ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 06:36:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

An toàn hơn trước thiên tai

Báo Cà Mau Từng bước giúp người dân có nhà ở kiên cố đủ khả năng chống chịu, hạn chế thiệt hại do bão, gió mạnh, là một trong những giải pháp đã được triển khai nhiều năm qua, ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Từ nhiều nguồn vốn, hàng ngàn căn nhà tạm đã được thay thế bằng những căn nhà kiên cố để người dân có chỗ ở an toàn hơn, yên tâm lao động sản xuất.

Cà Mau là một trong những địa phương đã và đang chịu tác động nghiêm trọng của các loại hình thiên tai do biến đổi khí hậu. Bão, áp thấp nhiệt đới kéo theo mưa lớn, lốc xoáy, gió mạnh là một trong số những loại hình thiên tai thường xuyên xuất hiện trên địa bàn tỉnh mỗi khi bước vào mùa mưa như hiện nay. Các hình thái thời tiết này đã ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn cả trong sản xuất, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân.

Những năm gần đây, số nhà ở của người dân bị thiệt hại, hư hỏng do thiên tai gây ra đã vượt hơn con số ngàn. Cụ thể, trong năm 2022 có khoảng 1.583 căn nhà và 43 công trình khác bị thiệt hại, hư hỏng do thiên tai gây ra; bước sang năm 2023, con số này cũng khá cao khi có đến hơn 1.500 căn. Từ đầu năm đến nay, dù chủ yếu là mùa khô nhưng thiên tai cũng đã làm 13 căn nhà bị thiệt hại; trong đó sập 5 căn, hư hỏng, tốc mái 8 căn.

Tỉnh Cà Mau đang triển khai xây dựng 433 căn nhà từ chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt từ Dự án GCF.

Nguyên nhân số lượng căn nhà bị thiệt hại cao, một phần do thiên tai diễn biến ngày một khốc liệt và khó lường, phần do hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân còn đang sinh sống trong những căn nhà tạm chưa đủ sức chống chịu với thiên tai; nhất là khi xuất hiện mưa lớn kèm dông, lốc xoáy, gió mạnh - một hiện tượng thời tiết thường xuyên xuất hiện trên địa bàn tỉnh khi bước vào mùa mưa như hiện nay.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, từ nay đến tháng 8, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 2-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó khả năng có 1 cơn đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Từ tháng 9-11, dự báo trên biển Ðông xuất hiện từ 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Mưa lớn, dông, lốc, gió mạnh... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở nhiều khu vực chịu tác động. Trước dự báo trên, nguy cơ thiệt hại sẽ tiếp tục ở mức cao khi toàn tỉnh hiện vẫn còn hàng ngàn hộ đang thuộc diện khó khăn về nhà ở.

Thời gian qua, nhằm tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, hàng loạt các chính sách di dời, tái định cư và hỗ trợ về nhà ở tại khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn được triển khai thực hiện.

Hiện nay, 6 huyện ven biển của tỉnh đang triển khai quyết liệt xây dựng tổng cộng 433 căn nhà cho người dân. Ðây là số căn nhà được đầu tư xây dựng sau nỗ lực vận động, thuyết phục từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ. Theo đó, để kịp thời tăng cường năng lực chống chịu với những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra cho các cộng đồng dân cư ven biển, tiến độ xây dựng đang được đẩy nhanh để hoàn thành toàn bộ 433 căn theo đúng thời gian dự kiến là trong tháng 6 này.

Cư dân ven biển là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra mưa bão. (Trong ảnh: Vàm Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

Là 1 trong số 131 hộ của huyện Trần Văn Thời được hỗ trợ nhà lần này, ông Lê Tiệp Khắc, ấp Sào Lưới A, xã Khánh Bình Tây Bắc, xúc động chia sẻ: "Gia đình có 2 con nhỏ (13 tuổi và 5 tuổi) nên luôn sống trong cảnh phập phồng mỗi khi vào mùa mưa, bởi khu vực này thường xuyên xuất hiện những cơn gió mạnh. Có được căn nhà kiên cố ổn định, bản thân cũng an tâm hơn để sản xuất, phát triển kinh tế. Ðây là điều khao khát nhất từ trước đến nay của gia đình".

Khu dân cư Sào Lưới là một trong những nỗ lực nhằm hỗ trợ ngư dân ven biển có nơi ở an toàn trước mưa bão.

