Anh Tám Giữ, đó là tên gọi thường ngày của anh Nguyễn Văn Giữ, thương binh hạng 4/4, mất 85% sức khoẻ, cụt 2 chân, hội viên Hội Cựu chiến binh, thường trú tại Khóm 5, Phường 5, TP Cà Mau. Trong cuộc sống thường ngày, anh luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
- Chuyển biến từ học tập và làm theo Bác
- Nhớ lời Bác dạy về nghề báo
- Học và làm theo Bác để sống đẹp, sống có ích
Hằng ngày anh Tám Giữ vẫn miệt mài bên con quay để chiết dây ra cuộn nhỏ cho khách hàng. |
Sinh năm 1965, tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1983 vừa tròn 18 tuổi, anh Tám Giữ tình nguyện lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn Campuchia chống lại tập đoàn Pôn Pốt. Nhớ lại thời quân ngũ, anh Giữ kể: “Ðời chiến sĩ gian lao, một năm đi chiến dịch truy quét địch 6 tháng, thời gian còn lại tiếp tục huấn luyện tác chiến để phù hợp với tình hình chiến sự, đảm bảo giành thắng lợi trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào. Do vậy, tôi và đồng đội phải nỗ lực, xác định quyết tâm, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần quyết chiến, quyết thắng”.
Trên cương vị tiểu đội trưởng, luôn tiên phong đi đầu đội hình trong chiến đấu, thời gian tham gia chiến dịch cuối tháng 4/1985, khi chỉ huy tiểu đội truy kích địch, anh đã vướng phải mìn do quân địch cài lại hòng chặn đường tiến công của quân ta. Lúc tỉnh dậy tại hậu cứ, không còn 2 chân, anh đã có cảm giác tuyệt vọng. Suy nghĩ bi quan chết đi cho rảnh đời, sống làm gì khi thân tàn phế, chẳng ích gì cho gia đình và xã hội; đi đứng ra sao khi đôi chân không còn... cứ hiện hữu trong tâm trí anh. Thấu hiểu nỗi lòng của anh, đồng đội xung quanh dành tình cảm yêu thương, chia sẻ, trao cho anh thêm nghị lực và sức mạnh nội sinh. Nhớ lời thề danh dự của người chiến sĩ trong Quân đội Nhân dân Việt Nam: “... Thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” và lời dạy của Bác Hồ kính yêu:“Thương binh tàn nhưng không phế”, anh Tám Giữ phấn chấn tinh thần, coi đó là phương thuốc vô giá, là phương châm sống để vượt qua nghịch cảnh.
Những tháng ngày ở Trại An dưỡng Quân khu 9, với tình thương yêu của đồng chí, đồng đội và gia đình, người thân, anh Tám Giữ đã lấy lại được tinh thần, cùng xác định quyết tâm, rèn luyện đôi bàn tay kiêm đôi chân để sinh hoạt thường ngày. Ðôi tay vốn chỉ làm chức năng cầm, nắm thì nay phải nhọc nhằn gánh thêm chức năng di chuyển toàn thân thể. Khó khăn, cực nhọc, đau đớn mỗi khi tập luyện; vết cắt hoại tử của 2 chân đã víu vá đầu các dây thần kinh tưởng như lúc nào cũng có thể bung ra vì đau buốt. Những lúc tập luyện đau quá, anh phải lấy dây buộc chặt vào phần thịt và xương đã bị cắt cụt, lấy tay đập thật mạnh xuống chỗ ngồi cho tê cứng để phân tán dây thần kinh cho đỡ buốt... Vậy nhưng anh không lùi bước, tiến bộ từng ngày. Khổ luyện hơn 3 năm, anh xin về Trại An dưỡng thương binh tỉnh nhà Minh Hải. Thời gian này nhịp sống đã quen trong sinh hoạt của một người bị cụt 2 chân, anh đã tự chăm sóc được mình và còn làm những việc phụ giúp các điều dưỡng viên ở trại. Cũng chính từ đây, chị Phan Thị Nhi, điều dưỡng viên trại an dưỡng đã nảy nở tình cảm với anh. Hai người bén duyên, chị Nhi tự nguyện bù đắp cho anh những mất mát mà anh phải chịu đựng. Họ nên duyên chồng vợ, được tổ chức quan tâm cấp một phòng trong khu điều dưỡng để sinh hoạt, chăm sóc lẫn nhau.
