Hình ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khắc sâu trong tâm trí của những cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, cho đến người dân trên mảnh đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. Ðặc biệt, những người làm báo ở Cà Mau luôn dành cho Tổng Bí thư tình cảm, ấn tượng vô cùng sâu sắc.
- Người khóc, mưa tuôn thương tiếc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
- 10 phát ngôn sâu sắc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chung một niềm tin, ý chí hướng về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngược dòng thời gian trở lại ngày 20/2 của 7 năm trước, Cà Mau vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc trong 2 ngày ngắn ngủi nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Vẫn dáng vẻ gần gũi, giản dị ấy, bác Trọng đã ghé qua những nơi thiêng liêng nhất của Cà Mau.
Tất tả nào máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, giấy, viết để kịp “tốc ký” tại những địa điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé qua, cánh phóng viên báo chí đưa tin lúc ấy vừa sốt sắng, cẩn trọng, lại vừa tràn ngập niềm vui khi gặp được Tổng Bí thư ngoài đời thực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thời điểm làm Chủ tịch Quốc hội) có chuyến công tác tại Cà Mau và chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo. Ảnh: HUỲNH LÂM
Nhà báo Lê Phong Phú, cựu phóng viên Báo Cà Mau (hiện là phóng viên Báo Quân khu 9) may mắn được trực tiếp gặp và viết tin về Tổng Bí thư, bùi ngùi nhớ lại: “Tôi vinh dự được tháp tùng đi cùng bác Tổng Bí thư trong 2 chuyến công tác ở tỉnh Cà Mau. Chuyến đầu tiên khi bác còn là Chủ tịch Quốc hội (năm 2009) và chuyến thứ 2 trên cương vị Tổng Bí thư (năm 2017). Ðường Hồ Chí Minh nối dài, trải hầu như 2/3 địa phận Cà Mau, những công trình trọng điểm, vực dậy, đổi thay quê hương địa đầu cực Nam Tổ quốc, nghe và thấy những thay đổi, bác Trọng không giấu được nỗi vui mừng. Nhân dân Ðất Mũi tiếp xúc với bác thời gian chóng vánh nhưng ai cũng cảm nhận được tình cảm dạt dào, chân mộc, dung dị, gần gũi. Dạo quanh bờ kè Ðất Mũi, bác căn dặn lãnh đạo tỉnh Cà Mau cần đặc biệt quan tâm đến sinh kế để nâng cao mức sống người dân, kết hợp tiềm năng, lợi thế vùng giáp biển, ngư trường rộng lớn để xây dựng quê hương Cà Mau thêm hiện đại, giàu đẹp và văn minh. Ðặc biệt, mạnh dạn đề xuất dự án đột phá trong thực thi Chiến lược hướng ra biển, làm giàu từ biển”.
Liên tục ghi lại hình ảnh Tổng Bí thư qua chiếc máy ảnh, rồi cẩn thận ghi lại từng lời bác dặn dò, khuyên bảo, Nhà báo Phong Phú cứ dâng trào xúc động. Và giờ đây, viết lại hồi ức về Tổng Bí thư qua những bài báo, anh lại chìm đắm trong miền nhớ: “Tiếp xúc với nhân vật tầm vóc còn là động lực, nguồn cảm hứng để bản thân tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Hơn nữa, tôi rất tâm đắc thời điểm Ðảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng triển khai mạnh công tác chỉnh đốn Ðảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; rồi kế đó là hàng loạt những giải pháp hiệu quả “không có vùng cấm”... Gần đây nhất, được tiếp thu nhiều ý kiến chuyên gia về những tác phẩm của Tổng Bí thư xuất bản, càng trân quý hơn về một nhân cách lớn. Cảm hứng về tầm vóc, nhân cách và sự chân tình, giản dị ấy, bản thân càng gắng sức học tập nâng cao tay nghề, nhất là bản lĩnh chính trị; giúp bản thân ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, nhất là đảng viên trong lực lượng vũ trang. Khi đất nước hoà nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, nhiều yếu tố của nền kinh tế thị trường, đời sống xã hội tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tình trạng quan liêu, xa dân, sợ trách nhiệm... Do đó, việc tự rèn, nghiêm túc quán triệt các quy định của Ðảng, những điều đảng viên không được làm với tôi hết sức cần thiết. Và nghề báo rất cần sự công tâm, khách quan, tu dưỡng, rèn luyện ấy”.