Ðể tiếp tục hỗ trợ người dân có nơi ở ổn định, an toàn, mới đây Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức phát động phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện không còn nhà thuộc diện dột nát, song vẫn còn nhiều nhà ở chưa đảm bảo theo chuẩn mới. Toàn tỉnh hiện còn gần 2 ngàn hộ dân đang gặp khó khăn về nhà ở. Dó đó, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đang tiếp tục vận động, kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng để ngày càng có nhiều hơn những hộ dân được sinh sống an toàn trong những căn nhà kiên cố.

Từ nguồn kinh phí 5 tỷ đồng mà Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phân bổ cho tỉnh, trong buổi lễ phát động phong trào thi đua “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025, diễn ra vào ngày 13/4 vừa qua, sẽ có 100 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có nhà ở kiên cố hơn.

Không chỉ vậy, thời gian qua, tỉnh đã tiến hành lồng ghép nhiều nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công... nhằm ngày càng có nhiều hơn công trình cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, nhà ở của người dân đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế..., từ đó giảm thiểu tổn thất về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội./.

 

Nguyễn Phú

 

4 tại chỗ, sát thực tế

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật; áp thấp nhiệt đới, bão và các hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa lớn kéo dài, triều cường, sạt lở đất ven sông... xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn hơn, nguy hiểm hơn. Ðể chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh vừa xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Toàn xã hội cùng phòng chống thiên tai

Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; bão mạnh, siêu bão; mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; sạt lở, sụt lún đất; hạn hán; xâm nhập mặn vùng ngọt... những loại hình thiên tai này không còn quá xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều chương trình, đề án, dự án liên quan đến phòng, chống thiên đã được triển khai nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Nơm nớp mùa sạt lở

Khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống thì các hộ dân sinh sống ven biển, cửa biển huyện Ngọc Hiển lại nơm nớp lo sợ tình trạng sạt lở đất xảy ra.

Chủ động trước sạt lở

Hiện nay, tình hình sạt lở đất trên địa bàn huyện Năm Căn diễn biến hết sức phức tạp. Ðiều đáng lo là hầu hết các vụ sạt lở thường xảy ra vào ban đêm và không phát hiện hiện tượng rạn nứt đất trước đó, nếu không có ý thức cảnh giác và phát hiện kịp thời thì hậu quả sẽ khó lường.

Tập trung nguồn lực, tái thiết sau thiên tai

Trong bối cảnh thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường thì việc tổn thất tài sản, thậm chí tính mạng con người là điều gần như khó tránh khỏi. Theo đó, vấn đề đặt ra là việc tập trung nguồn lực để khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm giúp người dân sớm có cuộc sống ổn định.

Chủ động trước mùa mưa bão

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai xuất hiện dị thường, không theo quy luật, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước tình hình đó, huyện Thới Bình tăng cường và chủ động trước mọi tình huống, vận động người dân phòng chống, ngăn ngừa, nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

Cùng chủ động, trách nhiệm tham gia phòng, chống thiên tai được xem là biện pháp tốt nhất để giảm nhẹ mức độ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra, nhất là trong xu thế biến đổi khí hậu đang tác động nhanh, mạnh, khiến các hiện tượng thời tiết, thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường. Chính vì vậy, việc xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai càng trở nên cấp bách.

Ðề phòng thiên tai mùa mưa bão

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Cái Nước, mùa mưa bão năm 2023, trên địa bàn huyện có 109 căn nhà bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy; trong đó có 14 căn nhà bị sập hoàn toàn, ước tổng thiệt hại tài sản gần 800 triệu đồng. Phần lớn số nhà bị sập và tốc mái chủ yếu xảy ra ở thời điểm những tháng đầu mùa mưa.

Còn nhiều đoạn sạt lở chưa được khắc phục

Thời gian qua, do ảnh hưởng của hạn hán nên nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện U Minh bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã ra sức khắc phục, tuy nhiên, đến nay, nhiều đoạn vẫn chưa khắc phục được, do chưa có kinh phí. Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện đang ra sức huy động nguồn lực để triển khai khắc phục, nhằm giải quyết tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Hoàn thiện hạ tầng, an toàn hơn trước thiên tai

Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm gần đây ngày càng phức tạp, khó lường. Bão, mưa lớn, triều cường, ngập lụt... đang gia tăng về cường độ, tần suất; xuất hiện ngày một nhiều hơn các đợt thiên tai cực đoan không theo quy luật. Thực tế này đòi hỏi hạ tầng phòng, chống thiên tai (PCTT) cần được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hơn.