhiên, mỗi năm anh Khanh thu về không dưới 1.000 lít.

Với giá bình quân, ong mật 400.000 đồng/lít, ong ruồi 800.000 đồng/lít, thu nhập không hề ít, nếu không nói là đáng ước mơ. Thế nhưng, với anh Khanh, tiền chưa phải là ưu tiên lớn nhất: “Mình làm nghề, quan trọng nhất là giữ được uy tín, chất lượng mật ong. Bây giờ, người ta giả mạo, nhái thương hiệu mật ong U Minh Hạ, thậm chí pha tạp vào mật ong, khiến người mua ngày càng nghi ngại”. Ăn từ rừng thì phải giữ gìn và biết ơn rừng. Anh Khanh tiết lộ: “Nghề ăn ong hay nghề nào cũng vậy thôi, mình phải biết dưỡng sức cho ong, biết trồng thêm rừng để nhiều hoa cho ong hút mật. Ăn ong phải tuyệt đối chú ý đến việc lửa đóm để tránh cháy rừng”.

Coi vậy mà nghề ăn ong lắm công phu, vất vả. Mật ong chất lượng nhất vào mùa khô, đặc biệt là mùa xuân, khi hoa tràm nở rộ. Anh Khanh dẫn chúng tôi đi trải nghiệm việc ăn ong trong những cái kèo tuốt trong lõi rừng tràm. Tỉ mẩn, nhẫn nại và hoàn toàn tự tin, đúng là phong thái của những người làm chủ rừng tràm. Theo anh Khanh, tốt nhất là không dùng dao cắt sáp ong, bởi có mùi kim loại. Trước người ăn ong vẫn dùng cật tre vót mỏng làm dao cắt. Ăn ong kiêng kỵ nhiều thứ, như chuyện quan hệ vợ chồng, tang chế… Người xưa cho rằng, nếu phạm điều kỵ, ong thường hung dữ và bung ra đánh người. Lấy ong phải chọn buổi trong ngày, khi nào trời dịu thì ong cũng bớt hung dữ, tập trung về tổ tiết mật nhiều. Không ăn ong khi trời vừa đổ mưa xong vì dễ bị ong tấn công…

Ngày trước, ngoài mật ong, sáp ong được đem về chế biến và đựng trong khạp da bò. Mật ong bảo quản đơn giản, nhưng cũng có một số điều lưu ý. Đó là không đựng mật trong chai thuỷ tinh, dễ bể chai. Nếu giữ trong ngăn mát tủ lạnh nên tranh thủ sử dụng. Theo nhiều nghiên cứu, mật ong nguyên chất có hạn sử dụng mãi mãi, nhưng phần lớn mật ong có lẫn tạp chất, tạp chất càng nhiều thì hạn sử dụng càng ngắn lại. Với trẻ em dưới 1 tuổi, tuyệt đối không sử dụng mật ong. Mật ong có giá trị dược liệu và bồi bổ tuyệt vời, cực kỳ hữu ích cho sức khoẻ.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cà Mau Dương Minh Vĩnh cho biết: “Nghề ăn ong là cả sự kết tinh nghệ thuật ứng xử của người xưa với thiên nhiên trù phú nhưng khắc nghiệt của rừng tràm. Nghề ăn ong vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của tỉnh Cà Mau, đó là sự thừa nhận vô cùng xứng đáng và rất tự hào”. Việc gìn giữ và truyền nghề trong cộng đồng cũng đã được khởi động, triển khai một cách bài bản hơn. Theo quan điểm của chúng tôi, người ăn ong không chỉ là thợ, mà đúng hơn là những nghệ nhân dân gian về một nghề rất đặc trưng của vùng rừng tràm U Minh. Họ đã nâng tầm nghề mưu sinh thành  nghệ thuật bao hàm cả giá trị văn hoá và triết lý nhân sinh.

Thương hiệu mật ong rừng tràm U Minh Hạ cũng đã được công nhận là thương hiệu tập thể. Mật ong U Minh Hạ đã mang hương tràm quê hương vươn xa đến mọi nơi. Cái nghề từ thời khẩn hoang, mở cõi, vẫn trường tồn như cây tràm bén vào lòng đất mẹ, dâng mật ngọt, hương sắc cho đời./.

Phạm Hải Nguyên

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.