Vậy là, một mái ấm gia đình hạnh phúc, thật mà ngỡ trong mơ, trở thành động lực thôi thúc anh phải làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với chiếc xe lăn, mỗi sáng sớm ở trung tâm chợ công chánh thị xã, anh thương binh Tám Giữ đã lấy sỉ các mặt hàng rau, củ, quả chất đầy xung quanh mình cùng với xe lăn đưa về hẻm nhỏ nơi vợ chồng anh sinh sống, bán lẻ cho bà con cận kề để có thu nhập phụ giúp vợ và tiền thuốc men cho mình. Niềm vui đặc biệt đã đến với anh chị khi cháu trai đầu lòng chào đời. Có thêm thành viên trong gia đình đồng nghĩa với tăng khoản chi tiêu, nên anh đã nhận thêm nghề sơn nón lá. Công việc nhiều, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng niềm vui luôn tràn ngập căn phòng hạnh phúc của người thương binh nặng đã quên đi những đau đớn của thể xác, quyết chí vươn lên bằng nghị lực của mình để làm người có ích.
Mạch nguồn cuộc sống đã được khơi dòng chảy, anh như được tiếp thêm sức mạnh, tự tin, lạc quan tham gia đầy đủ các phong trào do cấp uỷ, chính quyền địa phương phát động; đóng góp các quỹ phúc lợi xã hội và các mô hình hoạt động của cựu chiến binh, thiết thực, hiệu quả, được hội viên và lãnh đạo các cấp tin yêu, khen ngợi. Lắng đọng trong mỗi người khi nghĩ và nói về anh Tám Giữ bằng sự ngưỡng mộ nghị lực vượt khó của anh, là Giữ “4 không” (không nói về bản thân những mất mát thể xác; không ca thán, đòi hỏi chế độ ưu tiên ưu đãi; không dựa dẫm, ỷ lại; không khoe khoang công thần; và Giữ “4 quyết” (quyết không sợ gian khổ, quyết tâm học và làm theo Bác Hồ vĩ đại, quyết một niềm tin son sắt với Ðảng, quyết vượt lên chiến thắng bản thân). “4 không”, “4 quyết” chính là thể hiện bản lĩnh, phẩm chất sáng ngời Bộ đội Cụ Hồ mà anh từng được rèn luyện trong môi trường quân ngũ.
Một ngày đầu xuân, tôi đến thăm anh trong căn nhà khang trang, thoáng mát, sạch sẽ ở Khu dân cư phường Tân Xuyên, được xây dựng bằng tiền tích cóp của gia đình. Nhìn anh khoẻ khoắn, vui vẻ, trẻ hơn nhiều so với tuổi, tôi mừng thầm và thấy lòng chộn rộn. Vừa cười nói rổn rảng, nhưng anh vẫn luôn tay quay cuộn dây lớn để chia thành tép nhỏ theo đặt hàng của khách. Tôi hỏi về cuộc sống hiện tại, anh nhấp ngụm trà, đưa mắt nhìn xa xăm như tìm về ký ức, rồi chậm rãi: “Mình bị thương cụt mất 2 chân, đau khổ lắm, nhưng còn sống, có vợ, có con là hạnh phúc nhất rồi. Bao đồng đội của tôi đã hy sinh, chỉ còn di ảnh. Sự mất mát ấy mới lớn lao, tôi có là gì so với họ. Nếu có viết thì hãy viết về sự hy sinh của đồng đội tôi để đời sau không quên công lao của họ. Và có kể, tôi cũng sẽ kể về những đồng đội của tôi, về sự hy sinh anh dũng của họ để chúng ta được hưởng cuộc sống yên bình hôm nay”.
Năm tháng trôi qua, các con anh đều yên bề gia thất. Cuộc sống hiện tại của gia đình anh luôn rộn rã tiếng cười trong niềm vui sum vầy, hạnh phúc. Anh Tám Giữ bộc bạch: “Ngày ngày tôi luôn nguyện sống sao cho xứng đáng với những đồng đội của mình đã hy sinh. Tôi không mong gì hơn, chỉ mong có sức khoẻ để vui vầy cùng con cháu và gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ vui buồn với đồng đội và bà con chòm xóm, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp”./.
Nguyễn Xuân Bình