May mắn được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Thủ đô Hà Nội trong chuyến tác nghiệp sự kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, Nhà báo Ðỗ Chí Công, Trưởng phòng Biên tập Báo Cà Mau, nhớ lại: “Vinh dự lắm, xúc động lắm khi được ra Hà Nội tác nghiệp tại một sự kiện lớn như Ðại hội Ðảng, nhất là được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi, những người làm báo ở các tỉnh, thành phố và bộ, ngành phải chờ đợi rất lâu mới gặp được bác, vì chúng tôi chỉ tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí của Ðại hội. Chỉ có Báo Nhân Dân, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản... được trực tiếp tác nghiệp tại hội trường, nhưng số lượng nhà báo cũng rất khiêm tốn. Tôi nhớ, vào cuối giờ sáng ngày 1/2/2021, cả Trung tâm Báo chí mọi người đều đứng dậy vỗ tay đón Tổng Bí thư, bác di chuyển thật chậm, mỗi bước đi khó khăn vì tuổi cao, sức kém, nhưng Bác vẫn nở nụ cười thật tươi, tay vẫy chào mọi người. Mở đầu trả lời các câu hỏi phỏng vấn của nhà báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại quá trình làm báo của bản thân mình gần 30 năm, để đồng cảm, chia sẻ với nhiệm vụ cao quý của nghề báo, người làm báo. Tôi ấn tượng nhất với câu khẳng định của bác Nguyễn Phú Trọng tại buổi họp báo, với giọng run run, xúc động: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Cụm từ ấy đã chính thức được đưa vào văn kiện. Chúng ta tự hào với việc này”. Trong suốt buổi họp báo hơn 1 giờ đồng hồ, tôi đã rất xúc động, rơi nước mắt, vì thương bác tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn gánh vác trọng trách non sông, đất nước”.
Một người con Cà Mau khác cũng được cơ duyên phục vụ đoàn công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Cà Mau là cán bộ Bảo tàng tỉnh Cà Mau, chị Trần Chúc Ly. Chị chỉ được thông báo trước 30 phút về buổi viếng, dâng hương, trồng cây lưu niệm tại Khu Tưởng niệm Bác Hồ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chị chuẩn bị trong hồi hộp và tự nhủ phải làm sao cho chu đáo, tươm tất nhất, dù công việc đó chị đã làm hằng ngày và gần như trở thành thói quen. Chị Ly bùi ngùi: “Khi đó tôi được giao nhiệm vụ đọc lời khấn để bác Trọng và đoàn thắp hương viếng Bác Hồ. Trong khoảng cách thật gần được nhìn bác Trọng, tôi cảm nhận bác là người giản dị, chân tình, luôn ân cần thăm hỏi, quan tâm đến mọi người, để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Ðó là lần đầu cũng như lần cuối tôi được gặp bác, nhưng tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người. Khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, trong lòng tôi có nhiều cảm giác đau thương khó tả”.
Chị Ly nuối tiếc vì chị và Bảo tàng Cà Mau vẫn chưa kịp thực hiện được hoạt động trưng bày tác phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, dự kiến sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 19/8/2024. Ðây là tâm huyết của các cán bộ, viên chức tại Bảo tàng Cà Mau và những người con của cực Nam Tổ quốc, muốn gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tiếc là, bác đã không chờ kịp để nhận món quà này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi còn là Chủ tịch Quốc hội) thăm và kiểm tra tình hình sạt lở tại Mũi Cà Mau, ngày 8/12/2009. Ảnh: HUỲNH LÂM.
Trong suy nghĩ của người dân cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, Tổng Bí thư là hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của Nhân dân. Là cán bộ lãnh đạo của tỉnh, nhiều lần gặp gỡ và làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, chia sẻ: “Tôi và Ðảng bộ, quân, dân Cà Mau vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, nhà lãnh đạo tài năng, kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và hạnh phúc của Nhân dân. Ðồng chí là tấm gương sáng về nhân cách, bản lĩnh, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Học tập và noi gương đồng chí, Ðảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau nguyện đem hết tâm sức, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XII tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng, đã đánh giá: “Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Ðể có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, vai trò hạt nhân lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng quan trọng. Dù nay, Tổng Bí thư của chúng ta đã ra đi mãi mãi, nhưng lý tưởng và tinh thần tận hiến của ông đối với Ðảng, đất nước và Nhân dân vẫn mãi là dấu son trong lịch sử dân tộc./.
Lam Khánh